Cồn Cỏ là một báu vật của thiên nhiên ban tặng cho ngư dân các vùng biển gần xa nghỉ ngơi hoặc chở che khi biển nổi cơn giận dữ. Gần đây nó còn là điểm khám phá cho khá nhiều bạn trẻ và du khách quốc tế.
Đảo được kiến tạo bởi núi lửa giữa biển khơi, Cồn Cỏ có giá trị về địa chất, tài nguyên, nguồn lợi sinh vật biển; sinh thái cảnh quan như là một bảo tàng tự nhiên với các thềm đá Bazan kỳ vĩ, bãi tắm nhỏ được tạo bởi vụn san hô, sò điệp, nước biển trong, nhiệt độ nước biển ổn định. Bên cạnh đó Cồn Cỏ có một hệ sinh thái rừng nhiệt đới 3 tầng của đảo núi lửa; rừng trên thềm san hô quý hiếm ở Việt Nam.
Đảo Cồn Cỏ - Viên ngọc thô giữa biển cả Quảng Trị. Ảnh: dulichetv
Hệ sinh thái rừng nhiệt đới 3 tầng
Cồn Cỏ là huyện đảo nằm cách xa đất liền, điều kiện khí hậu chịu ảnh hưởng của gió mùa nhiệt đới. Hàng năm đảo phải hứng chịu tác động của các đợt gió mùa kéo dài và mưa bão ở đủ các cấp độ. Mặt khác Cồn Cỏ lại nằm độc lập giữa biển khơi, vào mùa mưa bão thường bị chia cắt hoàn toàn, chính bởi vậy du khách chỉ nên du lịch từ tháng 2 - 6, trong đó tháng 5 - 6 là thời điểm thời tiết nắng nóng, phù hợp nhất cho hình thức du lịch biển.
Hiện nay, đã có tàu cao tốc từ cảng Cửa Việt đi thẳng ra đảo Cồn Cỏ với thời gian di chuyển khoảng 1,5 giờ. Từ cảng Cửa Việt, có các chuyến tàu đi ra đảo Cồn Cỏ vào 8 giờ sáng các ngày thứ 3 - 5 - 7, tàu từ Cồn Cỏ vào đất liền chạy vào 8 giờ sáng ngày hôm sau. Các nhà nghỉ trên đảo khá đơn sơ, ngoài ra bạn có thể liên hệ đăng ký dịch vụ homestay ăn ở với người dân Cồn Cỏ.
Bến Tranh trên đảo được xây dựng thành một bãi tắm để du khách có thể thoải mái bơi lội, dạo chơi hay nghỉ ngơi ngắm cảnh biển. Khu vực này có đầy đủ các dịch vụ cho thuê áo phao, kính bơi, dụng cụ để lặn ngắm san hô, câu cá.
Bến Nghè là điểm du lịch tự nhiên đẹp nhất đảo, nơi đón tia nắng đầu tiên trên đảo. Gió từ đại dương quanh năm lồng lộng thổi, những đợt sóng triền miên vỗ vào bậc đá, bên cạnh đó là những gốc bàng vuông vững chãi vươn mình ra như một hàng rào bảo vệ đảo khỏi những khắc nghiệt của biển khơi. Trong thời kỳ chiến tranh, Bến Nghè chính là nơi hàng đêm tiếp nhận hàng tiếp tế cho chiến sĩ bảo vệ đảo.
Đảo Cồn Cỏ là số ít nơi còn có hệ sinh thái rừng nhiệt đới 3 tầng nguyên trạng, được giữ gìn và bảo vệ tốt. Khám phá khu rừng nguyên sinh trên đảo giữa biển khơi cũng là trải nghiệm thú vị khi đặt chân đến hòn đảo này. Con đường băng qua rừng Cồn Cỏ là con đường đặc biệt vô cùng tuyệt đẹp được phủ bằng những lớp đá từ san hô đã hóa thạch, một trong những loại đá độc đáo nhưng không phải hiếm ở hòn đảo này.
Phần lớn khách đến Cồn Cỏ đều lặn ngắm san hô. San hô ở Cồn Cỏ có độ phủ cao, đa dạng về thành phần loài và còn tương đối nguyên vẹn chỉ sau đảo Phú Quốc (Kiên Giang), Côn Đảo (Bà Rịa Vũng Tàu) và Hòn Mun (Khánh Hòa). Hiện ở đây có tới 109 loài san hô, trong đó có nhiều loại quý hiếm mà đặc biệt là san hô đỏ và san hô đen. Vẻ đẹp độc đáo, hiếm có của những dải san hô đen huyền bí bao quanh đảo như lời mời gọi hấp dẫn mà du khách ưa khám phá khó lòng cưỡng lại.
Đặc sản biển
Đặc sản của Cồn Cỏ chính là ốc và cua đá. Thịt cua đá nơi đây thơm ngon, bổ dưỡng nên được nhiều người ưa chuộng. Ngoài ra nơi đây có hải sâm đen, trắng to bằng ngón chân cái, dài bằng gang tay, vừa là vị thuốc quý, vừa là món ăn cao cấp, được xếp ngang với yến sào. Gần đây người dân còn chào mời du khách rong nho.
Loại rong biển có hình dạng và màu sắc giống trái nho xanh, kết lại với nhau thành từng chùm trên thân dài. Theo nghiên cứu, đây là món ăn bổ dưỡng, cung cấp nhiều khoáng chất và vitamin cần thiết cho cơ thể, giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh như cao huyết áp, tiểu đường, bướu cổ.
Có một vị thuốc quý mà người dân sinh sống trên đảo Cồn Cỏ đang khai thác khá nhiều, đó là giảo cổ lam. Do đặc điểm đất đai, khí hậu đặc trưng ở đây nên chất lượng cây giảo cổ lam được các nhà chuyên môn đánh giá rất cao. Giảo cổ lam có tác dụng chữa bệnh cao huyết áp, hạ mỡ máu, giảm mỡ bụng, giảm căng thẳng, mệt mỏi, hạ men gan, trị tiểu đường rất tốt. Trà giảo cổ lam hơi đắng, dư vị ngọt sau khi uống.
Phan Thị Mỹ Hảo