Những chậu hoa, cây cảnh bon sai nhỏ xinh được bày biện trong nhà; những con tò he xanh đỏ có lúc tưởng chừng xa vắng nay lặng lẽ trở lại tươi tắn và ngộ nghĩnh trên tay trẻ nhỏ với nhiều câu hỏi về ký ức, truyền thống xa xưa…
Chợ hoa ngày Tết ở Hà Nội.
Dường như, xu hướng Tết của người Việt đang dần đi vào chiều sâu văn hóa, truyền thống với mong ước một năm mới dồi dào niềm vui, may mắn, sum vầy.
Năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, mùa hoa Tết có phần thiếu đông vui, nhộn nhịp, nhưng không vì thế mà không khí xuân vắng bóng trong mỗi căn nhà. Ở các làng hoa nổi tiếng Hà Nội như: Quảng Bá, Tây Tựu… hàng trăm loại hoa truyền thống như: đào, mai, cúc, hồng, lay ơn, thược dược..., cho tới những loại hoa nhập từ nước ngoài đều tràn ngập, phục vụ nhu cầu trang trí, trưng bày của người dân trong dịp Tết Nguyên đán. Các hộ dân làm nghề trồng hoa cho biết, giá hoa năm nay đã "hạ nhiệt" so với vài năm trước và các mối nhập buôn cũng ít hơn cho nên nhà vườn xoay xở bằng cách mua chậu cảnh, trồng hoa vào để bán lẻ cho người dân. Khác với hoa cắm bình, hoa trồng chậu bền hơn, ngoài những bông hoa chính to đẹp, rực rỡ còn thêm nhiều nụ, chồi, lộc bung tỏa sức sống…
Không chỉ hoa, các loại cây cảnh bon sai cũng được người dân tìm mua để bày trong dịp Tết. Mỗi dáng thế, điệu vươn tạo nên nét cuốn hút và ý nghĩa riêng cho từng loại cây. Nhờ đó, những người đam mê cây cảnh, các cụ hưu trí lại có dịp luận bàn về những dáng trực, dáng huyền, thế trượng phu, tam đa… bên chén trà năm mới. Trung bình, mỗi chậu hoa có giá khoảng vài trăm nghìn đồng, cây bon sai giá trên dưới vài triệu đồng. Một số nhà vườn còn đầu tư cây bon sai tạo hình con trâu, con giáp vừa là linh vật cho năm Tân Sửu 2021, vừa tượng trưng cho sức mạnh dẻo dai, bền bỉ, chăm chỉ góp nên cuộc sống ấm no. Mô hình con trâu được tạo hình phong phú, phù hợp với cây cảnh từng vùng, miền. Miền bắc, các nghệ nhân tạo hình bằng cây sanh, si, du, duối… miền nam là cây dừa, cây hoa giấy, cây bông trang…
Tại các tuyến phố Hàng Lược, Hàng Khoai, Hàng Rươi, Hàng Mã và tuyến phố bích họa Phùng Hưng ở phố cổ Hà Nội, người dân còn cầu kỳ chọn mua quất cảnh, đồ giả cổ, hoa lụa, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, sản phẩm làng nghề truyền thống, các dòng tranh dân gian… Không chỉ ở các miền quê mà giữa phố phường, chợ Tết truyền thống đã trở thành một nét sinh hoạt độc đáo, tôn vinh những nét đẹp văn hóa trong đời sống văn hóa, tinh thần. Biểu tượng con trâu tiếp tục xuất hiện ở chợ phố cổ. Nổi bật trên phố Hàng Mã là con trâu mầu vàng có kích cỡ gần bằng con trâu thật. Chủ cửa hàng cho biết, trâu được làm thủ công rất tỉ mỉ, cốt bằng xốp, phủ giấy sơn vàng kèm theo nhiều phụ liệu, mục đích để trưng bày, nhưng nếu có người hỏi mua thì giá khoảng 10 triệu đồng. Cũng tại phố Hàng Mã, một số cửa hàng bày bán trâu mô hình để bàn làm bằng xốp ép cứng với tạo hình vui tươi ngộ nghĩnh, giá cả phải chăng, nhiều khách chọn mua trang trí trong năm mới.
Ký ức tuổi thơ cũng là điểm nhấn trong dịp Tết này với những món quà truyền thống, nổi bật là tò he. Trong xã hội hiện đại, nét đẹp bình dị ấy có lúc tưởng như đã bị mai một, nay lặng lẽ "hồi sinh" trong từng góc phố, cửa hàng, căn nhà… dịp Tết đến, Xuân về. Tò he truyền thống là sản phẩm làm bằng bột gạo nếp, nhuộm mầu từ những nguyên liệu gần gũi với đời sống người nông dân. Mầu vàng của bột nghệ, mầu đỏ của gấc, mầu xanh của lá riềng, mầu tím của củ dền... tất cả trộn nhuyễn, đồ chín thành bột nặn các hình thù con giống, loài hoa... làm nên một phần ký ức tuổi thơ trong trẻo và ấm áp. Mùa Tết này, sự xuất hiện của tò he mang đến sức hấp dẫn kỳ lạ, không chỉ với trẻ nhỏ. Theo đó, hình thức tò he đã phong phú hơn, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của khách hàng.
Trẻ em thích hình tượng các siêu anh hùng trong truyện tranh, phim hoạt hình; người lớn thích tạo hình nhân vật lịch sử, hình ảnh cá nhân, gia đình… Anh Ðặng Văn Hậu (xã Phượng Dục, huyện Phú Xuyên, Hà Nội) thuộc thế hệ 8x nhưng đã có 17 năm gắn bó với nghề nặn tò he. Sinh ra trong gia đình có truyền thống làm tò he, tuổi thơ anh là những ngày tháng theo ông đi lễ hội, dùng đôi bàn tay tài hoa và trí tưởng tượng làm nên món quà cho trẻ nhỏ.
Từ món quà mang tính chất truyền thống, những người nặn tò he như anh đã thay đổi mẫu mã, mầu sắc để gần gũi, hội nhập với cuộc sống hôm nay. Những năm gần đây, anh Hậu mở nhiều lớp dạy nặn tò he miễn phí cho các em học sinh bậc tiểu học với mong muốn gìn giữ hồn cốt của quê hương. Nhiều người quan niệm, dịp Tết, nếu trong nhà bày tò he cũng là cái cớ để các thế hệ trong gia đình khơi lại chuyện ký ức, bài học giáo dục truyền thống và những chia sẻ về niềm mong ước của mỗi người.
Mai Lữ