Một số chuyến bay quốc tế cất cánh từ Việt Nam đã được khai thác trở lại sau thời gian tạm dừng vì dịch Covid-19.
Việc sớm khôi phục đường bay quốc tế cùng với các giải pháp an toàn trong phòng, chống dịch sẽ mang đến tín hiệu vui cho ngành hàng không và du lịch. Các hãng hàng không Việt Nam, như Vietnam Airlines, Vietjet, Bamboo Airways... đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, sẵn sàng cho việc mở lại đường bay quốc tế.
Đáp ứng nhu cầu giao thương, thúc đẩy tăng trưởng
Hãng hàng không Vietjet vừa công bố khai thác trở lại các chuyến bay thường lệ tới Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc) để đáp ứng nhu cầu học tập, lao động và đi lại an toàn của hành khách. Trong bối cảnh dịch bệnh trong nước và tại một số quốc gia đang được kiểm soát tốt, hàng không giữa Việt Nam và các nước được kết nối trở lại, Vietjet mở lại mạng bay quốc tế đến Tokyo (Nhật Bản), Seoul (Hàn Quốc) và Đài Bắc (Đài Loan, Trung Quốc) từ ngày 29-9. Trước mắt, mỗi tuần Vietjet sẽ khai thác một chuyến bay từ TP Hồ Chí Minh đi Tokyo (Nhật Bản) và một chuyến bay TP Hồ Chí Minh-Seoul (Incheon, Hàn Quốc). Tại Hà Nội, Vietjet cũng khai thác trở lại đường bay Hà Nội-Đài Bắc (Đài Loan, Trung Quốc) với tần suất 1 chuyến/tuần. Cùng với đó, Vietjet tiếp tục thực hiện các chuyến bay đưa đồng bào trở về nước cũng như chuyên chở hàng hóa, nhu yếu phẩm, trang thiết bị y tế hỗ trợ công tác phòng chống dịch.
Khai thác hoạt động hàng không dân dụng tại sân bay Nội Bài (Hà Nội). Ảnh: Huy Hùng
Bà Hồ Ngọc Yến Phương, Phó tổng giám đốc Hãng hàng không Vietjet nhấn mạnh, việc mở lại các đường bay quốc tế có ý nghĩa lớn trong định hướng phát triển của Vietjet, đó là trở thành hãng hàng không đa quốc gia. Trong những năm qua, tỷ trọng doanh thu quốc tế của Vietjet đạt 50% trên tổng doanh thu, vì vậy, việc khôi phục các đường bay quốc tế sẽ giúp hãng có cơ hội tăng doanh thu, mang lại công ăn việc làm cho người lao động cũng như cho ngành hàng không nói chung.
Với kinh tế đất nước, tăng trưởng doanh thu từ đường bay quốc tế mang lại nguồn ngoại tệ, đáp ứng nhu cầu về giao thương, đi lại giữa các quốc gia, phục hồi du lịch. "Theo đánh giá của một số chuyên gia kinh tế, nếu ngành hàng không tăng trưởng 2-2,5% sẽ góp phần kích thích tăng trưởng GDP khoảng 1%. Điều đó cho thấy vai trò của ngành hàng không trong tăng trưởng kinh tế nói chung. Ngoài ra, Việt Nam đã hội nhập rất sâu rộng với thế giới, việc mở lại các đường bay quốc tế sẽ góp phần ổn định, phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đất nước", bà Hồ Ngọc Yến Phương chia sẻ.
Nhấn mạnh công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong quá trình khai thác đường bay quốc tế phải bảo đảm tiêu chí hàng đầu là an toàn sức khỏe của hành khách, tổ bay và cộng đồng, các hãng hàng không Việt Nam đều khẳng định sẽ tiếp tục tuân thủ chặt chẽ quy định phòng, chống dịch của cơ quan chức năng.
Mở rộng bay đi kèm với phòng, chống dịch
Cục Hàng không Việt Nam (HKVN) vừa báo cáo Bộ Giao thông vận tải về việc triển khai lịch bay và các yêu cầu đối với các hãng hàng không vận chuyển khách vào Việt Nam. Theo đó, với kế hoạch do Vietnam Airlines và Vietjet đề xuất, hàng tuần sẽ có 4 chuyến bay hạ cánh tại Hà Nội và 5 chuyến bay hạ cánh tại TP Hồ Chí Minh. Cục HKVN cũng có thư chính thức gửi nhà chức trách hàng không 4 đối tác là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) thông báo phương án mở lại các chuyến bay chở khách giữa Việt Nam và từng đối tác. Các đối tác đều nhất trí với phương án mà Việt Nam đưa ra.
Theo TS Lương Hoài Nam, chuyên gia hàng không: Cần tận dụng lợi thế quốc gia về kiểm soát dịch tốt của nước ta để mở đường bay nhiều hơn, tiến tới đón khách du lịch quốc tế. Qua đó, trước mắt sẽ giúp phục hồi ngành hàng không, du lịch, giải quyết việc làm cho hàng triệu lao động, tăng doanh thu. TS Lương Hoài Nam cho biết, với một số quốc gia như Thái Lan, Singapore, để mở lại đường bay quốc tế, cách tiếp cận của họ là tạo ra các khối, cụm du lịch an toàn. Đây là những thỏa thuận song phương hoặc đa phương để quy định rõ về trách nhiệm, công việc của nước khởi hành, nước đón khách, làm sao đủ chi tiết và chất lượng về các quy định phòng, kiểm soát dịch. "Chỉ khi nào việc mở hàng không quốc tế dựa trên những thoả thuận chi tiết thì mới tạo được niềm tin cho người đi lại về quy định rõ ràng, đi lại an toàn. Nếu không, chúng ta sẽ rơi vào tình trạng các nước không bắt buộc về giãn cách nhưng người dân sẽ tự giãn cách, họ sẽ không thấy an toàn khi đi lại và sẽ không đi. Trong trường hợp đó, các hãng cũng không có khách để bay, hệ số sử dụng ghế dưới 50% thì càng bay càng lỗ"-TS Lương Hoài Nam bày tỏ.
Về ý kiến lo ngại việc mở lại đường bay quốc tế sẽ khiến dịch Covid-19 được “nhập khẩu” về Việt Nam, ông Lương Hoài Nam cho rằng, mở cửa hàng không có "nhập khẩu" dịch hay không hoàn toàn phụ thuộc vào cách mở, lựa chọn những quốc gia nào để mở lại đường bay. Ví dụ như Malaysia và Singapore mở cửa thông thương cả đường bộ với số lượng người qua lại rất nhiều nhưng họ có những thoả thuận về quy trình mà hai bên phải làm nên không sợ việc "xuất nhập khẩu" dịch qua lại giữa hai quốc gia. Việt Nam nên sớm thương thảo với các nước liên quan, kiểm soát dịch bệnh tốt để tạo ra các cụm du lịch an toàn. Đồng thời, dựa trên cơ sở đó để mở lại hàng không và du lịch quốc tế ở quy mô mang tính thực chất, tần suất bay đủ nhiều, số lượng khách đi lại đủ lớn để tạo ra hiệu quả trong việc nối lại các dịch vụ hàng không và du lịch.
Bảo Linh