Hà Nội: Đông Anh - Trầm tích Kinh đô một thuở
Cập nhật: 07/02/2022
Cái thuở xa xôi ấy được sử cũ ghi niên đại bắt đầu là năm Giáp Thìn (năm 257 trước Công nguyên), cách nay gần 3.000 năm. Tòa thành Cổ Loa trên đất Đông Anh, với niên đại ấy đã xác lập kỷ lục là tòa thành có tuổi đời cổ kính nhất, không chỉ đối với nước Việt, mà còn là của cả vùng Đông Nam Á.

Đền An Dương Vương (đền Thượng) ở Cổ Loa. Ảnh: Công Đạt

Kỷ lục thứ hai của thành Cổ Loa là độ kỳ vĩ không đâu sánh kịp, cũng không chỉ đối với nước Việt, mà là cả khu vực, ở vào thời ấy.

Và kỷ lục thứ ba, vô cùng kỳ diệu, đó là tính phức hợp, kết tụ lại trong một cấu trúc thành lũy với ba tòa: Kinh thành, quân thành và thị thành. Nghĩa là có đến “ba trong một” ở Cổ Loa: Trung tâm chính trị đầu não của đất nước, căn cứ quân sự lợi hại và sầm uất một vùng kinh tế đô thị cùng thị dân cổ.

Đáng tiếc là cả ba kỷ lục tuyệt vời như thế của thành Cổ Loa lại chỉ tồn tại trong gần 80 năm, từ năm 257 (trước Công nguyên), khi An Dương Vương bắt đầu kiến trúc thành, đến năm 179 (trước Công nguyên), lúc thành bị mất vào tay cha con Triệu Đà - Trọng Thủy từ phương Bắc.

Nhưng sự thực là, vì đã vĩ đại và kỳ diệu như thế, nên dù bị rơi vào tay giặc ngoại bang xâm lược, tòa thành Cổ Loa vẫn không thể, đúng hơn là không muốn bị mất. Nó đã hóa thân, hòa mình vào lòng đất và lòng người Đông Anh, vào không gian văn hóa lịch sử, cái môi trường đã sinh thành và nuôi dưỡng nó trong gần 80 năm ở cuối thế kỷ III - đầu thế kỷ II trước Công nguyên.

Sát ngay sau thời gian ấy, các thế hệ người Đông Anh xưa đã truyền tai nhau câu chuyện nàng Mỵ Châu - con gái An Dương Vương, sống ở khu đền Thượng bây giờ, hằng ngày vẫn ra chiếc giếng Ngọc trước đền soi gương chải tóc. Khi đã lỡ: “Trái tim lầm chỗ để lên đầu/ Nỏ thần vô ý trao tay giặc”, phải oan khiên mà chết tức tưởi, thì hồn phách đã trở về, nương náu ở ngay dưới nước giếng sâu. Và chính là, vào một buổi chiều tím sương mù, thấy Trọng Thủy đang lang thang trong tòa thành vừa cướp được, nàng đã dụ kẻ từng là chồng đồng thời là gián điệp ấy, đến giếng Ngọc mà… dìm chết, để trả thù cho nỗi oan khiên của mình, và cả cho sự thất cơ lỡ vận mà mất thành Cổ Loa, mất nước.

Có một cơ sở để chứng thực cho câu chuyện truyền kỳ - một mảng trầm tích sáng giá của tòa thành Cổ Loa xưa, đó là: Những ai bây giờ đến từng đến thành phố Quảng Châu - hậu thân của kinh thành Phiên Ngung của vương triều nhà Triệu đều nhận thấy có di tích lăng mộ đồ sộ của Triệu Đà và của cháu họ Triệu là Triệu Hồ ở đây, nhưng không hề thấy chỗ chôn cất Trọng Thủy. Như vậy, có thể có chuyện Trọng Thủy đã chết ở Cổ Loa của nước Việt.

Đến thế kỷ X (sau Công nguyên), một mảng trầm tích khác của thành Cổ Loa lại xuất lộ, còn trọng đại hơn nữa. Ấy là, sau trận đại thắng ở cửa sông Bạch Đằng, đánh tan quân xâm lược Nam Hán vào mùa đông năm Mậu Tuất (năm 938), anh hùng dân tộc Ngô Quyền dẫn quân trở về, tìm đất đóng đô để xưng vương, mở nước. Vẫy gọi Ngài khi ấy, trước hết là quê hương Đường Lâm. Chọn đất đai bản bộ, sẵn người thân thích làm vây cánh, đấy là điều rất thuận, mà chỉ sau Ngài ba chục năm, Đinh Bộ Lĩnh đã chọn quê hương Hoa Lư làm kinh đô. Thành Đại La mới được Cao Biền xây dựng làm thủ phủ của An Nam đô hộ năm 866, và cũng chỉ sau Ngài tám chục năm, Lý Công Uẩn sẽ coi là “chốn kinh sư cho muôn đời” mà chọn làm kinh đô Thăng Long, càng có sức hấp dẫn lớn hơn. Nhưng Ngô Quyền, đầu xuân năm Kỷ Hợi 939, đã không chọn những nơi ấy mà quyết định chọn Cổ Loa. Đó chính là vì, như các sử thần xưa đã nhận xét: Trầm tích của một tòa kinh đô, nếu nghìn năm trước đây đã mất vào tay giặc, cũng chính là nơi “quốc thống” - truyền thống độc lập tự chủ của một quốc gia bị đứt, thì nay khôi phục được “quốc thống” bằng trận Bạch Đằng, nơi ấy sẽ phải là tốt nhất để trở lại và làm kinh đô.

Mùa xuân năm Nhâm Dần 2022 này, nhất là vào dịp mồng 6 tháng Giêng, “bát xã hộ nhi” - tám làng vùng Đông Anh cùng nô nức và long trọng rước kiệu về Cổ Loa làm lễ hội. 1.083 năm sau, mảng trầm tích xưa được Ngô Quyền khơi dậy khi lần thứ hai chọn Cổ Loa làm kinh đô, khách du lịch, người hành hương đến với khu chợ Sa ở ngay mạn cửa Nam của di tích tòa thành Cổ Loa xưa sẽ còn được thấy, được hưởng thụ giá trị của một mảng trầm tích Cổ Loa ở Đông Anh nữa. Đó là những "con" bún răng bừa óng ả, trắng muốt cùng với những mớ rau cần giòn sần sật, xanh mướt đem xào với những hạt tóp mỡ vàng óng, béo ngậy thành một món ăn vô cùng khoái khẩu, được truyền tụng là đã có từ thời An Dương Vương ở kinh đô Cổ Loa.

Nhà sử học Lê Văn Lan

 

Báo Hà Nội mới