Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà tại xã Đạ Nhim, huyện Lạc Dương (tỉnh Lâm Đồng) là một trong 5 vườn quốc gia (VQG) lớn nhất Việt Nam.
Vườn lấy tên theo hai ngọn núi cao nhất ở Lâm Đồng (Bidoup 2.287 m và Núi Bà cao 2.167 m). Quỹ Bảo vệ thiên nhiên quốc tế đã chọn Bidoup - Núi Bà thuộc diện ưu tiên số một trong dãy Trường Sơn của Việt Nam.
Hướng dẫn viên du lịch tên Ha Quyl (dân tộc K’ho) cho đoàn khách chúng tôi khởi động 10 phút ở cửa rừng thật sảng khoái, vui vẻ; rồi anh giảng giải về lộ trình, nội quy, thời gian thăm rừng. Trên đường đi, Ha Quyl chỉ cho du khách biết những cây thuốc tổ tiên truyền lại để cứu người: Nào là cây thanh mai chữa đau răng, chỉ thiên chữa đau bụng, cây dẻ chữa ho, rồi sa nhân, đẳng sâm, ngũ gia bì, sâm đỏ, nấm thông… nhiều vô kể. Đặc biệt ấn tượng khi Ha Quyl chỉ vào một cây ven đường, giới thiệu: “Đây là cây đỡ đẻ, tên là Criêu. Truyền thuyết kể rằng, ngày xưa bộ tộc mình có người phụ nữ mang thai vào rừng hái quả. Chẳng may đau đẻ bất ngờ, không người giúp đỡ, không tã lót, chị hái vội lá cây rừng lót thành ổ và đẻ con trong đó. Nghe tiếng con khóc, chị sung sướng ôm con trong bọc lá cây, đi về nhà. Cả buôn làng mừng rỡ ra đón và mở tiệc ăn mừng. Trước lúc ăn tiệc, già làng nói đây là lá Criêu, từ nay đứa trẻ này và mọi đứa trẻ khác sinh ra đều lấy tên Criêu làm tên đệm. Rồi, già làng treo cành Criêu trước cửa nhà bà mẹ trẻ, trong tiếng reo hò của buôn làng”. Chuyện thật giản dị, có hậu và nhân văn quá.
Bình minh Bidoup - Núi Bà.
Đi trong rừng thông hoang sơ, gió thổi rì rào, không khí thoáng đãng, mát mẻ thật thú vị. Thỉnh thoảng, băng qua những con suối nhỏ, nước chảy róc rách, nhón chân bước trên những hòn đá chênh vênh, chúng tôi không hề thấy mệt. Chúng tôi càng hăm hở hơn, khi tiến sâu vào rừng, nghe tiếng thác đổ, vượn kêu, chim hót rất gần. Đi thêm vài trăm mét nữa, đến bên một cây khá to, cao khoảng 25 m bên lối mòn, Ha Quyl bảo “Đây là cây thông đỏ, nằm trong sách đỏ thế giới, chiết xuất làm thuốc ngừa, chữa trị ung thư rất tốt”. Mọi người ồ lên sung sướng, thi nhau chụp ảnh. Đi dọc suối độ vài trăm mét, nước rất trong và lạnh thì gặp thác Thiên Thai hiện ra bất ngờ. Đây là thác nước giữa rừng sâu, dải thác khá rộng, tung bọt trắng xóa, thật kỳ vĩ và thơ mộng. Hai bên thác, nhiều cành lá cây rừng rủ xuống như “mái tóc mỹ nữ” đẹp đến mê hồn. Tôi nhai vội búp chè đắng Ha Quyl đưa, rồi hăm hở chụp ảnh, như sợ chút nữa thác biến mất. Chụp xong bộ ảnh thác Thiên Thai, tỉnh người, tôi mới cảm nhận được vị chan chát, ngòn ngọt và nhìn kỹ cây chè đắng mọc hoang cạnh thác, gần giống chè thuần chủng. Thế mới biết, quanh ta có nhiều sản vật quý hiếm mà thiên nhiên ban tặng.
Chúng tôi nghỉ trưa tại biệt thự trong VQG, thăm khu trưng bày, xem phim tư liệu. Sau đó chúng tôi gặp Giám đốc VQG Lê Văn Hương, được mệnh danh “Vua trồng rừng” Lâm Đồng. Anh thuộc tuýp người năng động, dám nghĩ, dám làm và thân thiện. Anh kể, năm 2004 Thủ tướng Chính phủ cho thành lập “Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà”. Vườn rộng 70.038 ha tại huyện Lạc Dương và Đam Rông (độ che phủ rừng 91%). VQG Bidoup - Núi Bà nằm ở độ cao từ 650 - 2.287 m so với mực nước biển, bao gồm các kiểu rừng: Rừng kín thường xanh, rừng thưa cây lá kim, rừng hỗn giao và rừng lùn đỉnh núi. Hiện tại, VQG ghi nhận 2.089 loài thực vật (với 96 loài đặc hữu, như thông hai lá dẹt, pơ mu, thông đỏ, thông năm lá, 297 loài lan - là vương quốc hoa lan Việt Nam).
Du khách say sưa nghe giới thiệu về cây rừng.
Về động vật, có 131 loài thú với 70 loài có tên trong sách đỏ Việt Nam, IUCN và CITES, có 306 loài chim, trong đó số loài và loài phụ đặc hữu là 14 loài, chiếm hơn 50% đặc hữu của Việt Nam. Đây là một trong 221 vùng chim đặc hữu thế giới. Các nhà khoa học khẳng định, VQG Bidoup - Núi Bà là một trong 4 trung tâm đa dạng sinh học của Việt Nam, nơi tập trung hầu hết các loài cây lá kim có giá trị kinh tế, khoa học cao. Thành tích nổi bật của VQG là “Giữ rừng bằng văn hóa”. Vườn đã ký hợp đồng với 1.553 hộ đồng bào dân tộc thiểu số, 6 đơn vị tập thể, bảo vệ hơn 65.000 ha rừng, chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng khoảng 30 tỷ đồng mỗi năm. Vườn đã quy hoạch du lịch 2011 - 2020 tầm nhìn đến năm 2030, phối hợp với JICA - Nhật Bản xây dựng “Mô hình du lịch sinh thái cộng đồng” rất hiệu quả. “Gìn giữ thiên nhiên, văn hóa là gìn giữ tương lai” - đó là khẩu hiệu (slogan) của VQG Bidoup - Núi Bà.
Hôm sau đích thân Giám đốc Lê Văn Hương đưa chúng tôi thăm đỉnh Hòn Giao (nơi tiếp giáp giữa Lâm Đồng và Khánh Hòa). Anh chỉ cho thấy núi Bidoup và cánh rừng nguyên sinh lớn nhất Việt Nam. Tôi nghiệm ra, phải có chuyên môn mới hiểu được giá trị của rừng. Mải nghe chuyện và ngắm cảnh, chúng tôi đến Trạm Kiểm lâm Hòn Giao lúc nào không hay. Chúng tôi thăm rừng lùn với nhiều loài cây, hoa phong lan, rêu, nấm… ngợp đất, mát rượi, chẳng muốn rời đi. Trên đường về, anh Hương đưa cả đoàn thăm cây thông hai lá dẹt gần 1.000 tuổi, ba người ôm mới kín gốc. Xung quanh “cụ” thông còn có hơn chục cây khác nhỏ hơn, mọc xa hơn.
Thăm thác Thiên Thai.
Hai ngày khám phá VQG Bidoup - Núi Bà thật bổ ích, để lại cho chúng tôi nhiều cảm xúc và ấn tượng khó quên. Chúng tôi rất vui và đã làm đúng thông điệp: “Không để lại gì ngoài những dấu chân. Không lấy gì ngoài những tấm ảnh đẹp. Không giết gì ngoài thời gian”.
Hà Hữu Nết