Quảng Ninh là vùng đất có bề dày truyền thống văn hoá lịch sử, trải qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước còn lưu lại đến hôm nay hàng trăm di sản quý giá. Nhiều di sản thiên nhiên, văn hoá có giá trị đặc biệt không chỉ trong phạm vi ranh giới Quảng Ninh, mà còn mở rộng ra các địa phương bạn, đã và đang được lập hồ sơ công nhận ở cấp quốc gia, quốc tế theo xu hướng liên vùng, liên tỉnh...
Du khách tham quan hang Sửng Sốt trên Vịnh Hạ Long.
Việc mở rộng ranh giới Vịnh Hạ Long sang quần đảo Cát Bà (Hải Phòng) có thể xem là ví dụ dễ thấy nhất. Vịnh Hạ Long là Di sản thiên nhiên thế giới đã 2 lần được UNESCO công nhận về giá trị thẩm mỹ và giá trị địa chất, địa mạo. Quần đảo Cát Bà cũng đã được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới và trên thực tế, có mối quan hệ mật thiết về giá trị cảnh quan thiên nhiên, môi trường, văn hóa... với Vịnh Hạ Long.
Vì vậy, khi xem xét hồ sơ đề cử Di sản thế giới của Cát Bà, Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên Thế giới (IUCN) đã có khuyến nghị Việt Nam xem xét tính khả thi của việc đề xuất mở rộng Vịnh Hạ Long bao gồm cả quần đảo Cát Bà. Với các tiêu chí của hồ sơ đề cử lần này về giá trị thẩm mỹ, giá trị địa chất, địa mạo và giá trị đa dạng sinh học, nếu được ghi danh sẽ tiếp tục bổ sung các giá trị và tăng tính toàn vẹn cho di sản Vịnh Hạ Long vốn đã có hơn 20 năm khoác trên mình 2 danh hiệu danh giá nhất của UNESCO.
Vườn tháp Tổ tại Yên Tử (Quảng Ninh) nằm trong Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử, đang được lập hồ sơ đề nghị công nhận là Di sản văn hoá thế giới.
Quảng Ninh với hệ thống các di sản văn hoá có giá trị rất to lớn, đặc biệt đều có gắn bó mật thiết đến vương triều Trần - triều đại có võ công, văn trị hiển hách bậc nhất trong lịch sử Việt Nam. Các di sản này đều đã, đang trong lộ trình xây dựng hồ sơ đề cử là di sản thế giới, di tích Quốc gia đặc biệt... Đặc biệt, với hồ sơ đề cử “Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử là Di sản thế giới (Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Dương)”, trong đó Quảng Ninh có 2 khu di sản Yên Tử và nhà Trần tại Đông Triều, tỉnh đã kiên trì theo đuổi trong nhiều năm qua. Hiện nay, Quảng Ninh cũng giữ vai trò chủ động, chủ trì ngay từ đầu khi khởi động lại việc xây dựng hồ sơ thời gian gần đây.
Yên Tử là di sản văn hóa, có lịch sử hình thành lâu dài, đặc biệt gắn với sự ra đời của dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử, mang bản sắc riêng của Phật giáo Việt Nam. Hồ sơ Yên Tử dự kiến xây dựng với các tiêu chí ii, iii, v và vi theo Công ước của UNESCO 1972. Do tính liên vùng, liên tỉnh và những yếu tố thực tế đặc thù khác, hồ sơ này được xác định ngay từ đầu là rất khó khăn, phức tạp, tuy nhiên, giữa 3 tỉnh có di sản đã nhiều lần làm việc và thống nhất quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tập trung nguồn lực, thời gian và phối hợp chặt chẽ để triển khai. Quảng Ninh không chỉ chủ động đảm nhận việc chi nguồn kinh phí lớn hơn mà sẽ chủ trì thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến các thủ tục hành chính cả trong nước và quốc tế trong việc xây dựng và bảo vệ hồ sơ di sản.
Lãnh đạo 3 tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Giang ký biên bản hoàn thiện các bước hồ sơ khoa học Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử giai đoạn 1. Ảnh: Thu Chung
Đầu năm 2021, UNESCO đã có văn bản xác nhận việc đưa hồ sơ Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử vào danh sách đề cử dự kiến. Báo cáo tóm tắt hồ sơ cũng đã chính thức được website của Trung tâm Di sản Thế giới đăng tải vào danh mục dự kiến xây dựng hồ sơ Di sản thế giới. Đây là một bước tiến lớn và tại cuộc gặp gỡ đầu năm nay, các địa phương đã thống nhất về lộ trình xây dựng hồ sơ, với mục tiêu phấn đấu hoàn thiện hồ sơ chính thức trình UNESCO trước 31/12 năm nay.
Khác với Yên Tử, di sản Bạch Đằng 1288 tại Quảng Yên lại gắn với một chiến thắng chống giặc ngoại xâm oanh liệt nhất trong lịch sử dân tộc và có giá trị ở phạm vi toàn thế giới vào thế kỷ 13. Một vùng văn hoá với truyền thống Bạch Đằng bên dòng sông xưa còn vang mãi niềm tự hào cho đến hôm nay với các di tích gốc của bãi cọc trên địa bàn TX Quảng Yên và các di tích, lễ hội, truyền thuyết, thần tích, thần sắc… còn lưu dấu đậm đặc trong đời sống người dân ở cả hai bên bờ sông của Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương.
Du khách tham quan bãi cọc Bạch Đằng tại TX Quảng Yên.
Với phạm vi không gian của di sản mở rộng không chỉ ở Quảng Ninh mà còn cả ở hai tỉnh bạn, dịp cuối năm vừa qua, ngành văn hoá của 3 tỉnh, do Quảng Ninh chủ trì đã ngồi lại cùng nhau lấy ý kiến về việc lập hồ sơ di sản Chiến thắng Bạch Đằng (Quảng Ninh - Hải Phòng - Hải Dương) đề cử UNESCO công nhận là Di sản thế giới…
Việc xây dựng hồ sơ di sản liên tỉnh, liên vùng trong thực tế rất khó khăn, đòi hỏi sự quyết tâm cao, sự phối hợp tốt giữa các địa phương có di sản. Điều này không chỉ cần trong quá trình xây dựng hồ sơ mà còn cần duy trì lâu dài để đảm bảo yêu cầu quản lý hậu công nhận, ghi danh di sản. Việc Quảng Ninh đồng thuận, xúc tiến việc xây dựng các hồ sơ di sản thế giới liên tỉnh, liên vùng cho thấy quyết tâm, khát vọng nâng tầm di sản, góp phần tôn vinh giá trị di sản do tiền nhân để lại tới hôm nay.
Không chỉ từng bước khẳng định giá trị di sản ở tầm thế giới, ở phạm vi quốc gia, Quảng Ninh hiện cũng nằm trong số ít địa phương có tới 6 Di tích Quốc gia đặc biệt. Hiện nay, ngành văn hoá đang lập hồ sơ đề nghị công nhận tiếp Thương cảng cổ Vân Đồn - di sản gắn với con đường giao thương trên biển của cha ông xưa, hình thành từ thời Lý cùng với việc lập Trang Vân Đồn và kéo dài trong các đời sau, đặc biệt hưng thịnh vào thời Trần...
Các nhà khoa học tìm hiểu và chụp ảnh lưu niệm tại tấm bia Thiên Liêu sơn (xã Yên Đức, Đông Triều).
Cùng với đó, công tác khảo cổ học, nghiên cứu tiếp tục vén lên bức màn bí mật với những di sản quý giá mà cha ông để lại. Gần đây nhất, các nhà khoa học qua nghiên cứu đã khẳng định khu vực Thiên Long Uyển - núi Thiên Liêu thuộc xã Yên Đức (Đông Triều), là nơi đóng đại bản doanh của hai vua Trần trong trận Bạch Đằng năm 1288. Đồng thời cũng đã phát hiện ra một trung tâm văn hoá Đông Sơn rất lớn tại đây, với phát hiện mới về kiến trúc của người xưa. TS Nguyễn Văn Anh, người chủ trì khai quật khảo cổ tại Yên Đức khẳng định với giá trị của Thiên Long Uyển, di tích hoàn toàn xứng đáng để xem xét lập hồ sơ đề nghị công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt…
Càng khám phá càng có thêm những phát hiện lớn, bất ngờ, cho chúng ta niềm tin rằng dải đất Quảng Ninh vẫn còn ẩn chứa trong mình nhiều di sản là vốn quý mà cha ông để lại. Gìn giữ, trân trọng những vốn quý này chính là nuôi dưỡng niềm tự hào cho các thế hệ và tạo nguồn lực cho phát triển hôm nay.
Phan Hằng