Đến làng Đăk Tiêng Ktu (xã Đăk La, huyện Đăk Hà), hỏi vợ chồng nghệ nhân A Biuh (68 tuổi) và Y Rac (69 tuổi) ai cũng biết, bởi vợ chồng ông là một trong số ít người vẫn đam mê gìn giữ và bảo tồn nghề truyền thống của dân tộc. Tuy tuổi đã cao nhưng vợ chồng nghệ nhân vẫn luôn ý thức bảo tồn và truyền dạy cho con cháu bản sắc văn hóa của dân tộc mình.
Làm vì đam mê
Được sự chỉ đường của A Cân - Trưởng thôn Đăk Tiêng Ktu, chúng tôi tìm đến nhà của vợ chồng nghệ nhân A Biuh và Y Rac. Hai vợ chồng nghệ nhân đều là người dân tộc Rơ Ngao (một nhánh của dân tộc Ba Na), sinh ra và lớn lên trong một gia đình giàu truyền thống với nghề đan lát và dệt thổ cẩm.
Tận dụng khoảng hiên trước nhà sạch sẽ, thoáng mát, già A Biuh thì đan lát, bà Y Rac thì dệt thổ cẩm. Hai vợ chồng vừa vui vẻ trò chuyện, vừa điêu luyện thành thục những ngón nghề của mình để làm ra những sản phẩm truyền thống của dân tộc.
Nhường cho vợ một diện tích lớn của hiên nhà để khung dệt thổ cẩm, còn A Biuh lặng lẽ ngồi một góc chăm chú đan lát, hoàn thiện chiếc gùi của mình. Miệt mài lướt đôi tay thoăn thoắt trên những sợi đan, già A Biuh nở nụ cười tươi rói, thể hiện sự mến khách khi thấy khách ghé thăm, rồi tiếp tục chăm chú với công việc của mình.
Những lúc rảnh rỗi, hai vợ chồng nghệ nhân lại cùng nhau dệt vải, đan lát. Ảnh: H.T
Khi được hỏi thăm về nghề truyền thống của gia đình, già A Biuh tỏ ra rất vui. Sau khi rót mời khách ly nước ấm, già A Biuh tâm tình: Ngày xưa, khi cuộc sống của bà con đồng bào còn phụ thuộc vào rừng núi, thiên nhiên nhiều, hầu hết các vật dụng trong nhà đều phải tự tay sáng tạo và làm ra. Vì vậy, thanh niên trai tráng trong làng lúc ấy hầu hết đều được học nghề truyền thống từ cha ông, xem đó như một cách để đánh giá tài năng và sự khéo léo của mỗi người. Hớp ngụm nước rồi nở nụ cười hiền hậu, A Biuh tự hào: “Cũng nhờ vậy mà nên duyên vợ chồng với bà Y Rac”.
Bà Y Rac ngồi giữa hiên nhà đang miệt mài với những sợi thổ cẩm khi nghe già A Biuh nhắc đến mình, liền vui vẻ tiếp chuyện: “Ngày trước tôi sinh ra ở làng Đăk Rơ Chót kế bên. Trong một lần giao lưu văn hóa giữa làng Đăk Rơ Chót và làng Đăk Tiêng Ktu, những thanh niên trai tráng khéo tay với nghề truyền thống có dịp gặp gỡ, giao lưu. Thế là chúng tôi gặp và yêu nhau từ cái nhìn đầu tiên”.
Bà Y Rac kể tiếp, sau khi cưới nhau về, hai vợ chồng được bố mẹ cho vài sào đất tại làng Đăk Tiêng Ktu để ở và lập nghiệp. Ngày ấy còn ở nhà sàn, sáng nào ông bà cũng giữ thói quen dậy sớm để đốt bếp lửa hồng và cùng quây quần bên nhau, bên đám con cháu vừa trò chuyện, vừa làm ra những sản phẩm thông dụng như thúng, gùi, nia, vải vóc... để phục vụ cho gia đình và đem trao đổi với những gia đình, làng xóm kế bên. Đến nay, tuy tuổi đã cao, con cháu cũng đã lớn nhưng mỗi lúc xong việc ngoài rẫy, rảnh rỗi là hai vợ chồng lại cùng nhau quây quần bên hiên nhà để đan lát, dệt sợi, tiếp tục với đam mê của mình.
Theo bà Y Rac, nghề truyền thống nào cũng vậy, đối với mỗi dân tộc sẽ mang một nét riêng về kiểu dáng và màu sắc của sản phẩm để phân biệt vùng miền trong cộng đồng dân tộc Việt. Mặc dù mỗi sản phẩm làm ra đều có sự giao thoa, pha trộn các chi tiết, kiểu cách nhưng vẫn có nhiều nét khác biệt, chỉ cần để ý là sẽ nhìn thấy điều ấy.
Dù tuổi đã cao nhưng bà Y Rac luôn giữ được tình yêu với dệt thổ cẩm. Ảnh: H.T
Buông nhẹ khung dệt, bà Y Rac vào trong nhà mang ra một sấp thổ cẩm và vài cái niêu, gùi để giới thiệu với khách. Lướt ngón tay trên những họa tiết, hoa văn, bà Y Rac say mê giảng giải về nguồn gốc cũng như vẻ đẹp của mỗi họa tiết, hoa văn ấy trên từng sản phẩm. Bà cho biết, những vật dụng này được xem như là kỉ vật, của hồi môn để trong ngày cưới cha mẹ trao lại cho con cái.
“Ngày trước khi lập gia đình, bà cũng được cha mẹ tặng lại những món đồ như thế này như để nhắc nhở mình phải luôn yêu nghề, giữ nghề. Chính vì vậy mà bao năm nay, mặc dù nhịp sống hiện đại làm cho những món đồ truyền thống không còn thông dụng và ưa chuộng, hai vợ chồng vẫn luôn duy trì thói quen làm nghề hằng ngày, không chỉ để kiếm thêm thu nhập mà còn là một niềm đam mê” - bà Y Rac tâm tình.
Trăn trở với nghề
Cùng đam mê nghề truyền thống nên hai vợ chồng nghệ nhân mỗi khi có dịp là lại cùng nhau mặc những trang phục truyền thống để tham gia các lễ hội lớn nhỏ trong làng. Đặc biệt, bà Y Rac còn biết múa, già A Biuh chơi được nhiều nhạc cụ, thuộc và đánh nhiều bài cồng, chiêng nên vợ chồng già đều là thành viên của đội chiêng cồng của làng.
Già A Biuh chia sẻ, những nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình rất phong phú. Vì thế để giữ nghề truyền thống, ngoài sở trường là đan lát ra, ông vẫn luôn nhiệt tình trong tất cả các hoạt động văn hóa, biết ít tham gia ít, biết nhiều tham gia nhiều.
Cầm trên tay chiếc gùi đan bằng sợi nhựa tổng hợp, nghệ nhân A Biuh lần lượt giới thiệu từng ưu, nhược, kỹ thuật làm gùi cho khách hiểu. Già cho biết, hiện tại, ông tận dụng nhựa phế phẩm để cải tiến chiếc gùi của mình, vừa kết hợp sợi mây vừa kết hợp sợi nhựa để mang lại sự bền chắc cũng như giảm được chi phí khi làm. Thực tế thì loại gùi hay thúng, nia đan bằng sợi nhựa rất bền và được khách hàng yêu thích, giá bán chỉ cao hơn gùi mây tre truyền thống một ít.
Ông A Biuh say mê đan giỏ. Ảnh: HT
Trước đây gia đình vợ chồng nghệ nhân có nhiều thế hệ sống chung trong căn nhà sàn, nhưng giờ đây các con cháu đều trưởng thành và chuyển ra ở riêng. Gia đình ông có 8 người con (4 trai và 4 gái). Nhiều năm qua, mỗi khi có dịp các thành viên sum vầy đông đủ thì hai vợ chồng nghệ nhân lại thuyết phục các con mình học nghề, giữ nghề, nhưng đa phần không mấy ai mặn mà.
Ngồi bên góc hiên nhà chăm chú xem cha mình đan gùi, cô con gái thứ 7 là Y Ny (25 tuổi) khi được hỏi về nghề truyền thống, em chia sẻ: “Từ nhỏ em đã được mẹ dạy thêu dệt, lớn hơn xíu nữa thì cha dạy em đan những vật dụng nhỏ, dễ làm. Lúc ấy em thích làm lắm nên ngày nào cũng xem mẹ, xem cha rồi bắt chước làm theo. Hiện tại vì bận bịu với công việc nên em cũng ít có thời gian làm như ngày xưa, nhu cầu sử dụng những món đồ truyền thống ấy của lứa trẻ chúng em cũng rất ít nên cũng ít tham gia làm.
Già A Biuh tiếp chuyện, giọng chùng xuống: “Giới trẻ bây giờ ít có ai hiểu và cảm nhận được hết những nét đẹp và ý nghĩa của những món đồ truyền thống. Người trẻ bây giờ suy nghĩ khác trước nhiều lắm, từ cái ăn cái mặc đều thích có sẵn, hợp thời, hiện đại chứ những vật dụng truyền thống của cha ông thì chúng không muốn dùng nữa, huống chi là việc học nghề”.
Chúng tôi chia tay gia đình nghệ nhân ra về khi đã gần xế trưa, vợ chồng A Biuh và Y Rac vẫn miệt mài, tiếp tục với công việc của mình. Trên đường về, tôi thầm mong rằng lớp trẻ của làng Đăk Tiêng Ktu sẽ luôn hiểu được giá trị truyền thống văn hóa của dân tộc mình, từ đó giữ được tình yêu và đam mê với nghề để những giá trị ấy không bị mai một.
Hoàng Thanh