Ngày 15/12, UBND tỉnh Đắk Lắk và Tổ chức Động vật châu Á (AAF) ký ghi nhớ hợp tác về triển khai mô hình du lịch sinh thái thân thiện với voi, nhằm hướng tới chấm dứt sử dụng loại hình du lịch cưỡi voi tại Đắk Lắk.
Theo thỏa thuận, tỉnh Đắk Lắk sẽ hạn chế tối đa, hướng tới không tổ chức các hoạt động ảnh hưởng đến phúc lợi voi nhà bao gồm: Du lịch cưỡi voi, các hội thi như voi bơi, voi đá bóng, voi chạy, voi kéo co, voi diễu hành nhiều giờ trên đường nhựa hoặc bê tông, dùng voi để tái hiện cảnh săn bắt và thuần dưỡng voi.
Tổ chức Động vật châu Á (AAF) có trách nhiệm vận động các nguồn lực hợp pháp nhằm hỗ trợ kỹ thuật và tài chính để mang lại phúc lợi cho voi và các hộ dân mưu sinh nhờ nguồn thu từ du lịch cưỡi voi, bằng mô hình du lịch sinh thái thân thiện với voi, góp phần bảo tồn voi nhà tại Đắk Lắk.
Lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Lắk và đại diện Tổ chức Động vật Châu Á ký ghi nhớ hợp tác chuyển đổi mô hình du lịch thân thiện với voi. Nguồn: Tổ chức Động vật châu Á
Bản ghi nhớ hợp tác này có hiệu lực 5 năm, kể từ ngày ký. Theo thông tin từ phía AAF, voi sẽ vẫn tham gia vào hoạt động du lịch, nhưng là các mô hình du lịch thân thiện để được tận hưởng dinh dưỡng trọn vẹn, được nghỉ ngơi và chăm sóc chu đáo; nhờ đó, phúc lợi cũng như sức khoẻ của voi sẽ được cải thiện. Phía AAF kỳ vọng thoả thuận hợp tác này chính là căn cứ quan trọng để chấm dứt hình thức du lịch cưỡi voi đối với toàn bộ voi nhà trong tỉnh Đắk Lắk.
Những cá thể voi mới nhất được cứu hộ về Vườn quốc gia Yok Đôn. Nguồn: Tổ chức Động vật châu Á
Từ tháng 7/2018, AAF cũng đã tài trợ Dự án chuyển đổi mô hình du lịch thân thiện với voi tại Vườn quốc gia Yok Đôn với tổng trị giá 65.000USD trong thời gian 5 năm, nhằm chấm dứt hoạt động cưỡi voi tại vườn quốc gia này. Đây là mô hình du lịch thân thiện với voi đầu tiên ở Việt Nam, đã nhận được nhiều sự ủng hộ từ khách du lịch và cộng đồng. Chương trình du lịch còn là một giải pháp bền vững khi vừa đảm bảo được sức khoẻ và sự tự do thoải mái cho voi, trong khi vẫn tạo sinh kế cho người dân địa phương./.
Hải Nam