Lâm Đồng: Đà Lạt phát triển du lịch theo mối tương quan với thành phố thông minh và thành phố sáng tạo
Cập nhật: 16/09/2022
Trong giai đoạn phát triển hiện nay và sắp tới, du lịch Đà Lạt cũng không nằm ngoài định hướng phát triển của du lịch Việt Nam, là ngày càng hội nhập sâu rộng và đầy đủ hơn với khu vực và quốc tế. Đà Lạt được biết đến với thế mạnh về tham quan - nghỉ dưỡng, nhưng Đà Lạt đang kết hợp thế mạnh này với thể thao và nghệ thuật để tạo thế chân kiềng vững chắc xây dựng thành phố theo 3 trụ cột là thành phố du lịch, thành phố thông minh và thành phố sáng tạo làm động lực phục hồi và tăng trưởng…

Thành phố thông minh với các chỉ số ứng dụng công nghệ thông tin ở mức cao trong nhiều lĩnh vực. Trong ảnh: Trung tâm Điều hành thông minh Đà Lạt

Vượt Qua Đại Dịch Và Tự Tin Phục Hồi

Sau một thời gian dài phải tạm hoãn nhiều hoạt động du lịch trực tiếp do tình hình dịch bệnh phức tạp và còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức với dư âm của đại dịch COVID-19, nhưng du lịch - dịch vụ Đà Lạt đang phát triển mạnh mẽ cả về phạm vi, qui mô và chất lượng. Phát biểu tại Cuộc họp khu vực Việt Nam do Tổ chức Xúc tiến Du lịch các thành phố Châu Á - Thái Bình Dương tổ chức (TPO) trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh (ITE - HCMC) ngày 8/9/2022, ông Nguyễn Văn Sơn - Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Lạt cho biết: Từ tình hình thực tế, thành phố Đà Lạt đề ra một số giải pháp chính để phát triển du lịch hậu COVID-19 dựa theo các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; chiến lược, quy hoạch phát triển ngành Du lịch Việt Nam; chiến lược và quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Lâm Đồng; Nghị quyết số18-NQ/TU về định hướng phát triển du lịch chất lượng cao trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Nghị quyết số 05-ThU ngày 22/12/2021 của Thành ủy về phát triển du lịch chất lượng cao trên địa bàn Đà Lạt…

Trước tiên, ngay sau khi dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát, thành phố tập trung khôi phục hoạt động kinh doanh du lịch hậu COVID-19, định hướng tổ chức hoạt động kinh doanh trong tình hình mới. Trước lễ 30/4 và 1/5 vừa qua, Đà Lạt đã cùng các doanh nghiệp chung tay tổ chức Tuần lễ Vàng Du lịch Lâm Đồng - là sự kiện kết hợp nghỉ dưỡng - thể thao - nghệ thuật, thu hút 180.000 lượt khách đến Đà Lạt. Trong 8 tháng đầu năm 2022, tổng lượng khách đến tham quan nghỉ dưỡng Đà Lạt đạt 3.927.000 lượt, tăng 116,5% so cùng kỳ, đạt 87,3% kế hoạch năm 2022.

Thành phố du lịch với khí hậu mát mẻ, phong cảnh đẹp, kiến trúc đặc sắc, đặc biệt là các mùa hoa. Ảnh: Nghĩa Nguyễn

Triển Khai Thực Hiện Các Đề Án Phát Triển

Festival Hoa Đà Lạt lần thứ IX - năm 2022, chủ đề “Đà Lạt - Thành phố bốn mùa hoa” với chuỗi sự kiện văn hóa, thể thao, nghệ thuật đặc sắc từ ngày 1/11/2022 đến ngày 31/12/2022 hy vọng sẽ tạo nên nét duyên mới cho một Đà Lạt vốn rất mộng mơ và xinh đẹp. Đà Lạt đang khẩn trương hoàn thành các đề án trọng tâm về du lịch. Đó là Đề án Phát triển kinh tế đêm để hình thành các mô hình tham quan, mua sắm, giải trí mới lạ vào ban đêm để khai thác kinh tế ban đêm của Đà Lạt. Trong đó, sẽ triển khai các mô hình thí điểm giai đoạn 2022-2025 như: Công viên nhạc nước, Khu phố đi bộ, Chợ đêm, Tuyến phố Ẩm thực, Tuyến phố đêm, Khu vực Công viên mở - Nhà triển lãm - Đường sách...

Đà Lạt cũng tiếp tục thực hiện Đề án Xây dựng thành phố Đà Lạt trở thành thành phố thông minh, đẩy mạnh chuyển đổi số trong xúc tiến quảng bá, du lịch. Trong giai đoạn 2022 - 2025, sẽ vận hành cổng thông tin du lịch thông minh cấp độ 1 và một phần cấp độ 2 (xây dựng vận hành cơ sở dữ liệu du lịch; cung cấp thông tin, hỗ trợ du khách thông qua các ứng dụng; quản lý một phần hoạt động kinh doanh du lịch…).

Trong năm 2023, thành phố sẽ thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học: “Định hướng phát triển cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn thành phố Đà Lạt” nhằm đánh giá thực trạng mật độ phân bố cơ sở lưu trú du lịch theo từng khu vực phường, xã và tuyến đường trong mối tương quan với hạ tầng giao thông, cấp thoát nước và các hạ tầng kỹ thuật khác; đồng thời, khảo sát cung cầu thị trường từng loại hình, đánh giá hiệu quả kinh doanh các loại hình lưu trú; từ đó, định hướng phát triển hệ thống cơ sở lưu trú du lịch cao cấp trên địa bàn thành phố Đà Lạt đến năm 2025.

Đầu năm 2022, Đà Lạt được lựa chọn để xây dựng hồ sơ công nhận “Đà Lạt tham gia mạng lưới thành phố sáng tạo toàn cầu của UNESCO” trong lĩnh vực Âm nhạc vào tháng 6/2023. Việc được công nhận thành phố sáng tạo sẽ là cơ hội tốt để địa phương tiếp tục quy hoạch, phát triển thành phố dựa trên ý tưởng của UNESCO về văn hóa, giáo dục, khoa học, du lịch…; đồng thời quảng bá hình ảnh du lịch địa phương với nhiều loại hình văn hóa, sự kiện văn hóa du lịch phong phú, đa dạng, đặc sắc, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội.

Từ Đề án “Phát triển du lịch tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030”, thành phố Đà Lạt sẽ tiến hành quy hoạch và mở rộng không gian du lịch, phát triển các loại hình du lịch đặc trưng của Đà Lạt và vùng phụ cận (Đà Lạt, Lạc Dương, một phần Đức Trọng, Đơn Dương, Lâm Hà), như du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng; du lịch tìm hiểu văn hóa dân tộc bản địa; du lịch canh nông gắn với quảng bá, tiêu thụ nông sản và sản phẩm OCOP của từng địa phương; du lịch nghỉ dưỡng kết hợp với chăm sóc sức khỏe; du lịch thể thao, mạo hiểm; du lịch tìm hiểu văn hóa tâm linh, kiến trúc; đồng thời, hỗ trợ nghiên cứu và sản xuất sản phẩm tiểu thủ công nghiệp phục vụ du lịch, sản phẩm đặc sản địa phương.

Hướng Đến Những Mục Tiêu Trong Tầm Tay

Thành phố tiếp tục đẩy mạnh công tác xúc tiến quảng bá du lịch về: Xây dựng hình ảnh phong cách người Đà Lạt “Hiền hòa, thanh lịch, mến khách”, định vị thương hiệu “Đà Lạt - Điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện”; Liên kết hợp tác phát triển vùng, khu vực (phát triển các tuyến du lịch liên vùng Tây Nguyên, Nam Trung Bộ và Đông Nam Bộ); Liên kết với các thành phố du lịch trọng điểm đế kết nối tour, tuyến, thị trường khách và hợp tác trong hoạt động xúc tiến, truyền thông; phát triển thị trường khách du lịch nội địa truyền thống và mở rộng thị trường phía Bắc và miền Trung; tiếp tục thu hút khách quốc tế...

Đà Lạt cũng đang đầu tư, nâng cấp hạ tầng đô thị phục vụ du lịch; xây dựng các cơ chế, chính sách phát triển du lịch, thu hút đầu tư; phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và dịch vụ du lịch, đặc biệt, là nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước về du lịch... với mục tiêu đến năm 2025, du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế động lực của thành phố Đà Lạt và đến năm 2030, du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển theo hướng chất lượng cao và bền vững. Dù chỉ là một địa phương nhỏ bé trên bản đồ du lịch quốc gia, nhưng Đà Lạt đang mở rộng thêm nhiều mối quan hệ liên kết, hợp tác với các địa phương để phục hồi và phát triển du lịch an toàn và bền vững hậu COVID.

Nhật Quân

Báo Lâm Đồng - baolamdong.vn - Đăng ngày 15/9/2022