Ở phố cổ Hà Nội, không thể phủ nhận việc những khách sạn cao tầng, những cao ốc cứ mọc lên, nhưng vẫn có những người tái tạo, hoặc kiến tạo những không gian văn hóa đậm “chất” Hà thành. Và điều đó, giúp phố cổ “kể” những chuyện người Hà Nội xưa trong cuộc sống hiện đại.
Không gian nhuốm màu xưa cũ của một quán trà trên phố cổ Hà Nội.
Hôm nay, ông Trần Vũ Cường về lại ngôi nhà cũ trong ngõ 142 phố Hàng Bông, nơi mấy thế hệ gia đình ông đã từng sống suốt 70 năm trước khi dời đi. Qua một đoạn ngõ chỉ rộng chừng 60 cm, không gian bỗng mở ra bởi một chiếc giếng trời với cây cối xanh mát. Ông Cường gặp lại chốn xưa của mình, nơi gắn bó biết bao kỷ niệm. Kia là cây hương ngoài trời, nơi những người thân trong gia đình ông đã nối tiếp nhau bày tỏ niềm kính ngưỡng với trời đất qua năm tháng.
Cây hương đã được cải tạo để trở thành một không gian tâm linh chỉn chu hơn, thâm nghiêm hơn. Ngôi nhà đã đổi khác quá nhiều so với những năm ông sống ở đây. Kỷ niệm ùa về, đan xen những cảm xúc khó tả, vì ông gặp lại một Hà Nội xưa cũ. Ngôi nhà ấy nay được dành cho một không gian trà.
Rất khó để gọi đó là một “quán trà”, dù ở đây phục vụ trà và cà-phê. Bởi những bộ bàn ghế đều là những bộ bàn ghế mà người Hà Nội sành chơi thời xưa thường dùng, được làm bằng gỗ quý và thiết kế lối cổ. Không gian chính của ngôi nhà đem lại cảm giác của một phòng khách kiểu nhà ống, bài trí theo trục dọc. Vị trí trung tâm là bộ vách hồi văn để mộc.
Ngay trước bàn uống nước là một lò than hồng, với siêu nước pha trà. Cả phòng chỉ có năm bàn để uống nước, với những chiếc ghế vách kiểu Huế, phối với ghế góc. Có những chiếc bàn, chiếc ghế, màu thời gian trăm năm khiến gỗ lên màu bóng trầm. “Chủ nhà” tiết kiệm không gian bày bàn ghế, dù gian phòng có thể tiếp nhiều khách hơn.
Điều đó đều có dụng ý - để hạn chế sự ồn ào. Người ta sẽ còn ngạc nhiên hơn khi nhận ra, không chỉ bộ bàn ghế mà đến những chiếc đôn, chiếc kệ, đều là những đồ xưa, hoặc làm theo lối cổ với đường nét đục chạm tỉ mỉ, tinh tế, và đều bằng gỗ quý, dù đó là chiếc kệ để đặt loa, chiếc đôn để đặt đỉnh đồng, hay chiếc kệ để đặt… ấm nước.
Chủ quán Đỗ Thị Thanh Huyền là một người sành cổ. Đi nhẹ, nói khẽ như lướt qua. “Chúng tôi muốn mọi người đến đây và cảm nhận về không gian của người Hà Nội xưa. Nhưng nếu nói chúng tôi tái hiện cuộc sống của người Hà Nội trước đây lại không đúng lắm, bởi công năng của chúng khác nhau.
Chúng tôi đem đến cho mọi người nét đẹp văn hóa Hà Nội theo cảm nhận của chính mình. Có những đồ đạc theo lối phương Đông, nhưng cũng có những món đồ là ảnh hưởng cho văn hóa Pháp. Tôi và cộng sự gửi gắm điều này là bởi người Hà Nội xưa rất văn minh, sẵn sàng tiếp nhận yếu tố văn hóa mới. Nhưng cái tài là họ xử lý những cái cũ - mới ấy mà không bị “công” nhau”, Thanh Huyền chia sẻ.
Người ta có thể tìm thấy cuộc sống Hà Nội xưa ở không ít không gian trong phố cổ, nhưng đời sống tâm linh là điều ít gặp. Khi cải tạo không gian, những chủ quán trà rất chú trọng đến “trục” tâm linh. Nếu giếng trời có cây hương thì cầu thang ở giếng trời dẫn lên tầng hai đưa các vị khách đến không gian thờ Phật.
Phía trước gian thờ, là một hiên trà cũng là không gian gợi nhớ nét sinh hoạt xưa. Đối diện với không gian này qua phía bên kia giếng trời là một căn phòng thiết kế với phong cách Đông Dương. Tất cả đều được thiết kế, sắp đặt tỉ mỉ. Phần lớn là đồ thật, sâu tuổi chứ không phải đồ giả cổ.
Mỗi khi nói đến phố cổ Hà thành, người ta thường nói đến chuyện mất đi nhiều hơn. Thực tế lại “kể” những câu chuyện khác. Không thể phủ nhận, những khách sạn cao tầng, những cao ốc vẫn cứ mọc lên. Nhưng đó không phải là xu hướng duy nhất. Nếu chỉ lùi thời gian lại khoảng chục năm trước, rất khó tìm được một không gian mang “chất” Hà thành.
Không gian có thể nói là đầu tiên, mang chất Hà thành cũng nằm trên tuyến phố Hàng Bông-Hàng Gai này. Đó là một quán cà-phê trong ngõ 11 Hàng Gai. Cũng đi sâu vào bên trong, mở ra một không gian rộng với giếng trời và cây xanh, tuy quán ồn ào hơn, và chỉ có một gian phòng giữ lối cổ, còn lại được thiết kế mang tính “dịch vụ”. Nhưng bây giờ, dù ở những tầng mức khác nhau, có một xu hướng ngược lại. Những nét phố xưa được khơi lại, ngay cả khi người ta kinh doanh những mặt hàng ít liên quan đến yếu tố văn hóa.
Phố Mã Mây cũng có một địa chỉ khá nổi tiếng, đó là ngôi nhà số 25 của Nghệ nhân ẩm thực Phạm Thị Ánh Tuyết. Đi vào ngõ nhỏ rồi lên tầng 2 là một không gian đậm chất Việt, từ những bộ bàn ghế cho đến những đôi câu đối, những bức tượng kiểu cổ được sắp đặt trang trí. Khách du lịch được thưởng thức ẩm thực trong chính căn phòng này.
Chếch ngay bên kia đường, có một không gian cũng hút mọi ánh nhìn, là ngôi nhà hai tầng ở số 22. Cả hai tầng đều có mái hiên lợp ngói vảy cá. Đỡ cho mái hiên là cấu kiện gỗ đấu củng. Dưới tầng 1, hai bên tường nhà là hai chiếc cột gỗ, đứng trên tảng đá hình hoa sen. Ngôi nhà được sử dụng để kinh doanh, nên mảng kính choán phần lớn bề mặt.
Nhưng chủ nhà khéo léo trang trí bằng họa tiết hoa văn truyền thống. Nếu ở trên là một đôi cuốn thư, thì ở dưới là lan-can gỗ với bức phù điêu hoa sen ở giữa. “Nhịp điệu” trang trí ở tầng 1 được lặp lại ở ban-công tầng 2, lan-can cũng bằng gỗ chạm trổ hoa sen. Lan-can tầng 2 còn có thêm bốn cây cột gỗ đỡ mái hiên. Chủ nhân của ngôi nhà là ông Trần Đức Thắng.
Khi ngôi nhà xuống cấp, phải sửa chữa, dù không có kiến thức về mỹ thuật, ông Thắng đã khảo sát nhiều căn nhà cổ, chụp lại những hình ảnh và bàn bạc với thợ để có giải pháp tối ưu tôn tạo căn nhà của mình. Kết quả sau khi tu sửa là một ngôi nhà đậm chất phố xưa.
Những câu chuyện tương tự như thế có thể kể ra rất nhiều. Khi xây dựng, hoặc cải tạo, người ta đã tái tạo ngôi nhà theo kiến trúc xưa, hoặc kế thừa, tiếp nối phong cách trang trí cổ truyền trong một hình thái hiện đại hơn. Khách sạn số 65 phố Hàng Bạc là một trong số ấy.
Ngoài những cây cột gỗ, những hàng lan-can kiểu kiến trúc phương Đông, chủ nhân còn tạo thêm điểm nhấn với một đôi chó đá trước bậu cửa. Hay như ngôi nhà số 87 Hàng Gai cũng tạo được sự hài hòa giữa các cấu kiện gỗ được chạm trổ với hệ thống cửa kính để lấy sáng. Nội thất cũng sử dụng các loại bàn ghế, các đồ trang trí gỗ truyền thống…
Sự thay đổi trong quan niệm của người dân được cộng hưởng với những nỗ lực của chính quyền đã đem đến những đổi thay. Nhiều tuyến phố được đầu tư cải tạo mặt đứng, đồng bộ nhất là tuyến phố Lãn Ông, hay tuyến phố Tạ Hiện.
Nét đẹp phố xưa trở lại. Không tính đến những di tích lớn, được nhiều người biết đến như: Đình Kim Ngân (số 42, 44 phố Hàng Bạc), Hội quán Quảng Đông (số 22 phố Hàng Buồm, nay là Trung tâm Văn hóa nghệ thuật), đền Quán Đế (số 28 phố Hàng Buồm)…, những di tích vốn ít được biết đến như: Đình Tú Thị (phố Yên Thái), đình Hà Vỹ (phố Hàng Hòm), đình Trung Yên (ngõ Trung Yên), đình Phả Trúc Lâm (phố Hàng Hành)… cũng được đầu tư tu bổ. Khu phố cổ rộng 87 ha, nhưng cứ đi quãng hơn trăm mét, lại gặp một ngôi đình, đền hay miếu. Không phải di tích nào cũng hút khách.
Nhưng những di tích hồi sinh, những căn nhà, những không gian được tôn tạo theo lối xưa giúp phố cổ Hà Nội có thêm nhiều không gian xưa cũ, điều tưởng như mất dần.
Không chỉ dừng lại ở những di sản vật thể, những lễ hội của phố cổ cũng được hồi sinh. Cả những lễ hội mới ra đời, kế thừa truyền thống. Nhiều người dân và du khách bây giờ chờ đợi chương trình Tết Việt do Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức. Ở đó, có những màn diễu hành cổ phục, những nghi lễ dâng hương, tế cáo Thành hoàng, nghi lễ dựng cây nêu ở đình Kim Ngân.
Ở đó, người ta thấy thấp thoáng hồn cốt phố xưa trong đời sống hiện đại. Mới đây, show diễn “Chuyện phố Hàng” được ra mắt tại Ngôi nhà Di sản số 87 phố Mã Mây giúp mọi người hiểu thêm về cuộc sống thường ngày của người dân qua câu chuyện của một gia đình làm thuốc. Ngôi nhà Di sản số 87 phố Mã Mây được giữ nguyên vẹn mọi không gian như hàng trăm năm trước vốn thế, từ phòng khách, giếng trời, không gian thờ cúng cho đến bếp núc.
Phó Trưởng ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội Trần Thúy Lan cho biết, Ngôi nhà Di sản số 87 phố Mã Mây từng có hộ gia đình làm nghề thuốc Ðông y sinh sống, làm việc. Do đó, vở diễn chính là sự tái hiện cuộc sống, công việc có thật của người Hà Nội xưa ở nơi nó từng diễn ra. Show diễn tái hiện cuộc sống, công việc của gia đình làm thuốc, mà cũng giúp các vị khách tìm hiểu về nghề đông y, tự tay trải nghiệm một số công việc chế biến thuốc…
Việt Nam có nhiều làng cổ, nhưng phố cổ là “của hiếm”. Trong cả nước, số phố cổ chỉ đếm trên đầu ngón tay. Phố cổ Hà Nội đất chật, người đông. Cuộc sống luôn bị giằng xé giữa bảo tồn các nét truyền thống, với xây mới để đáp ứng nhu cầu cuộc sống.
Tình yêu với văn hóa truyền thống vẫn nằm trong mỗi con người. Như một lẽ thường, tình yêu ấy dễ bị giới hạn bởi nhu cầu cuộc sống. Rất khó có thể thuyết phục “suông” việc gìn giữ các giá trị. Song, người ta sẽ ứng xử khác, nếu nhận ra giá trị văn hóa có thể đem lại giá trị kinh tế. Khi ấy, người ta sẽ khai thác và phát huy, lan tỏa giá trị. Bảo tồn phố cổ không phải là những chính sách lớn lao. Đó chính là điều mà chính quyền thành phố cần nhận rõ, và khơi dòng.
Bài và ảnh: Giang Nam