Chuẩn bị đón làn sóng du lịch và hướng tới mục tiêu 30 triệu lượt khách quốc tế mỗi năm, Saudi Arabia lên kế hoạch đào tạo cho 100.000 lao động du lịch, trong đó có những người không có kinh nghiệm hoặc đang thất nghiệp.
Vốn đang thất nghiệp, cô gái trẻ Munira al-Rubaian (25 tuổi) vừa đăng ký tham gia chương trình của chính phủ Saudi Arabia mang tên "Tourism Pioneers" (tạm dịch: Những người tiên phong trong ngành du lịch). Cô cùng hàng nghìn ngư\\ời khác sẽ được đào tạo nghiệp vụ khách sạn, từ cơ bản đến cao cấp. Với khóa học này, Rubaian tin rằng cô sẽ dễ dàng tìm được việc làm.
Có ngân sách tới 100 triệu USD, chương trình "Tourism Pioneers" hướng đến đào tạo hơn 50 vị trí trong ngành khách sạn, từ nhân viên hành lý, nhân viên dọn dẹp... đến các quản lý cấp cao. Một số lao động trong chương trình này còn được chính phủ Saudi Arabia gửi đi đào tạo ở các nước có ngành du lịch phát triển, như Hà Lan, Tây Ban Nha, Thụy Sĩ và Pháp.
Những người lao động được đào tạo tại khách sạn ở thủ đô Riyadh, Saudi Arabia. Nguồn: AFP
Mục tiêu của "Tourism Pioneers" là đưa một quốc gia khép kín như Saudi Arabia, nơi mới chỉ mở cửa du lịch vào 3 năm trước, sẽ gây ấn tượng tốt đẹp cho những du khách quốc tế trong thời gian tới. Kế hoạch này cũng nằm trong chính sách thúc đẩy người dân Saudi Arabia tham gia vào những công việc thường chỉ những người nhập cư chấp nhận làm. Hiện trong số 850.000 lao động du lịch tại Saudi Arabia, chỉ 26% là người bản địa. Chính phủ nước này đang cố gắng tạo ra 1 triệu việc làm mới trong ngành du lịch và thúc đẩy tỷ lệ người địa phương lên 70%
Saudi Arabia đang muốn nắm bắt cơ hội khi du lịch bùng nổ trở lại, nhằm đa dạng hóa nền kinh tế của quốc gia xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới. Vào năm 2019, quốc gia này bắt đầu cấp thị thực du lịch. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 bùng phát đã dập tắt hi vọng về một làn sóng du lịch vào thời điểm đó.
Saudi Arabia hiện đặt mục tiêu sẽ thu hút 30 triệu khách quốc tế mỗi năm, bắt đầu từ năm 2030. Mỗi năm, rất đông du khách sẽ hành hương đến khu vực Mecca và Medina ở phía tây Saudi Arabia, hai địa điểm linh thiêng nhất của Hồi giáo. Nước này cũng đang phát triển một số điểm đến mới như Al-Ula - trung tâm nghệ thuật mới nằm tại khu mộ cổ của người Nabate và một mô hình nghỉ dưỡng mới trên Biển Đỏ tương tự như ở Maldives./.
Nam Anh