Du lịch Lai Châu là đến với những đỉnh núi đẹp hùng vĩ của đất nước, nơi đây có hơn 20 dân tộc sinh sống nên có rất nhiều nét khác biệt về văn hóa nơi đây.
Du lịch Lai Châu bạn sẽ có cơ hội khám phá những đỉnh, đèo nổi tiếng của nước ta. Ở đó, bạn thấy mình với bát ngát thiên nhiên, hùng vĩ với những đỉnh núi và bồng bềnh với mây trắng.
Đèo Ô Quy Hồ
Du lịch Lai Châu: 10 điểm đến đẹp hùng vĩ
1. Đèo Ô Quy Hồ:
Cung đường đèo dài gần 50km, trong đó 2/3 con đường thuộc địa phận huyện Tam Đường - Lai Châu, 1/3 còn lại nằm ở phía Sa Pa - Lào Cai. Vượt qua cổng Vườn Quốc gia Hoàng Liên chừng vài cây số là tới đỉnh đèo Ô Quy Hồ, đây cũng chính là điểm ranh giới giữa hai tỉnh miền núi phía Bắc Lào Cai và Lai Châu, uốn lượn quanh dãy núi Hoàng Liên, nơi có đỉnh Phanxipan - nóc nhà Đông Dương lộng gió trên đỉnh cao 3.414m. Đèo Ô Quy Hồ từ lâu đã nổi tiếng không chỉ vì vị trí giao thông quan trọng mà còn bởi vẻ đẹp hùng vĩ bậc nhất Tây Bắc.
2. Cao nguyên Sìn Hồ
Cao nguyên Sìn Hồ
Cách trung tâm thành phố Lai Châu khoảng 60km, cao nguyên Sìn Hồ nằm trên độ cao hơn 1500m. Được xem như Sa Pa thứ hai của khu vực Tây Bắc, thời tiết trong ngày ở đây mang đặc điểm của 4 mùa trong năm, nhiệt độ trung bình năm khoảng 18 độ C. Với khí hậu quanh năm mát mẻ cao nguyên Sìn Hồ rất thích hợp cho các loại cây dược liệu như: tam thất, táo mèo, astiso, cây tắm lá thuốc…cùng nhiều giống rau, hoa quả ôn đới đặc sắc như mận, đào, lê…phát triển.
Cao nguyên Sìn Hồ nằm giữa trập trùng núi đá, bạt ngàn rừng nguyên sinh, giữa biển mây mù, nơi đây với những thửa ruộng bậc thang uốn lượn, những bản làng nằm thấp thoáng bên sườn núi…
Lên thăm cao nguyên Sìn Hồ du khách sẽ có dịp được ngắm nhìn thiên nhiên hùng vĩ của núi rừng, được khám phá những phong tục tập quán độc đáo trong đời sống sinh hoạt của bà con dân bản và đặc biệt là được thưởng thức những món ăn mang đậm hương vị của núi rừng như thịt trâu quấn lá lốt, dê hấp, lợn bản, cá suối, thắng cố, xôi nếp nương …
3. Đồi chè Tân Uyên
Được trải dài dọc theo quốc lộ 32, chè có tuổi đời từ 40 – 50 năm với quy mô gần 2000 ha, nằm cách trung tâm thị trấn Tân Uyên không xa, đồi chè tân Uyên hiện là điểm đến yêu thích của nhiều người khi đến với Tân Uyên.
Tới đây bạn sẽ được tận hưởng cảnh vật và thiên nhiên trong lành. Đây cũng là nơi nhiều người chọn để chụp ảnh cưới, hoặc thực hiện một bộ ảnh lãng mạn trong đồng chè xanh mướt, giữa lấp lánh nắng vàng. Chè cũng là một trong những cây kinh tế chính của thị trấn với sản phẩm chè nổi tiếng khắp cả nước như chè San Tuyết, Ô long, Thanh Tâm....
4. Bạch Mộc Lương Tử
Bạch Mộc Lương Tử
Đỉnh Bạch Mộc Lương Tử thuộc địa phận xã Sin Súi Hồ. Với độ cao 3.045m so với mực nước biển, Bạch Mộc Lương Tử là một trong 5 ngọn núi cao nhất Việt Nam và Đông Nam Á trên địa bàn tỉnh Lai Châu. Chinh phục Bạch Mộc Lương Tử luôn là một thách thức nhưng cũng đầy hấp dẫn đối với các phượt thủ. Không phải là đỉnh núi cao nhất, nhưng Bạch Mộc Lương Tử được biết đến là đỉnh núi có cảnh quan đẹp nhất, và cung đường khám phá thú vị nhất.
5. Đỉnh Pu Si Lung
Là ngọn núi hoang sơ, bí ẩn và quyến rũ bậc nhất Việt Nam, đỉnh Pu Si Lung huyền thoại nằm ở biên giới Việt Nam và Trung Quốc thuộc xã Pa Vệ Sử, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu với độ cao 3083m được mệnh danh là nóc nhà biên giới luôn là điểm đến trong mơ của các phượt thủ ưa khám phá.
6. Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Tè
Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Tè nằm trên địa bàn 2 xã Tà Tổng và Mù Cả, là nơi có hệ thực vật và thảm thực vật vô cùng phong phú và đa dạng, nhất là hệ sinh thái rừng. Kết quả khảo sát, điều tra của huyện Mường Tè cho thấy có 542 loài thực vật, trong đó có 57 loài thực vật quý hiếm đã được ghi trong sách đỏ Việt Nam và 7 loài trong sách đỏ thế giới, đa số là những loài thuốc quý hiếm; 22 loài đặc hữu hẹp cho vùng Tây Bắc, 7 loài nằm trong Nghị định số 32 của Chính phủ và 6 loài đặc trưng cho vùng Tây Bắc: Trám đen, chò nước, giổi xương, chò nâu, đinh, sến, lát hoa
7. Đỉnh Pu Ta Leng
Nằm cách thành phố Lai Châu khoảng 20 km về phía Đông Bắc, Pu Ta Leng có độ cao 3049 m. Nếu Fansipan được ví là “nóc nhà của Đông Dương” thì Pu Ta Leng chính là nóc nhà thứ hai mà các phượt thủ hay các bạn trẻ ham mê thách thức muốn chinh phục dù chỉ một lần. Hàng năm, từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau là khoảng thời gian đẹp nhất mà du khách nên lựa chọn để chinh phục đỉnh Pu Ta Leng bởi vẻ đẹp của thiên nhiên cùng các loại hoa rừng đặc biệt là hoa đỗ quyên nở rộ từ khắp sườn núi lên tới đỉnh.
Chinh phục đỉnh Pu Ta Leng du khách sẽ phải vượt qua những khu rừng nguyên sinh, những thác nước, khe suối hay những thảm thực vật phong phú…để rồi khi lên tới đỉnh sẽ thấy những ốc đảo ẩn hiển giữa đại dương mây trên độ cao 3.049m.
Tầng tầng lớp lớp mây trắng giữa màu xanh dương của bầu trời và màu xanh lá của núi rừng nơi đây giống như một bức tranh tuyệt vời. Cùng với Pu Ta Leng, Lai Châu còn sở hữu thêm 5 đỉnh núi khác trong Top 10 ngọn núi cao nhất Việt Nam. Theo thứ tự sẽ là Pu Si Lung (3.083m), Pu Ta Leng (3.049m), Bạch Mộc Lương Tử (3.045m), Khang Su Văn (3.012m), Tả Liên (2.993m), Bạch Mộc Lương (2.976m)
8. Cánh đồng Mường Than
Mường Than là 1 trong 4 cánh đồng lớn nhất vùng Tây Bắc thuộc địa phận xã Mường Than huyện Than Uyên. Cánh đồng mênh mông không chỉ tạo vẻ đẹp nên thơ giữa núi rừng hùng vĩ còn là nơi cho ra nhiều sản vật nổi tiếng của địa phương như: Ngô non bao tử, khoai lang Hoàng Long, gạo Sén Cù, gạo Tám...
9. Quần thể hang động Pu Sam Cáp
Cách thành phố Lai Châu khoảng 6km, bên tỉnh lộ 129 nối thành phố Lai Châu với huyện Sìn Hồ, quần thể hang động Pu Sam Cap được ví là “Tây Bắc đệ nhất động”. Hiện Pu Sam Cap có hai động đang đón khách du lịch là động Thiên Môn và động Thiên Đường với nhiều nhũ đá kỳ ảo, huyền bí, ẩn chứa nhiều câu chuyện cảm động của con người miền núi. Pu Sam Cap luôn là lời mời gọi hấp dẫn đối với mọi du khách gần xa.
10. Sì Thâu Chải
Nằm cách trung tâm thị trấn Tam Đường 6km Bản Sì Thâu Chải hiện ra thật thơ mộng, một bản nhỏ của người Dao với trên 60 hộ dân sinh sống, vào những ngày trời nhiều mây, du khách có thể hòa mình cùng những đám mây trôi lơ lửng. Bản Sì Thâu Chải hiện ra thật thơ mộng đắm say mà khó quên. Đến Sì Thâu Chải để trải nghiệm đời sống sinh hoạt, sản xuất, thưởng thức ẩm thực dân tộc, tham gia trò chơi dân gian...
6 đặc sản nên thử khi du lịch Lai Châu
- Lợn cắp nách: Lợn cắp nách là loại lợn đặc sản của vùng cao Tây Bắc. Giống lợn này được bà con dân tộc thả rông trong rừng, tự đi kiếm ăn nên mỗi con chỉ nặng chừng 10 - 15 kg. Do ăn các loại lá cây, rau cỏ trong rừng nên thịt của chúng rất chắc và thơm ngon. Lợn cắp nách được chế biến thành nhiều món ngon như hấp, nướng, nấu giả cầy, hầm, nấu canh… Món nào cũng được tẩm ướp và nấu cùng các loại lá, hạt mang phong vị núi rừng, mang lại cảm giác lạ miệng, đặc biệt cho du khách lần đầu thưởng thức.
- Cá bống vùi tro: Nếu có dịp đến với huyện Phong Thổ, bạn chớ bỏ qua món cá bống vùi tro - đặc sản của đồng bào dân tộc Thái. Cá bống có sẵn ở các con sông, suối, sau khi bắt về được sơ chế sạch sẽ và tẩm ướp với các gia vị đã được băm nhỏ như sả, ớt, gừng, hạt tiêu, mắc khén, húng, hom… Sau khi ướp khoảng 15 - 30 phút, cá sẽ được gói gọn trong lá dong và vùi vào tro nóng, khoảng 30 phút lại lật lại một lần, cứ như thế vài lần cá sẽ chín.
- Pa Pỉnh Tộp: Pa pỉnh tộp (cá gập nướng) là món ăn khá cầu kỳ, thường được dùng trong các bữa ăn khi gia đình có khách quý. Người ta chọn những con cá chép tươi, còn nguyên con để nướng. Sau khi sát qua chút muối cùng ớt bột khô để khử mùi tanh cho cá, người làm tẩm ướp gia vị là các loại rau thơm như quả mắc khén (một loại hạt tiêu rừng), gừng, tỏi, sả, hành, rau thơm rừng, ớt bột... băm nhỏ, trộn lẫn với nhau và sát đều lên mình, đồng thời nhồi vào trong bụng cá.
Xôi tím
- Xôi tím: Là món ăn truyền thống của người dân tộc vùng cao Lai Châu, xôi tím thể hiện sự khéo léo của đôi bàn tay trong cách chế biến của người phụ nữ. Gạo nếp nương được ngâm kỹ từ 6 -8 tiếng trước khi đem đồ. Màu tím đặc trưng và hấp dẫn của xôi được nhuộm bằng loại cây có tên là "khẩu cắm" (một loại lá rừng).
- Rêu đá nướng: Rêu đá là loại rau sạch của người dân Lai Châu. Người ta phải rất kỳ công khi lấy chúng về từ các tảng đá bên suối để chế biến thành các món ăn ngon cho gia đình như nấu canh, nướng, xào... Khi sơ chế rêu, người làm cần vớt rêu cho vào rổ, rửa qua nước sạch nhằm loại bỏ cát và các chất bẩn, bỏ lên một tảng đá to, hoặc thớt rồi dùng một khúc gỗ to để đập, cứ làm như thế vài lần thì mới có thể đem nấu.
- Nộm rau dớn: Rau dớn mọc ở khắp nơi trong vườn nhà, bờ ao, bờ suối nên thường có mặt trong bữa cơm hằng ngày của người Thái ở Lai Châu. Cách làm món này cũng khá đơn giản: chọn những ngọn non rửa sạch, phơi nắng cho khô rồi đồ chín, sau đó trộn đều cùng rau thơm, ớt, gừng, tỏi, mì chính, muối và vắt thêm chút chanh tươi.
BTV