Việc Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh (Đà Nẵng) đưa chương trình “Hồn Việt” trở lại phục vụ công chúng và du khách là cách thức bảo tồn và phát huy nghệ thuật tuồng xứ Quảng trong lúc các sân khấu của loại hình này đang dần thưa vắng khách.
Sau hơn 2 năm tạm dừng hầu hết các hoạt động biểu diễn trực tiếp do ảnh hưởng COVID-19, Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh sẽ sáng đèn thường xuyên trở lại từ ngày 16/11 với chương trình nghệ thuật "Hồn Việt".
Buổi công bố chương trình "Hồn Việt" hôm 22/10 đã diễn ra trong niềm hân hoan của các nghệ sĩ, nhân viên Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, các đơn vị lữ hành và cả những người yêu nghệ thuật truyền thống của dân tộc.
“Hồn Việt” là chương trình biểu diễn nghệ thuật mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống Việt Nam và vùng Quảng Nam – Đà Nẵng. Ảnh: Đức Hoàng
Nghệ thuật truyền thống đang thiếu khán giả
Chiều 22/10, đến Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh trước giờ biểu diễn 20 phút, ông Nguyễn Văn Lộc (71 tuổi, ở quận Hải Châu, Đà Nẵng) cho biết, ông đã nhiều lần xem "Hồn Việt" vào năm 2019. Lúc đó, Nhà hát sáng đèn hằng đêm và luôn có khán giả nhờ kết hợp cùng các đơn vị lữ hành để giới thiệu chương trình với du khách trong nước cũng như quốc tế.
"Hai năm COVID-19 làm gián đoạn nhiều hoạt động xã hội, trong đó có biểu diễn sân khấu. Giờ đây, tôi rất vui khi "Hồn Việt" trở lại. Cần quảng bá mạnh mẽ chương trình này bởi nghệ thuật truyền thống của Việt Nam đang thiếu khán giả", ông Lộc bày tỏ.
Chị Phạm Thị Hải Anh (37 tuổi, ở quận Sơn Trà, Đà Nẵng) cho rằng, nghệ thuật tuồng rất kén khán giả vì khó xem. Thế hệ 8X của chị Hải Anh, hay thế hệ 9X, gen Z có thể tiếp cận với nhiều loại hình giải trí thời đại 4.0 nên khó mặn mà với tuồng.
"Tuy nhiên, tôi tin rằng khán giả Việt Nam vẫn yêu nghệ thuật truyền thống của dân tộc, chỉ có điều tình yêu đó chưa được đánh thức trong một bộ phận khán giả. Còn khán giả quốc tế sẽ thích thú nghệ thuật truyền thống của Việt Nam, trong đó có tuồng. Nếu hiểu được các yếu tố múa tuồng, hát tuồng, diễn xuất; tính tượng trưng, ước lệ của tuồng; sự cách điệu của mặt nạ tuồng… thì sẽ yêu loại hình nghệ thuật này", chị Hải Anh nói.
Cũng thuộc thế hệ 8X có mặt tại Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, chị Mỹ Quyên - thành viên một đơn vị lữ hành trên địa bàn Đà Nẵng - chia sẻ: "Đây là lần thứ ba tôi thưởng thức chương trình "Hồn Việt" tại Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh. Đến lần này tôi mới có thể cảm nhận hết từng vai diễn, từng biểu cảm trên khuôn mặt diễn viên... Đà Nẵng là thành phố du lịch, xinh đẹp và thân thiện, rất cần bảo tồn, phát huy, lan tỏa nhiều hơn nữa những truyền thống văn hóa, văn nghệ dân gian như tuồng, bài chòi, múa Chăm...".
Việc đưa chương trình “Hồn Việt” vào phục vụ du khách là phù hợp và cần thiết. Ảnh: Đức Hoàng
Vẫn diễn dù có khách hay không
Không giấu được niềm vui khi đưa chương trình trở lại ra mắt khán giả, NSƯT Trần Ngọc Tuấn, Giám đốc Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh khẳng định: Dù có khách hay không có khách, Nhà hát vẫn tổ chức biểu diễn.
"Chương trình "Hồn Việt" mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống Việt Nam và vùng Quảng Nam - Đà Nẵng. Chúng tôi mong muốn lần trở lại này sẽ thực sự mang lại nhiều ý nghĩa", ông Tuấn bày tỏ.
Năm 2019 được xem là năm rực rỡ nhất của Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh khi tổ chức tổng cộng 275 buổi biểu diễn chương trình "Hồn Việt" phục vụ người dân và du khách.
Nhà hát đã hiện thực hóa thành công kế hoạch đưa nghệ thuật tuồng trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng của địa phương, theo chỉ đạo của Thành ủy Đà Nẵng tại Công văn số 2928-CV/TU ngày 12/2/2019 về việc nâng cao hiệu quả, chất lượng chương trình biểu diễn nghệ thuật tuồng trên địa bàn thành phố.
Mọi áp lực ban đầu đối với các nghệ sĩ, nhân viên Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh cũng qua đi khi họ đã thực sự xây dựng được chương trình vừa mang tính nghệ thuật, vừa mang tính giải trí.
Sự ủng hộ của Sở Du lịch, Hiệp hội Du lịch, Hội Lữ hành Đà Nẵng; sự hợp tác của các đơn vị lữ hành, đặc biệt là Công ty Du lịch Việt Nam TravelMART (Vietnam TravelMART) trong việc giới thiệu, quảng bá chương trình "Hồn Việt" đến khách quốc tế, đã kéo khán giả đến rạp, đồng thời giúp Nhà hát giải được bài toán kinh tế. Nhờ sự liên kết này, Nhà hát sáng đèn hằng đêm, đời sống anh chị em nghệ sĩ được bảo đảm.
Tuy nhiên, khi COVID-19 xảy ra, Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh đã phải hủy toàn bộ suất diễn và cũng không thể thực hiện kế hoạch lưu diễn phục vụ khán giả vùng sâu, vùng xa.
Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng sẽ kêu gọi các doanh nghiệp cùng chung tay truyền thông, quảng bá mạnh mẽ show “Hồn Việt” để Nhà hát sáng đèn hằng đêm, đưa sản phẩm văn hóa nghệ thuật truyền thống mang đậm bản sắc của địa phương phục vụ đông đảo người dân và du khách”
Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng
|
Sản phẩm văn hóa độc đáo của Đà Nẵng
Theo ông Hồ Vũ Hiếu, Chủ nhiệm CLB Hướng dẫn viên tiếng Anh, Hội Hướng dẫn viên du lịch Đà Nẵng, khi đến thành phố này, du khách ít có các chương trình giải trí, nên việc đưa chương trình "Hồn Việt" vào phục vụ du khách là phù hợp và cần thiết.
"Du khách cần hiểu thông điệp của từng tiết mục. Nhà hát cần cung cấp thông tin để các hướng dẫn viên thuyết minh, giới thiệu với khách. Bên cạnh đó, cần có phụ đề nhiều ngôn ngữ chạy trên màn hình LED để khách nước ngoài dễ hiểu", ông Hiếu đề xuất.
Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, cho biết: "Đến thời điểm này, điểm rơi của khách du lịch bắt đầu tốt hơn. Vì vậy, chúng tôi đã trao đổi và thuyết phục Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh nhanh chóng đưa chương trình "Hồn Việt" trở lại để phục vụ công chúng và đặc biệt là du khách. Chúng tôi coi đây là một sản phẩm văn hóa độc đáo của địa phương trong bối cảnh Đà Nẵng chưa có các buổi diễn nghệ thuật truyền thống mang tính định kỳ, thường kỳ để phục vụ nhu cầu thưởng thức văn hóa, nghệ thuật truyền thống của du khách như một số địa phương khác".
Ông Dũng lý giải, trung tâm du lịch nào cũng phải có một vài show nghệ thuật truyền thống. Chẳng hạn, khách đến Hàng Châu (Trung Quốc) có thể thưởng thức show "Tống Thành thiên cổ tình"; đến Hải Nam (Trung Quốc) thì có show "Ấn tượng Hải Nam"; đến Siem Reap (Campuchia) thì có show "Ấn tượng Siem Reap"…
"Một trong những sản phẩm mà du khách mong muốn khám phá khi tìm hiểu về văn hóa, du lịch địa phương chính là các buổi biểu diễn nghệ thuật truyền thống. Chúng tôi mong muốn cộng đồng doanh nghiệp du lịch, lữ hành sát cánh với Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh để giữ được show "Hồn Việt" trong thời gian ban đầu, tức đến Tết Nguyên đán; sau đó tiếp tục giữ đến mùa hè 2023, lúc điểm rơi khách du lịch đến Đà Nẵng đông nhất", ông Dũng nhấn mạnh.
"Một trong những sản phẩm mà du khách mong muốn khám phá khi tìm hiểu về văn hóa, du lịch địa phương chính là các buổi biểu diễn nghệ thuật truyền thống...", ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng. Ảnh: Đức Hoàng
Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng cho hay, mục tiêu đặt ra đến mùa hè 2023 là khách sẽ kín rạp và Nhà hát có thể biểu diễn 1-2 suất mỗi ngày, như vậy vừa giữ được nghệ thuật truyền thống địa phương, vừa có sản phẩm mới cho các công ty lữ hành, vừa tăng sức hấp dẫn cho điểm đến, vừa tăng thu nhập cho nghệ sĩ, nhân viên Nhà hát.
"Với mục tiêu đó, Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng sẽ kêu gọi các doanh nghiệp cùng chung tay truyền thông, quảng bá mạnh mẽ show "Hồn Việt" để Nhà hát sáng đèn hằng đêm, đưa sản phẩm văn hóa nghệ thuật truyền thống mang đậm bản sắc của địa phương phục vụ đông đảo người dân và du khách", ông Dũng nói.
Chương trình nghệ thuật "Hồn Việt" diễn ra trong 60 phút, gồm 7 tiết mục: Hòa tấu đàn đá "Cội nguồn", hoạt cảnh "Ngày hội quê tôi", độc tấu đàn bầu, múa Apsara "Trăng trên tháp cổ", trích đoạn "Nguyệt Cô hóa cáo", múa "Bến nước tình yêu" và giới thiệu hóa trang các nhân vật tuồng.
Từ ngày 16/11, ngoài biểu diễn cố định vào thứ tư, thứ sáu và chủ nhật hằng tuần, Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh sẽ phục vụ theo yêu cầu, đơn đặt hàng của các đơn vị lữ hành.
|
Đức Hoàng