Đình Vĩnh Phong (thị trấn Thủ Thừa, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An) là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia, nơi ghi dấu quá trình dựng làng, lập ấp của vùng đất Thủ Thừa, gắn liền với nhân vật lịch sử ông chủ chợ - Mai Tự Thừa.
Đình Vĩnh Phong nhìn từ bên ngoài
Đình vừa thờ Thành Hoàng bổn cảnh như bao đình làng khác, vừa là nơi thờ phụng ông Mai Tự Thừa - người đặt nền móng cho Thủ Thừa ngày nay. Khoảng thế kỷ thứ XIX, ông Mai Tự Thừa đến vùng đất Thủ Thừa khai hoang. Tại rạch Cây Gáo, bờ Nam kênh Trà Cú, thấy đây là khu vực giáp nước, nơi các dòng chảy gặp nhau, thuận tiện cho xuồng, ghe dừng đỗ nên ông dựng căn quán nhỏ buôn bán. Dần về sau, khu vực này trở nên đông đúc, hình thành một khu chợ (tiền thân chợ Thủ Thừa ngày nay), thành làng, lập ấp. Làng mới có tên là Bình Thạnh. Ông Mai Tự Thừa hiến căn quán nhỏ của mình lấy đất làm đình thờ Thành Hoàng (tiền thân đình Vĩnh Phong ngày nay), một biểu trưng cho làng xã ngày ấy.
Tại đình Vĩnh Phong, chính giữa chánh điện thờ Thành Hoàng, bên phải là bàn thờ ông Mai Tự Thừa với dòng chữ Tiền hiền Mai Tự Thừa (ông chủ chợ)
Triều đình nhà Nguyễn phong cho ông chức Thủ ngự, phụ trách thu thuế tại Vàm Thủ Đoàn nên mọi người gọi ông là Thủ Thừa. Cũng có giả thuyết cho rằng, tên gọi Thủ Thừa xuất phát từ việc ông từng đỗ Thủ khoa, tuy nhiên, đến nay chưa có chứng cứ hay tài liệu nào chứng minh điều đó.
Mối mọt tấn công mái đình
Về sau, theo lịch sử kể lại, ông Mai Tự Thừa tham gia khởi nghĩa Lê Văn Khôi chống lại triều đình Nguyễn rồi mất tích. Toàn bộ gia sản của ông bị tịch thu, công lao của ông cũng bị bác bỏ. Làng bị đổi tên thành làng Vĩnh Phong nên đình cũng được gọi là đình Vĩnh Phong. Tuy nhiên, người dân trong vùng thì không quên công ơn mở đất của ông. Tại đình Vĩnh Phong, giữa chánh điện thờ Thành Hoàng, bên phải là bàn thờ ông Mai Tự Thừa với dòng chữ Tiền hiền Mai Tự Thừa (ông chủ chợ).
Đình đang có dấu hiệu xuống cấp với những vết nứt lớn trên tường
Đình Vĩnh Phong ngoài giá trị về lịch sử còn là địa điểm lưu giữ những nét kiến trúc độc đáo, có tính nghệ thuật: Bao lam được chạm trổ tinh xảo, nghệ thuật sơn son thếp vàng,...
Tuy nhiên, ngày nay, đình Vĩnh Phong đang có dấu hiệu xuống cấp nghiêm trọng. Tường có nhiều vết nứt, mái cong oằn, mối mọt tấn công xà ngang,... Ban Quản trị đình phải cố định mái đình bằng các thanh xà thép để chống đỡ. Rất mong Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia Đình Vĩnh Phong sẽ sớm được trùng tu, tôn tạo./.
Mộc Châu