Làm mới các không gian, sản phẩm quen thuộc và đánh thức sự sáng tạo từ chính những điều tưởng như đã cũ là những giải pháp độc đáo và tiết kiệm nguồn lực để tạo ra sự khác biệt cho “hệ sinh thái” du lịch địa phương.
Hội An sắp tổ chức show diễn thực cảnh tái hiện sự phồn thịnh của thương cảng này trong quá khứ. Ảnh: Q.T
Khơi nguồn giá trị di sản
“Chợ tết xưa” - một sự kiện được cộng đồng đặc biệt yêu thích vào dịp tết đến xuân về và đã nhiều lần được phục dựng tại nhiều nơi. Câu chuyện ở đây là làm sao tạo ra nét riêng để sự kiện này không trở nên na ná và nhàm chán.
Ông Trần Thái Do - chủ đầu tư khu lưu trú Silk Sense Hội An River Resort (phường Cẩm An, TP.Hội An) đã ấp ủ và sắp trình làng một ý tưởng độc đáo “Đi chợ tết - mặc áo dài - xài tiền xu”. Sẽ là phiên chợ đậm chất truyền thống với hình ảnh làng chài lâu đời bên dòng sông Đế Võng (Cổ Cò) thơ mộng. Ở đó người đi chợ được khuyến khích mặc áo dài, việc giao dịch được quy đổi bằng tiền xu, hàng hóa được gói bằng lá chuối, gói giấy, cùng nhiều góc nhỏ tái hiện các trò chơi dân gian, xin chữ ông đồ, chợ hoa… đủ sức hấp dẫn để khơi gợi sự tò mò khám phá từ mọi người. Phiên chợ sẽ bắt đầu từ ngày 23 tháng Chạp năm Canh Tý và kéo dài đến mùng 5 tháng Giêng năm Tân Sửu.
Cũng nép mình bên dòng sông Đế Võng, điểm đến Coco Casa đang dần thu hút sự quan tâm của du khách nhờ vào tính dân dã và yếu tố sáng tạo. Cũng là “chợ” nhưng ở đây anh Lê Ngọc Thuận đã bày biện một “khu chợ nghệ thuật hoàng hôn” vào mỗi dịp cuối tuần trong không gian mở nhìn ra dòng sông. Ở đó, văn hóa bản địa, văn hóa ngoại quốc cùng tồn tại. Du khách và cư dân cùng hưởng thụ. Tất cả cùng trao đổi, trải nghiệm để kết nối giao thoa các nền văn hóa và tìm ra sự tương đồng lẫn đặc sắc. Từ khởi điểm này, mọi người có thể cùng nhau thảo luận về nghệ thuật, thưởng thức ẩm thực sạch và thoải mái mua sắm những món đồ mình ưa thích.
Và trong những ngày cuối năm Canh Tý, giữa lắm chật vật, những người yêu văn hóa, du lịch Hội An sẽ đồng lòng tạo ra show diễn thực cảnh “Hội An show” với tổng đạo diễn là nhà văn Nguyễn Quang Vinh. Sự kiện nhằm đánh thức những giá trị cũ, khơi gợi khung cảnh giao thương của thương cảng một thời vang bóng từ thế kỷ 16 - 18, tái tạo một sản phẩm du lịch hấp dẫn đồng thời động viên người Hội An bước qua khó khăn làm lại từ đầu với vốn liếng văn hóa đặc sắc của tiền nhân.
Bà Trương Thị Ngọc Cẩm - Giám đốc Trung tâm VHTT&TTTH TP.Hội An cho biết, “Hội An show” tổ chức ngay tại chùa Cầu - trái tim của phố cổ - để phục dựng đại cảnh “trị thủy quái đế” kể về lịch sử phồn thịnh của đô thị này. Show diễn quy tụ nhiều diễn viên gạo cội trên cả nước, sự đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp lẫn cư dân đời thực tại phố Hội.
Đổi mới, sáng tạo
Trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến khó lường và ngành du lịch chưa thể hoạch định chính xác kịch bản, thời gian phục hồi thì việc sáng tạo, khơi gợi các sản phẩm du lịch dựa vào đặc trưng bản địa là hướng đi phù hợp để tiết kiệm nguồn lực mà vẫn đủ sức hấp dẫn du khách.
Ông Lý Đình Quân, Tổng Giám đốc Trung tâm Ươm tạo khởi nghiệp Sông Hàn (Songhan Incubator) cho rằng, việc khởi nghiệp với du lịch rất cần sử dụng trí tuệ chứ không đặt nặng vốn vay hoặc tài sản. Chúng ta cần tạo dựng một hệ sinh thái với tư duy vòng tròn từ đó ngồi lại kết nối chứ không phải đợi xong cái này mới làm cái khác.
Có thể thấy, nhìn rộng ra trên địa bàn tỉnh, dư địa tài nguyên về thắng cảnh thiên nhiên, văn hóa vật thể và phi vật thể có thể khai thác, đánh thức để phát triển du lịch vẫn còn rất rộng mở. Tại một số chương trình tổng kết thực trạng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở Quảng Nam, các chuyên gia đã nhiều lần đề cập loại hình khởi nghiệp du lịch có cơ hội phát triển rất lớn cũng như rất được khuyến khích, tuy nhiên kết quả sản phẩm đạt được vẫn còn rất khiêm tốn. Start-up trong ngành du lịch cần sự khác biệt so với start-up thương mại khác. Du lịch cần cảm hứng mới để sáng tạo và luôn đòi hỏi phải thay đổi để tạo ra sản phẩm mới đáp ứng xu hướng, tâm lý khách.
Quốc Tuấn