Sau một thời gian dài phải tạm ngưng do ảnh hưởng của dịch bệnh, hiện nay du lịch cộng đồng ở Đắk Lắk đã nhộn nhịp trở lại. Tham gia làm du lịch, bà con ở các buôn làng của Đắk Lắk đã có những thay đổi, tự làm mới mình để tạo sự hấp dẫn, mang đến cho du khách những trải nghiệm lý thú.
Đã lâu rồi người dân ở buôn Tơng Jú, xã Ea Kao, thành phố Buôn Ma Thuột mới được nghe lại nhịp chiêng rộn ràng, được tham gia vào một số nghi lễ truyền thống của dân tộc như lễ chúc sức khỏe, lễ kết nghĩa anh chị em. Sau một thời gian tạm nghỉ, thời gian gần đây, khi tình hình dịch bệnh Covid-19 đã cơ bản được kiểm soát, những đoàn khách du lịch đến buôn Tơng Jú ngày càng nhiều. Với lợi thế về vẻ đẹp tự nhiên, lưu giữ được nhiều nghề truyền thống như dệt thổ cẩm, nấu rượu cần, cồng chiêng… cùng với con đường bích họa độc đáo kể về đời sống, văn hóa các dân tộc Êđê, M'nông và những cảnh quan đặc trưng của tỉnh, buôn đang trở thành nơi thu hút du khách gần xa đến chụp ảnh, tham quan.
Du khách trải nghiệm văn hóa rượu cần và nghi lễ truyền thống
Bà H Yam Buôn Krông - buôn trưởng buôn Tơng Jú cho biết hiện nay ở buôn đã hình thành nhóm làm du lịch với tên gọi Khu du lịch cộng đồng buôn bích họa Tơng Jú. Nhóm có 9 thành viên là các hộ dân người Êđê trong buôn, cùng đóng góp và phục vụ khi có du khách đến với buôn làng.
"Có nhiều đoàn khách từ các tỉnh như ở Hà Nội, TP.HCM, Huế và các tỉnh lân cận, họ về đây thưởng thức các món ăn của đồng bào, thưởng thức cồng chiêng, trải nghiệm tìm hiểu nền văn hóa của dân tộc bản địa. Hiện nay 9 hộ gia đình chúng tôi cũng phân công ra mỗi người mỗi công việc, ví dụ nhà trồng rau, nhà nuôi heo, nhà nuôi gà, nhà nấu rượu cần. Tôi rất mong sau này, khi khu du lịch phát triển hơn nữa thì sẽ có nhiều bà con tham gia hơn" - bà H Yam Buôn Krông nói.
Không gian quán cà phê ở buôn Ako Dhông được bài trí kết hợp nhiều dấu ấn văn hóa.
Còn tại buôn Ako Dhông, nơi được xem là điểm nhấn trên bản đồ du lịch của thành phố Buôn Ma Thuột, hoạt động du lịch cộng đồng đã được tỉnh Đắk Lắk chọn quy hoạch từ năm 2019. Cuối tháng 3 năm nay, UBND tỉnh Đắk Lắk cũng có văn bản thống nhất hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng tại buôn và 5 cá nhân trong buôn. Các nội dung hỗ trợ bao gồm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, sản phẩm du lịch trải nghiệm, hệ thống thu gom xử lý rác thải, cải tạo cảnh quan, tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ du lịch.
Hiện tại, khi hoạt động du lịch được mở cửa trở lại, bộ mặt buôn làng đã có những thay đổi tích cực. Các hộ dân trong buôn quan tâm mở rộng cảnh quan, xây dựng thêm các ngôi nhà dài truyền thống, thay đổi mô hình kinh doanh, kết hợp các dịch vụ ăn uống, trải nghiệm ẩm thực, tìm hiểu văn hóa để tạo sự lôi cuốn, thu hút du khách.
Bên trong khuôn viên nhà dân, cảnh quan được cải tạo độc đáo (Nguồn: Arul House)
Theo chị H Tít Aliô, người dân buôn Ako Dhông, hiện nay từng cá thể riêng biệt trong buôn đã cùng liên kết lại tạo thành một khối đoàn kết đậm màu sắc văn hóa: "Tham gia vào du lịch cộng đồng, từng hộ gia đình sẽ có một đặc điểm khác nhau nhưng họ vẫn có một điểm chung, đó là sự đoàn kết, gìn giữ văn hóa và muốn nét văn hóa đó phát triển cho cộng đồng, cho chính bản thân mình trước, sau đó là cho các dân tộc anh em khác được thưởng thức và cảm nhận được văn hóa phát triển ngày càng tốt hơn".
Mới đây, Trung tâm Văn hóa Thể thao và Du lịch thành phố Buôn Ma Thuột đã tổ chức mở lớp dạy đánh chiêng và múa xoang cho thanh thiếu niên người Êđê ngay tại buôn Ako Dhông. Lớp nhận được sự quan tâm, yêu thích của nhiều người dân.
Du khách trải nghiệm hoạt động văn hóa, dệt thổ cẩm
Già làng Y Nuel Niê (thường gọi Ama Jenny) cho rằng, lần đầu lớp truyền dạy đánh chiêng bài bản được tổ chức ở buôn, mở ra cơ hội trao truyền và tiếp nối nhiều giá trị văn hóa, sẽ góp phần vào việc phát triển du lịch cộng đồng và tạo ra dấu ấn văn hóa độc đáo cho buôn làng.
"Sắp tới mong muốn là thành công về chiêng nữ, trước tiên là ưu tiên cho chỗ để tập. Thứ hai là ưu tiên cấp chiêng để đánh. Thứ ba là sẽ hỗ trợ về nước uống, có thể là những phần ăn nhẹ. Đây là lớp đầu tiên của buôn Ako Dhông, hiện tại là các cô gái và các mẹ ủng hộ, các buôn làng sẽ noi theo và phát triển về cộng đồng" - già làng Y Nuel Niê nói.
Không chỉ ở thành phố Buôn Ma Thuột, ở các nơi khách của tỉnh Đắk Lắk như huyện Lắk, Buôn Đôn cũng đang đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và du lịch canh nông. Với sự chịu khó tìm tòi và làm mới sản phẩm, Đắk Lắk đang dần mạnh dạn hơn trong việc phát triển du lịch cộng đồng để thu hút du khách, góp phần vào sự phục hồi và phát triển của du lịch tại địa phương./.
H Xíu