Trong vòng xoáy cạnh tranh khốc liệt với các loại hình vận chuyển khác, ngành đường sắt đã nỗ lực chuyển mình, “khoác áo mới” và bắt tay với các hãng lữ hành để giành thị phần.
Du lịch đường sắt đang chuyển mình mạnh mẽ, chuyên nghiệp, bài bản hơn để thu hút du khách.
Chuyển mình mạnh mẽ
Tuyến đường sắt Bắc Nam dài 1.726 km chạy qua 21 tỉnh, thành phố cùng nhiều địa danh nổi tiếng, khá lý tưởng để du khách gia tăng trải nghiệm cho chuyến đi.
Tuyến đường sắt này đã được tạp chí du lịch nổi tiếng thế giới Lonely Planet bình chọn đứng đầu danh sách 8 hành trình du lịch tàu hỏa đáng trải nghiệm nhất thế giới (năm 2018); được Hãng tin Sputnik (Nga) bầu chọn là một trong 10 tuyến đường sắt đẹp nhất thế giới (năm 2019).
Tuy nhiên, theo thống kê, đường sắt mới chỉ vận chuyển hơn 10% tổng lượng khách du lịch, với tổng doanh thu tương đương 0,53%. Đây là con số rất khiêm tốn so với tiềm năng.
Ngành đường sắt Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức. Ông Trần Trọng Lưu, Giám đốc chi nhánh Công ty cổ phần Dịch vụ du lịch đường sắt Hà Nội thẳng thắn chỉ ra nguyên nhân: “Sự cạnh tranh gay gắt của các loại hình vận tải, đặc biệt là hàng không, khi các hãng đua nhau giảm giá, tăng số lượng chuyến; hệ thống hạ tầng đường sắt ngày càng xuống cấp, chất lượng dịch vụ chưa đáp ứng được nhu cầu khiến số lượng hành khách sử dụng tàu hỏa ngày càng giảm”.
Nhận thấy nguy cơ bị bỏ xa trong việc thu hút khách, những năm gần đây, Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội (Haraco) đã có những biện pháp cụ thể để thu hút khách trở lại. “Haraco chủ động đóng mới, cải tạo các toa xe, thiết kế lại hệ thống nhà vệ sinh tiện nghi hiện đại. Năm 2018 - 2019, Công ty đóng mới 145 toa xe để đưa vào khai thác, phục vụ khách”, bà Phùng Thị Lý Hà, Phó tổng giám đốc Haraco cho biết.
Cũng theo bà Hà, Haraco còn phối hợp với ngành hàng không tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho bộ phận tiếp viên, song song với việc thực hiện Bộ quy tắc ứng xử của ngành để nâng cao chất lượng phục vụ.
Dành 2.000 chỗ để kích cầu du lịch
Gần đây, nhiều du khách rất ngạc nhiên sau khi trải nghiệm dịch vụ đường sắt. Bà Lê Thị Hải (Hà Đông, Hà Nội) cho hay: “Gia đình tôi vừa có chuyến du lịch tại Huế bằng tàu hỏa. Tôi thực sự ngạc nhiên, thích thú trước sự thay đổi từ khâu đặt vé qua mạng thuận tiện, các toa tàu khang trang, phục vụ chuyên nghiệp, nhà vệ sinh không còn là nỗi ám ảnh như trước…”.
Ông Lương Duy Doanh, Trưởng ban Truyền thông Câu lạc bộ Lữ hành Unesco Hà Nội cho hay: Cuối tuần qua, Haraco đã phối hợp với Câu lạc bộ Lữ hành Unesco Hà Nội tổ chức Lễ phát động Chương trình Kích cầu du lịch bằng đường sắt, hưởng ứng Chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”. Các đơn vị đã xây dựng các tour du lịch trọn gói đi lại bằng tàu hỏa đến các điểm thăm quan du lịch như Quảng Bình, Huế, Đà Nẵng, Vinh, Lào Cai... và các điểm du lịch có tuyến đường sắt đi qua.
Nhằm kích cầu du lịch, Haraco tổ chức chương trình ưu đãi giảm giá đến 25% cho khách mua vé tập thể từ 5 người trở lên. Đặc biệt, với các công ty du lịch nếu tiêu thụ trên 300 vé/tháng bên cạnh việc được giảm giá vé còn được hưởng mức chiết khẩu 3%.
Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư, ông Phùng Xuân Khánh, Giám đốc Công ty Tiên Phong Travel cho biết: “Khoảng 10 năm gần đây, du khách thường chọn di chuyển bằng đường bộ hoặc đường hàng không khi đi du lịch. Tuy nhiên, ngành đường sắt đã đóng mới, làm mới nhiều toa tàu, có những toa phục vụ riêng cho du khách. Cơ sở vật chất trên tàu hiện đại, đầy đủ tiện nghi, có phục vụ đồ ăn và đội ngũ y tế...”.
Trong tháng 7 và 8/2020, Haraco sẽ dành 2.000 chỗ cho các đơn vị tham gia Liên minh Kích cầu để xây dựng sản phẩm tour charter (thuê nguyên chuyến).
Ông Trương Quốc Hùng, Chủ tịch CLB Lữ hành Unesco Hà Nội cho biết: Thời gian tới các DN du lịch lữ hành Hà Nội nói chung cũng như DN thuộc Câu lạc bộ Lữ hành Unesco Hà Nội nói riêng sẽ tiếp tục thuê nguyên chuyến tàu đưa du khách tới các điểm du lịch Huế, Lào Cai, Vinh... Tuy nhiên để xây dựng các tour du lịch bằng đường sắt kích cầu thu hút khách du lịch một cách có hiệu quả đòi hỏi trong thời gian tới bên cạnh sự “ vào cuộc” của DN du lịch lữ hành còn đòi hỏi Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam nâng cao chất lượng dịch vụ ngành đường sắt thông qua việc đảm bảo hành trình tàu đúng giờ, chất lượng toa xe, môi trường vệ sinh sạch sẽ, phục vụ ăn uống trên tàu... qua đó cạnh tranh với những sản phẩm du lịch truyền thống như máy bay, ô tô giường nằm.
“Ngành đường sắt cần giảm giá vé tàu, giá dịch vụ theo từng giai đoạn, có chính sách áp dụng giá riêng cho doanh nghiệp lữ hành đưa khách đến ngành đường sắt đến hết năm 2020 - 2021. Cập nhật liên tục và rõ ràng các chương trình kích cầu đến các doanh nghiệp du lịch, khách sạn, điểm thăm quan trong cả nước. Đặc biệt ngành đường sắt giám sát DN thành viên thực hiện các chương trình kích cầu một cách bài bản, chất lượng qua đó giữ vững niềm tin của du khách cũng như của doanh nghiệp lữ hành”, ông Hùng kiến nghị.
“Tham gia Liên minh Kích cầu, các doanh nghiệp cam kết đưa tới cho khách hàng chương trình tour với mức giá thống nhất. Du khách sẽ được trải nghiệm dịch vụ chất lượng cao khi đi tàu hỏa, nghỉ tại khách sạn 3 - 5 sao, thăm các điểm đến nổi tiếng...”, ông Hùng cho hay.
Đánh giá về cơ hội phát triển của du lịch đường sắt, ông Hùng nhận định: “Khoảng thời gian sau Covid-19 là cơ hội đối với ngành đường sắt, vì nhiều du khách vẫn có tâm lý e ngại khi đi máy bay. Để thu hút khách, ngành đường sắt cần quảng bá rộng rãi hơn, nâng cao chất lượng phục vụ, bổ sung các sản phẩm đi kèm nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng phong phú của du khách”.
Với sự chuyển mình mạnh mẽ, chuyên nghiệp, bài bản, các doanh nghiệp lữ hành tin tưởng, du lịch đường sắt sẽ sớm khởi sắc và phát triển bền vững.
Hồ Hạ