Miền Trung núi non hùng vĩ, biển cả bao la, cùng nhiều danh thắng và di sản đã làm say lòng du khách miền Tây. Từ nhiều năm nay, ba địa phương Thừa Thiên Huế - Ðà Nẵng - Quảng Nam đã dày công xúc tiến quảng bá tại đồng bằng sông Cửu Long miệt vườn sông nước sản phẩm du lịch “Ba địa phương một điểm đến - Miền di sản diệu kỳ”.
Ðoàn du khách miền Tây chụp ảnh lưu niệm tại Kinh thành Huế.
Mùa thu năm nay, chúng tôi có dịp theo đoàn du khách từ ÐBSCL tham gia tour của Vietravel tham quan Ðà Nẵng - Huế - Bà Nà - Hội An, hành trình 4 ngày 3 đêm, bằng cả đường hàng không và đường bộ. Miền Tây nổi tiếng miệt vườn sông nước; còn Huế, Ðà Nẵng, Quảng Nam được du khách biết đến với núi rừng hùng vĩ, biển xanh rì rào sóng vỗ. Ông Nguyễn Xuân Bình, Phó Giám đốc Sở Du lịch Ðà Nẵng, giới thiệu với du khách miền Tây: “So với các tỉnh ÐBSCL, du lịch Thừa Thiên Huế - Ðà Nẵng - Quảng Nam có nhiều nét khác biệt, đặc trưng với các di sản văn hóa thế giới, nghỉ dưỡng biển, du lịch giải trí hiện đại. Vì vậy, điểm đến là lựa chọn lý tưởng với những trải nghiệm mới dành cho du khách từ miền Tây Nam Bộ”.
Sau khoảng 1 giờ 20 phút bay từ Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ, đã đến Cảng hàng không quốc tế Ðà Nẵng. Hướng dẫn viên du lịch Vietravel Ðà Nẵng Phạm Ðình Tâm đã đón đoàn, rời sân bay lên xe vượt qua đường hầm Hải Vân đến Huế. Huế vào thu, mát dịu, mộng mơ, lãng mạn. Núi Ngự trầm mặc, sông Hương nước lững lờ trôi, xa xa thấp thoáng thuyền rồng giữa dòng Hương Giang. Theo Cục Di sản Văn hóa, trong gần 400 năm (1558-1945), Huế đã từng là Thủ phủ của 9 đời chúa Nguyễn ở Ðàng Trong, là Kinh đô của triều đại Tây Sơn, rồi đến Kinh đô của quốc gia thống nhất dưới 13 triều vua Nguyễn. Quần thể Di tích cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới, đến nay vẫn trang nghiêm và rêu phong cổ kính. Ðoàn du khách miền Tây được hướng dẫn viên đưa đi tham quan Ngọ Môn, Ðiện Thái Hòa, Tử Cấm Thành… và kể những câu chuyện của các triều đại nhà Nguyễn. Du khách miền Tây thích thú khám phá hoàng cung xưa và cảm nhận nhiều điều lịch sử mà có lẽ ít người biết đến.
Ðêm về, đoàn khách miền Tây có dịp trải nghiệm du thuyền xuôi dòng sông Hương thưởng thức ca hò Huế, thả hoa đăng cầu phúc - lộc - bình an. Những điệu hò mênh mang, những câu hát Nam ai, Nam bình da diết sâu lắng… Tuy rằng miền Tây miệt vườn sông nước có đờn ca tài tử được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại và du khách cũng từng trải nghiệm đi du thuyền trên sông ở TP Cần Thơ thưởng thức đờn ca tài tử; nhưng vẫn say lòng nghe ca hò Huế. Nhiều nghiên cứu cho biết đờn ca tài tử hình thành và phát triển từ cuối thế kỷ XIX, bắt nguồn từ nhạc lễ, nhã nhạc cung đình Huế và văn học dân gian.
Tạm biệt Huế mộng mơ, đoàn đến phố cổ Hội An. Sau đại dịch COVID-19, du lịch phố cổ Hội An, Quảng Nam nhộn nhịp trở lại. Du khách trong và ngoài nước chen chân nhau dạo phố đêm Hội An, du thuyền đông đúc du khách thắp đèn lung linh huyền ảo cả đoạn sông Thu Bồn nơi Chùa Cầu. Ðoàn du khách miền Tây hòa nhập với dòng người tham quan phố lồng đèn có một không hai ở Việt Nam. Phố cổ Hội An từng là một thương cảng quốc tế sầm uất, với những di sản kiến trúc đã có từng hàng trăm năm trước, được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới từ năm 1999. Ðêm phố cổ Hội An vẫn sầm uất thương mại như xưa với nhiều cửa hàng thời trang, vải, quần áo, ẩm thực… phục vụ du khách gần xa.
Rời phố cổ Hội An đến tham quan Ðà Nẵng, đoàn ghé bán đảo Sơn Trà nằm phía Ðông Bắc TP Ðà Nẵng. Bán đảo Sơn Trà hấp dẫn du khách bởi những bãi tắm lớn nhỏ tuyệt đẹp, núi rừng thiên nhiên trùng điệp bao quanh biển bao la. Du khách đến đây không thể bỏ qua điểm tham quan Chùa Linh Ứng, với điểm nhấn là tượng Phật Quan Âm cao 67m được đặt trên đồi cao, đường kính tòa sen rộng tới 35m, hướng nhìn ra biển. Sau đó, đoàn lên đỉnh Núi Chúa - Bà Nà Hills bằng hệ thống cáp treo. Ðó là chuyến hành trình khám phá Miền diệu kỳ bắt đầu bằng hệ thống cáp treo tại Sun World Ba Na Hills đã được World Travel Award trao giải “Hệ thống cáp treo hàng đầu thế giới”. Từ cáp treo, du khách thỏa thích ngắm rừng núi bạt ngàn, trời xanh mây trắng bồng bềnh.
Hầu như du khách đến Bà Nà đều đặt chân lên cầu Vàng - cầu đi bộ dài khoảng 150m ở độ cao khoảng 1.414m so với mực nước biển. Cầu Vàng được nâng đỡ bằng 2 bàn tay nên có du khách gọi là cầu bàn tay. Cầu Vàng chính thức được khánh thành vào giữa năm 2018. Sau khi thả bộ đi qua cầu Vàng, du khách khám phá làng Pháp, vườn hoa Le Jardin D’Armour, vườn thiên thai, lâu đài mặt trăng, quảng trường hội chợ, cùng các lễ hội rực rỡ, show diễn tái hiện “Bông Hồng Vàng” của nhà văn nổi tiếng Nga Pautovsky, các nhà hàng ẩm thực phong phú (Á-Âu, Nhật Bản, Ý, Thái Lan..), hầm rượu và tổ hợp khách sạn, vui chơi giải trí… làm say lòng du khách.
Hướng dẫn viên Phạm Ðình Tâm cho biết: “Hầu hết du khách đến từ miền Tây rất thích các điểm đến như Bà Nà, Huế, Hội An và đặc biệt là biển Ðà Nẵng. Du khách miền Tây hiền hòa chất phác, phóng khoáng, dễ mến”. Bà Lê Ðình Minh Thy, Giám đốc Vietravel Cần Thơ, cho biết: “Trung bình mỗi tháng có từ 4-6 đoàn khởi hành tour miền Trung, đặc biệt giai đoạn cao điểm hè có thể lên đến 10-15 đoàn/tháng. Tổng lượt khách tuyến miền Trung từ tháng 5-9 xấp xỉ 2.000 khách, bao gồm cả đoàn tự tổ chức khởi hành riêng và khách lẻ ghép tour. Thời gian tới, tour Liên tuyến miền Trung vẫn tiếp tục là sản phẩm nội địa thu hút và dẫn dắt thị trường”.
Bài, ảnh: Huỳnh Biển