Đầu tháng 9, sân bay Vân Đồn (Quảng Ninh) đón chuyến bay quốc tế đầu tiên thí điểm chương trình cách ly y tế 7 ngày của Bộ Y tế đối với khách nhập cảnh đã tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã khỏi bệnh COVID-19. Sự kiện trên hé mở một cơ hội mới cho ngành du lịch.
Ông Đường Ngọc Thuận, Thanh tra Sở Du lịch hướng dẫn khách sạn Kiều Anh cập nhật thông tin phòng dịch lên phần mềm Du lịch Việt Nam an toàn.
“Dọn đường” đón khách ngoại
Thời gian qua, nhiều quốc gia đã bắt đầu cho phép công dân dùng “hộ chiếu vắc xin” để du lịch và các hoạt động khác trong nước. “Hộ chiếu vắc xin” được thử nghiệm, áp dụng bằng cách số hóa với các tên gọi khác nhau như: Chứng nhận sức khỏe điện tử với tên gọi thẻ thông hành số (Digital Travel Pass) do Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế (IATA) phát triển sử dụng trong lĩnh vực hàng không; Chứng nhận kỹ thuật số COVID-19 để đi lại trong khối EU; Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) và Common Project gọi là thẻ thông hành chung (Common Pass) hay Tập đoàn IBM với thẻ thông hành y tế số (Digital Health Pass)...
Tại Việt Nam, Tổng cục Du lịch cũng đã chuẩn bị sẵn sàng hệ thống chứng nhận tiêm chủng vắc xin COVID-19 theo tiêu chuẩn châu Âu tại địa chỉ https://travelpass.tourism.vn, nhằm sẵn sàng đón và phục vụ khách ngoại khi hoạt động du lịch quốc tế được mở trở lại.
Chứng nhận này được Bộ TT-TT và Bộ Y tế hỗ trợ, đáp ứng đủ quy định về an ninh, an toàn và bảo mật, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đến và đi của khách quốc tế. Hiện nay, hệ thống chứng nhận đã được tích hợp lên ứng dụng Du lịch Việt Nam an toàn, giúp quản lý quy trình thủ tục kiểm soát, xác thực, cập nhật hồ sơ y tế của khách quốc tế từ trước khi nhập cảnh vào Việt Nam, lúc nhập cảnh vào Việt Nam, trong quá trình đi lại, du lịch đến khi xuất cảnh khỏi Việt Nam.
Đặc biệt, việc tích hợp còn giúp người dùng tiếp cận và tận dụng hệ sinh thái các tiện ích thông minh trên ứng dụng như tìm kiếm điểm đến an toàn, cập nhật thông tin dịch bệnh địa phương, bản đồ số du lịch an toàn, theo dõi sức khỏe, bảo hiểm du lịch, vé điện tử, mua sắm dịch vụ, quản lý tour, khám phá điểm đến...
Mới đây, trong phiên họp thường kỳ Chính phủ diễn ra ngày 6/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ đạo thí điểm “mở cửa” đón khách quốc tế tới Phú Quốc với mục tiêu đến hết năm 2021 đón 2-3 triệu khách. Thực hiện chỉ đạo trên, Bộ VHTTDL cũng đã làm việc với tỉnh Kiên Giang về kế hoạch chuẩn bị đón khách du lịch quốc tế đến Phú Quốc. Kế hoạch sẽ đi từ thí điểm từng bước thị trường khách, hình thức chuyến bay, lựa chọn điểm đến, sản phẩm phù hợp và DN cung ứng dịch vụ đủ năng lực cũng như đáp ứng đủ các yêu cầu về phòng, chống dịch.
BR-VT tích cực chuẩn bị ngày tái khởi động
BR-VT tuy chưa phải là điểm đến của khách quốc tế, song những thông tin trên là tín hiệu tích cực để ngành du lịch sẵn sàng khởi động lại nhanh và mạnh hơn. Trong đó, tập trung chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ 4.0 trong quản lý, quảng bá, thu hút khách hậu giãn cách được ngành du lịch đặc biệt chú trọng. Từ cuối tháng 8, Sở Du lịch đã hoàn tất công tác chuẩn bị, tập huấn cho các cơ sở lưu trú sử dụng phần mềm quản lý lưu trú trực tuyến. Song song đó, việc cập nhật thông tin phòng dịch và điểm đến an toàn cũng được tuyên truyền đến từng cơ sở lưu trú, dịch vụ. Đội ngũ chuyên viên Sở Du lịch đến từng cơ sở lưu trú “cầm tay chỉ việc” hướng dẫn cài đặt, sử dụng, cập nhật thông tin mỗi ngày lên ứng dụng Du lịch Việt Nam an toàn.
Ông Trịnh Hàng, Giám đốc Sở Du lịch cho biết, dù du lịch cả nước đang “đóng băng” nhưng BR-VT vẫn có nhiều cơ hội trong ngõ hẹp nhờ nằm ở trung tâm vùng Đông Nam bộ, giao thông thuận lợi và sở hữu nhiều lợi thế về tự nhiên, tài nguyên du lịch và cơ sở vật chất phục vụ du lịch hàng đầu cả nước. Thời gian qua, một số DN đã kiến nghị cho mở cửa đón phân khúc khách nghỉ dưỡng tránh dịch. Về vấn đề này, Sở Du lịch đang xin ý kiến UBND tỉnh cho phép những khách sạn, resort đủ điều kiện phòng chống dịch đón khách đã tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã khỏi bệnh COVID-19.
Ngay khi dịch bệnh được kiểm soát, Sở sẽ phối hợp với các tỉnh, thành Đông Nam bộ truyền thông, xúc tiến quảng bá điểm đến giai đoạn 2021-2022, kết nối tour tuyến liên vùng, liên tỉnh; đa dạng hóa các sản phẩm du lịch dịch vụ; triển khai các chương trình kích cầu thu hút khách và khôi phục phát triển du lịch. Sở cũng sẽ tiếp tục tham mưu UBND tỉnh tiêu chí để lựa chọn những thương hiệu du lịch có thực lực đầu tư vào các dự án: Vườn thú hoang dã Safari, KDL Lâm viên Núi Dinh, khu nghỉ dưỡng Cầu Cỏ May…
Cũng theo ông Trịnh Hàng, trải qua nhiều lần dịch COVID-19 bùng phát trong cộng đồng, du lịch là ngành bị ảnh hưởng đầu tiên. Lao động trong ngành dễ tổn thương do công ăn việc làm bị dừng đột ngột. Do vậy, việc tái cấu trúc ngành theo hướng bền vững rất quan trọng. Tuy nhiên, muốn làm được điều này cần phải có hỗ trợ từ nhà nước. Sở Du lịch sẽ tiếp tục đề xuất UBND tỉnh xây dựng quỹ dự phòng khủng hoảng, tập trung vào xây dựng niềm tin và chế độ hỗ trợ cho nhân lực cũng như DN ngành du lịch vượt qua khủng hoảng khi dịch bệnh xảy ra./.
Bài, ảnh: Minh Hương