Cao Bằng: Khảo sát du lịch cộng đồng tại tỉnh Hà Giang
Cập nhật: 14/12/2022
Từ ngày 3-5/12, đoàn công tác Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) tỉnh Cao Bằng do đồng chí Sầm Việt An - Tỉnh uỷ viên, Giám đốc Sở VHTTDL làm trưởng đoàn đã đến khảo sát các mô hình du lịch cộng đồng (DLCĐ) tiêu biểu của tỉnh Hà Giang. Cùng đi có đại diện lãnh đạo UBND, phòng VH-TT các huyện, thành phố, Hiệp hội du lịch tỉnh, các doanh nghiệp lữ hành và đại diện các điểm du lịch có tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng.

Đoàn công tác khảo sát mô hình du lịch cộng đồng Làng văn hóa du lịch dân tộc Mông, thôn Pả Vi, xã Pả Vi, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Hà Giang có 35 làng văn hoá DLCĐ tiêu biểu, trong đó có 16 làng DLCĐ theo Đề án “Bảo tồn các Làng văn hóa truyền thống và nâng cao chất lượng dịch vụ các Làng VHDLCĐ” giai đoạn 2020 - 2025 đang phục vụ du khách hiệu quả. Đề án đã hỗ trợ bảo tồn kiến trúc nhà ở truyền thống; hỗ trợ các đội văn nghệ dân gian; hỗ trợ công tác sưu tầm các làn điệu dân ca, dân vũ, nhạc cụ, lễ hội truyền thống; hỗ trợ sản xuất sản phẩm thủ công truyền thống phục vụ du lịch... Trong năm 2022, Hà Giang đón trên 2,2 triệu lượt khách trong nước và quốc tế, doanh thu du lịch đạt 4.307 tỷ đồng.

Đoàn tham gia khảo sát tại Làng văn hóa DLCĐ dân tộc Tày, thôn Hạ Thành, xã Phương Độ, Thành phố Hà Giang.

Đoàn đã đến khảo sát Làng văn hoá DLCĐ dân tộc Mông thôn Pả Vi Hạ, xã Pả Vi (huyện Mèo Vạc); danh lam thắng cảnh Mã Pì Lèng; Phố cổ Đồng Văn; Làng văn hoá DLCĐ dân tộc Lô Lô, thôn Lô Lô Chải (xã Lũng Cú), Làng văn hoá DLCĐ dân tộc Giáy, thôn Ma Lé, (xã Má Lé) huyện Đồng Văn; Làng văn hoá DLCĐ dân tộc Dao, xã Quản Bạ (huyện Quản Bạ); Làng văn hoá DLCĐ dân tộc Tày, thôn Hạ Thành, xã Phương Độ (Tp Hà Giang). Tại các địa điểm khảo sát đoàn đã được tư vấn công tác bảo tồn, khai thác lợi thế giá trị văn hóa bản địa đặc sắc riêng có của đồng bào dân tộc Mông, Dao, Lô Lô, Giáy để phát triển DLCĐ; chia sẻ quyền lợi và trách nhiệm xây dựng và phát triển DLCĐ theo hướng bền vững; kiến thức, kỹ năng làm dịch vụ DLCĐ; kết nối các tour du lịch, quảng bá DLCĐ; truyền thông trực tiếp về du lịch. Công tác quản lý, bảo vệ các di sản văn hoá; cơ chế thu hút các nhà đầu tư, công tác tuyên truyền, tập huấn làm du lịch cho người dân; phát triển các loại hình du lịch trải nghiệm...

Theo kế hoạch, sau khi kết thúc chương trình khảo sát, các đại biểu sẽ có báo cáo phân tích, xác định những điểm lợi thế và hạn chế ảnh hưởng đến sự phát triển DLCĐ của từng địa phương. Trên cơ sở đó, các doanh nghiệp, Hiệp hội du lịch và cơ quan nhà nước cùng trao đổi tìm kiếm các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để phát triển môi trường du lịch, dịch vụ và phát triển sản phẩm DLCĐ tại Cao Bằng.

Tác giả bài viết: Lương Thanh

TTVH và TTDL Cao Bằng - dulichcaobang.vn - Đăng ngày 08/12/2022