Được tô điểm bằng các gam màu gần gũi với thiên nhiên, những tấm vải thổ cẩm với đa dạng các hoa văn độc đáo chính là niềm tự hào, là nét đẹp văn hoá truyền thống đang được bảo tồn và tiếp tục phát triển qua nhiều thế hệ của đồng bào dân tộc Êđê.
Mỗi ngày cần mẫn bên khung cửi dệt thổ cẩm dường như đã trở thành thói quen của nghệ nhân H Dium Byă
Cư trú chủ yếu tại tỉnh Đắk Lắk, người Êđê chiếm hơn 90% tổng số người Êđê tại Việt Nam. Từ xa xưa, trong cộng đồng đồng bào dân tộc Êđê, dệt vải là việc mà bất kỳ người phụ nữ Êđê nào cũng biết làm. Bởi lẽ, mỗi một sản phẩm thổ cẩm Êđê chính là thước đo đánh giá sự cần cù, khéo léo, tỉ mỉ của người phụ nữ đó. Và để làm ra một sản phẩm thổ cẩm Êđê nguyên bản là cả một quá trình vô cùng kỳ công, đòi hỏi người thợ phải thật sự đặt trọn tâm trí của mình vào trong đó. Từ mỗi chiếc khố, mền, váy đều tựa như một bức tranh thu nhỏ phác họa nét văn hóa và đời sống tinh thần phong phú của những người con da nâu mắt sáng, vóc dáng hiền hòa Trường Sơn - Tây Nguyên.
Theo nghệ nhân H Dium Byă (xã Ea Kao, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk), từ rất lâu về trước, nguyên liệu chính để dệt vải là sợi bông từ cây Blang, hay còn gọi là cây gạo có hoa màu đỏ, mọc ở nhiều nơi như nương rẫy, ven sông suối,… Sau khi thu hoạch bông chín, bông sẽ trải qua nhiều công đoạn từ nhặt bông, cán bông đến đánh tơi để có thể kéo thành sợi và cuối cùng là nhuộm màu.
Người Êđê rất chịu khó tìm tòi các màu sắc đến từ thiên nhiên. Từ sợi chỉ trắng ban đầu, họ đã tìm ra được màu nâu từ rễ và vỏ cây rừng, màu vàng từ vỏ cây nhàu hoặc củ nghệ, màu xanh chàm từ vỏ cây chàm, hay màu đen được ngâm dưới bùn, đất… Đa số các nhóm dân tộc Êđê đều lựa chọn tông màu tối, màu trắng sẫm làm màu nền chủ đạo và họa tiết màu đỏ giống với màu của đất bazan, của lửa trên các sản phẩm thổ cẩm của mình. Ngụ ý, họ muốn một cuộc sống hòa thuận với thiên nhiên, hoà mình vào không gian thiên nhiên bạt ngàn núi rừng, sớm chiều với nương rẫy.
Các họa tiết đa dạng, sinh động chính là điểm nhấn nổi bật cho mỗi một sản phẩm thổ cẩm Êđê đều độc đáo, khác biệt
Sau khi đã có trong tay đầy đủ các sợi chỉ màu đẹp đẽ, các mẹ các chị sẽ cặm cụi bên khung dệt trải dải kiểu Indônêdiêng thô sơ bắt đầu bện sợi, dệt và tạo hình hoa văn. Nghệ nhân H Dium Byă chia sẻ, những hoa văn trên mỗi cái áo, chiếc địu, cái túi,… đều yêu cầu người thợ không những phải đặt hết tâm huyết của mình vào đó mà các kỹ thuật dệt, luồn sợi kết hợp nhuần nhuyễn giữa các thao tác sử dụng chân và tay đều phải thành thục, chắc chắn. Bởi vì, trước khi bắt đầu vào công đoạn tạo hình sản phẩm, mỗi người thợ đều đã có tính toán, sự sắp xếp bố cục sợi chỉ, các màu sắc phù hợp tự nhiên trong đầu nên chỉ cần một thao tác lệch nhịp thì rất có thể cả quá trình dệt sau đó sẽ bị rối theo và sản phẩm sẽ không được hoàn mỹ.
Sức sáng tạo, trí tưởng tượng của con người là vô hạn vì vậy mà các hoa văn trên mỗi một sản phẩm thổ cẩm Êđê đều vô cùng độc đáo. Đơn giản như những họa tiết được lấy cảm hứng từ động vật (chim muông, rùa, baba, thằn lằn,…), thực vật (hoa lá, cây cối, quả rui, dương xỉ,…) cho đến những họa tiết về nghệ thuật, tôn giáo, tín ngưỡng (cột nhà mồ, dây treo chiêng,…) đều hết sức đa dạng và phong phú. Đồng thời, thông qua các họa tiết hoa văn được biểu hiện vô cùng sinh động này, có thể cho ta biết được mỗi người thuộc lớp người nào trong cộng đồng Êđê (tù trưởng, thầy cúng,…).
Thông thường, một người thợ dệt thổ cẩm phải mất 10 - 15 ngày để hoàn thành một sản phẩm. Nhưng còn tùy vào từng kích thước và độ cầu kỳ, sự tinh xảo của từng sản phẩm mà thời gian làm có thể lâu hơn, có khi đến 2 - 3 tháng. Người Êđê thường diện trang phục truyền thống dân tộc mình vào các dịp lễ quan trọng như: lễ cưới hỏi, cúng bái, tân gia, lễ hội cồng chiêng, lễ mùa lúa mới, lễ cúng thần nước,…
Hương Ly