Trên đường thiên lý Bắc - nam, ít có con đèo nào đượm nét hoài cổ, từng được nhiều bậc tao nhân mặc khách lưu dấu bằng những tuyệt phẩm thơ còn mãi với thời gian như đèo Ngang - ranh giới giữa hai tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh.
Di tích Hoành Sơn Quan trên đỉnh đèo Ngang.
Đèo Ngang hai mái chênh vênh
Từ Đồng Hới theo quốc lộ 1A ra bắc chừng 80km là đến chân đèo Ngang. Quốc lộ 1A qua đây đã có hầm đường bộ nên đèo thành tuyến đường du lịch, là điểm check-in của giới trẻ.
Bên bậc đá rêu phong dẫn lên di tích Hoành Sơn Quan, lần giở lại lịch sử để nhận ra, đèo Ngang không thua kém bất cứ con đèo nào trên đường thiên lý về cảnh quan và mức độ hiểm trở song lại hơn hẳn về vẻ thơ mộng và phong cảnh hữu tình. Đèo Ngang trên núi Hoành Sơn được tách ra từ dãy Trường Sơn, cao 256m, dồn đuổi nhau từ tây sang đông, chạy dài ra tận biển.
Trên đỉnh non cao ấy, gần 20 năm nay có một người phụ nữ quê ở xã Kỳ Nam, Kỳ Anh (Hà Tĩnh), ngày ngày đếm bước bậc đá lên lo hương khói cho miếu thờ Hoành Sơn. Bà tên Nguyễn Thị Ngụy, 85 tuổi. Trong ngôi nhà lá dựng tạm, bà Ngụy nhón khỏi chiếc võng mắc trước cửa bước ra hỏi thăm, bà nói: “Tui lên đây gần 20 năm nhưng trước đó chồng tui đã ở đây 12 năm nữa. Ông mất, tui lên thay ông khói hương cho di tích, ngôi miếu thiêng này và để được “ở” gần ông”. Trên đỉnh Hoành Sơn, bà Ngụy chứng kiến nhiều thay đổi của con đèo, cả những xô bồ của cuộc sống. Bà bảo rằng, trước đó đèo Ngang cây cối nhiều lắm, đỉnh đèo rậm rạp nên u tịch hơn. Sau hai trận bão lớn năm 2013 và 2017, cây rừng gãy đổ la liệt. Theo bà Ngụy, mỗi tháng tỉnh Hà Tĩnh hỗ trợ 300 nghìn đồng để hương khói cho di tích. Khách du lịch mỗi khi ghé lại thăm thú, chụp ảnh trên Hoành Sơn Quan đều gửi cho bà chút tiền để khói hương cho di tích. Câu chuyện của mỗi khách ghé thăm cũng làm cho bà vui hơn.
Hầm đường bộ đèo Ngang trên quốc lộ 1A nối hai tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh.
Vui sức mới bên mái đèo
Xưa, Bà Huyện Thanh Quan qua đèo Ngang thấy “Lom khom dưới núi tiều vài chú” và cho đến những năm 90 của thế kỷ trước, hai xã Quảng Đông (huyện Quảng Trạch, Quảng Bình) và Kỳ Nam vẫn rất nghèo, nhiều người nói vui “Đèo Ngang” vẫn “đang nghèo” là vì thế. Nghèo đến mức, lúc bấy giờ xe qua lại gặp rất đông phụ nữ và trẻ em đứng hai bên đường đèo ngửa nón xin tiền. Bí thư Đảng ủy xã Kỳ Nam Trần Đình Thành nhớ lại, nơi đây chỉ có con đường độc đạo, hằng ngày người dân thường vào rừng kiếm sản vật rồi mang ra đường bán cho khách qua lại. Người có hàng hóa bán đã đành, phụ nữ, trẻ em không có hàng đưa bán cũng ra đứng xin tiền. Sau này, khi người dân có việc làm, đời sống được nâng cao thì tình trạng đó cũng chấm dứt.
Bây giờ, vùng đất dưới chân đèo Ngang đang được xây dựng thành các khu kinh tế, khu công nghiệp. Ông Phạm Tiến Duật, Phó Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế Quảng Bình cho biết, tại Khu kinh tế Hòn La, Nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch 1 đang xây dựng sẽ biến nơi đây thành trung tâm điện lực của khu vực. Nhiều dự án khác cũng đang được xây dựng, sẽ mở ra cơ hội phát triển cho địa phương, tạo việc làm cho người dân. Nhường đất cho nhà máy nhiệt điện, hơn 500 hộ dân thôn Vịnh Sơn, xã Quảng Đông đã được chuyển đến khu tái định cư với cơ sở hạ tầng đồng bộ, khang trang. Theo Bí thư Đảng ủy xã Quảng Đông Lê Chí Tương, ở làng mới, bà con làm nhà cửa khang trang, lại dành dụm được ít vốn để mở mang các nghề mới. Phó trưởng thôn Vịnh Sơn Trần Đình Chiến dẫn chúng tôi thăm làng mới và giới thiệu, hiện có hơn 250 ngôi nhà được xây dựng khang trang, kiểu cách; các công trình nước sạch, điện, đường được đầu tư đầy đủ. Công ăn việc làm ở Quảng Đông bây giờ không thiếu.
Bên kia đèo Ngang, Bí thư Trần Đình Thành vui mừng cho biết, Kỳ Nam đang xây dựng thành xã nông thôn mới nâng cao, một phần nhờ các dự án ở Khu kinh tế Vũng Áng tạo việc làm và nguồn thu nhập ổn định cho người dân. Bà con làm nông nghiệp nay đã chuyển sang thương mại dịch vụ và trồng hoa mai mang lại nguồn thu khá cao. Sắp tới, vùng đất phía biển dưới chân đèo Ngang được doanh nghiệp đầu tư khu đô thị ven biển, phía xa là dự án điện gió ngoài khơi, Kỳ Nam sẽ thêm sôi động và có điều kiện bứt phá thành phường của thị xã Kỳ Anh vào năm 2025.
Nơi phía nam đèo, tiềm năng dải đất ven biển Quảng Đông-Cảnh Dương đang được đánh thức. Dưới chân đèo, đền thờ Công chúa Liễu Hạnh, nằm trong cụm di tích, danh thắng đèo Ngang. Đền được dựng từ năm 1557, sau đó bị hư hỏng nhiều, gần đây được phục hồi đền theo nguyên mẫu. Và cũng cách đèo Ngang khoảng 3km là Vũng Chùa-đảo Yến, nơi yên nghỉ vĩnh hằng của vị tướng huyền thoại Võ Nguyên Giáp. Quảng Bình đã quy hoạch khu di tích-danh thắng đèo Ngang thành điểm du lịch tâm linh với khu mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp và đền thờ Công chúa Liễu Hạnh. Nơi đây còn có nhiều đảo nhỏ và bãi biển đẹp đang được đầu tư thành các khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng biển và làng nghề kết hợp du lịch cộng đồng. Khách đến Quảng Đông còn được phục vụ dịch vụ lặn biển ngắm rạn san hô, hệ sinh thái ở biển Vũng Chùa, đảo Hòn La, tham quan đảo Yến, đảo Chim.
Sở Du lịch Quảng Bình đang xúc tiến, giới thiệu doanh nghiệp mở tour du lịch kết nối Quảng Bình-Hà Tĩnh với tâm điểm là di tích, danh thắng đèo Ngang và đèo Con ở thị xã Kỳ Anh. Phó Giám đốc Sở Đặng Đông Hà mong đợi, tour du lịch này sẽ đưa khách đi theo dấu chân tiền nhân qua đèo Ngang để tìm lại niềm hoài cổ khó quên bên những sắc màu mới đang bừng dậy.
Bài và ảnh: Hương Giang