Vĩnh Phúc bảo vệ, phát huy, nâng tầm giá trị di tích quốc gia đặc biệt tháp Bình Sơn
Cập nhật: 25/11/2024
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 598/QĐ-TTg năm 2024 phê duyệt quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt tháp Bình Sơn, thị trấn Tam Sơn, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để tỉnh Vĩnh Phúc triển khai các giải pháp bảo vệ, phát huy, nâng tầm giá trị của di tích, hình thành điểm đến du lịch văn hóa lịch sử hấp dẫn du khách.

Tháp Bình Sơn (còn gọi là tháp chùa Vĩnh Khánh hay tháp Then) được xây dựng từ thời Trần, nằm trong khuôn viên chùa Vĩnh Khánh (chùa Then) thuộc thôn Bình Sơn, thị trấn Tam Sơn.

Đứng từ xa nhìn lại sẽ thấy một ngọn tháp cổ kính được xây bằng gạch đỏ, tương truyền tháp có 15 tầng. Theo các cụ cao niên ở địa phương kể lại thì trước kia trên đỉnh tháp có một hình khối búp hoa sen chưa nở bằng đất nung, tạo cho thân tháp một dáng vươn lên khá đẹp.

Tháp Bình Sơn có kiến trúc độc đáo.

Hiện nay, tháp còn 11 tầng và 1 tầng bệ, tổng chiều cao 16,5m. Tháp cấu tạo hình vuông, nhỏ dần về phía ngọn với cạnh của tầng dưới cùng là 4,45m, cạnh tầng thứ 11 là 1,55m.

Tháp Bình Sơn không chỉ có giá trị độc đáo về kiến trúc nghệ thuật, kỹ thuật xây dựng, mà còn có giá trị mỹ thuật được người Pháp đánh giá là một trong những tháp đẹp nhất xứ Bắc Kỳ xưa. Với giá trị tiêu biểu về kiến trúc nghệ thuật, giá trị lịch sử văn hóa, năm 2015, tháp Bình Sơn được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt.

Để bảo vệ, tu bổ, gìn giữ và phát huy giá trị của tháp Bình Sơn, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định phê duyệt quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt tháp Bình Sơn.

Theo đó, quy hoạch tổng diện tích khu vực bảo vệ của di tích gần 22.000m2, trong đó: Khu vực bảo vệ I diện tích hơn 6.000m2 là khu vực có các yếu tố gốc cấu thành giá trị di tích gồm tháp Bình Sơn, tam bảo chùa Vĩnh Khánh (chùa Then), nhà Tổ và giếng Mực.

Khu vực bảo vệ II, diện tích gần 16.000m2 là vùng bao quanh tiếp giáp với khu vực bảo vệ I. Ranh giới phía Bắc giáp trường học; phía Nam giáp đường tỉnh 307B; phía Đông giáp tuyến đường dự kiến mới xây, mặt cắt 22m theo quy hoạch chung đô thị huyện Sông Lô; phía Tây giáp đường nhựa hiện trạng.

Quy hoạch cũng xác định các nhóm dự án triển khai đầu tư cho di tích gồm 3 nhóm chính: Nhóm 1 là các dự án bảo tồn, tôn tạo di tích; nhóm 2 là các dự án phát huy giá trị của di tích và nhóm 3 là các dự án đầu tư hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật cho di tích.

Đồng thời định hướng các sản phẩm du lịch tham quan, tìm hiểu tháp gắn với các hoạt động trải nghiệm bằng công nghệ thực tế ảo; du lịch lễ hội; tham quan mua sắm các sản phẩm lưu niệm; kết nối các tour, điểm đến du lịch trong và ngoài tỉnh… Thời gian thực hiện quy hoạch từ năm 2024 đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050.

Tháp Bình Sơn nằm trong khuôn viên chùa Vĩnh Khánh. 

Đồng chí Vũ Việt Văn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: “Thực hiện quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt tháp Bình Sơn, tỉnh đã khẩn trương chỉ đạo các cơ quan liên quan và UBND huyện Sông Lô triển khai đồng bộ các giải pháp. Trong đó, rà soát, hoàn thiện hồ sơ đồ án quy hoạch bảo đảm đúng quyết định phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ; lưu trữ hồ sơ đồ án quy hoạch được duyệt theo quy định của pháp luật”.

Tỉnh đề xuất chủ trương đầu tư các nhóm dự án thành phần theo phân kỳ đầu tư và thứ tự ưu tiên trên cơ sở đồ án quy hoạch được phê duyệt; tăng cường quản lý hoạt động bảo tồn, đầu tư, xây dựng theo quy hoạch và điều lệ quản lý quy hoạch được duyệt.

Xây dựng các sản phẩm du lịch, chương trình tham quan du lịch, tuyến du lịch theo định hướng phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch theo quy hoạch được phê duyệt; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá di tích thông qua mạng xã hội, phương tiện thông tin đại chúng.

Tổ chức các hoạt động bảo vệ môi trường di tích và các khu vực phụ cận bên ngoài di tích; giáo dục tinh thần tự giác chấp hành tốt quy định về quy hoạch và quản lý quy hoạch, về quản lý và bảo vệ di sản văn hóa, về bảo tồn và phát huy giá trị di tích, về đầu tư, xây dựng, bảo vệ môi trường cảnh quan thiên nhiên.

Kết nối, tạo điều kiện cho cộng đồng dân cư trong khu vực di tích và vùng lân cận phát huy, nâng cao vai trò và trực tiếp tham gia vào hoạt động quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch và kinh tế - xã hội của địa phương.

Đồng chí Trần Thị Minh Lợi, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: “Ngành văn hóa đang đẩy mạnh truyền thông, giáo dục về việc bảo tồn, phát huy giá trị của di tích cho người dân địa phương; nâng cao nhận thức, vận động cộng đồng địa phương tham gia vào thông tin tuyên truyền, quảng bá các giá trị di sản văn hóa vật thể và di sản văn hóa phi vật thể của di tích”.

Với những giải pháp đồng bộ cùng sự vào cuộc tích cực của các cấp chính quyền và nhân dân, tin rằng trong tương lai gần, tháp Bình Sơn sẽ trở thành điểm đến du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh độc đáo, hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.

Bài và ảnh: Khánh Linh

Báo Quân đội Nhân dân - qdnd.vn - Đăng ngày 24/11/2024