Cháo lươn là một món ăn dân dã xuất phát từ những vùng quê xứ Thanh. Dần già, cháo lươn là một món ăn nức tiếng gắn với dư vị quê hương.
Nhắc tới ẩm thực của Thanh Hóa, nhiều người sẽ nghĩ ngay tới nem chua, nem nướng, chả tôm... thế nhưng còn có một đặc sản không thể không thưởng thức khi có dịp về với địa phương này, đó là cháo lươn.
Món cháo lươn ở đây ăn một lần nhớ mãi
Cháo lươn có ở nhiều địa phương như Nghệ An, Hà Tĩnh, hay vùng tây Nam bộ… song, cháo lươn Thanh Hóa có những nét đặc trưng, khác biệt cuốn hút thực khách. Theo bà Nguyễn Thị Hợp chủ quán ăn lươn vườn Tân Hợp (phường Ba Đình, thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa) thì nét đặc trưng riêng của cháo lươn nơi đây ở chỗ cách chế biến và lựa chọn nguyên liệu.
Theo đó, lươn dùng để nấu cháo lươn được bắt từ các "vựa" lúa của xứ Thanh như Nông Cống, Triệu Sơn, Yên Định. Lươn ở đây béo vàng, óng mượt, thường to bằng ngón chân cái, lẩn mình trong hang.
Người nấu thường khử mùi tanh, làm lươn bớt nhớt bằng việc vùi lươn vào tro bếp, vuốt lươn qua với gừng, muối, chanh hoặc giấm. Sau khi lươn được làm sạch thì lươn được cắt tiết, cho vào nồi luộc, chín tới thì vớt ra, bóc lấy thịt. Thịt lươn được bóc xào hoặc rim qua với hành mỡ. Khi xào người xào không được đảo nhiều, không xào quá lâu.
Xương lươn được tận dụng để nấu nước cháo. Xương sau khi được ninh khoảng 1 đêm giã ra lọc lấy nước cốt. Để tạo màu cho nước cháo, người nấu thường thắng đường. Nước cốt của xương lươn cộng với màu nước kẹo đắng làm cho nước cháo lươn Thanh Hóa không có màu trắng mà có màu nâu nhạt.
Đặc biệt, gạo nấu cháo lươn Thanh Hóa phải là gạo lật, (loại gạo chỉ trải qua quá trình xay tróc vỏ trấu mà không tác động nhiều đến phôi và lớp cám của gạo). Gạo được đãi sạch, cho ra rá chờ ráo nước rồi cho vào nồi nấu. Còn đậu phụ sau khi rán vàng được thải thành chỉ, bản to.
Theo bà Hợp, bí quyết để quán có một bát cháo lươn ngon đó là lươn phải là lươn đồng, gạo lật. Cùng với đó là nước cháo phải được ninh hoàn toàn từ xương lươn, có như vậy cháo mới chuẩn vị, đầy đủ chất dinh dưỡng.
"Với người Thanh Hóa, một bát cháo lươn ngon, chuẩn cháo lươn là phải thật nhiều lươn, gạo phải còn nguyên hạt, nở xòe, nước dùng phải trong, cháo loãng mới ngon. Cùng là cháo lươn nhưng cháo lươn Thanh Hóa đúng vị sẽ thanh chứ không bị ngậy như cháo lươn các nơi khác" - Bà Hợp nói.
Độc đáo ở cách thưởng thức
Lươn có đặc tính lành và mát, vì thế mà từ xa xưa, ông bà ta thường ăn cháo lươn vào buổi sáng và tối. Đặc biệt cháo lươn rất tốt cho các bà mẹ đang mang thai, người mới ốm dậy hoặc trẻ em.
Theo bà Ngô Thị Thơm, chủ quán cháo lươn tại Thọ Dân, Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa cho biết, cháo lươn vừa dễ ăn, lại vừa nhiều chất dinh dưỡng bởi vậy cháo lươn Thanh Hóa không chỉ hấp dẫn những thượng khách địa phương mà còn được rất nhiều du khách yêu thích.
Cách thưởng thức cháo lươn Thanh Hóa cũng có phần khác biệt so với cháo lươn ở các địa phương khác. Theo đó, cháo lươn Thanh Hóa phải ăn lúc còn nóng, vừa ăn vừa toát mồ hôi trên trán mới thấy thú vị và hưởng trọn hương vị của cháo lươn.
Sau khi múc ra bát, cháo lươn nơi đây được ăn cùng với bánh đa. Bánh đa phải được làm từ những bàn tay khéo léo của người dân cầu Bố mới làm dậy nên hương vị thơm, ngon, đậm đà của cháo lươn xứ Thanh.
Bên cạnh đó, khi ăn cháo lươn Thanh Hóa ngoài việc cho thêm hành củ thái mỏng, các loại rau ăn kèm như rau ngổ, rau răm thì người ăn còn cho thêm đậu phụ được rán vàng, thái chỉ bản to. Lúc đầu đậu phụ có thể còn dai, nhưng sau khi ngấm nước sẽ mềm đậm vị hơn. Cháo lươn Thanh Hóa ăn kèm với đậu phụ cũng là một điểm khác biệt với cháo lươn ở các vùng khác.
Đến Thanh Hóa, thực khách có thể thưởng thức những quán cháo lươn gia truyền ở đường Trần Phú, Nguyễn Chích, Trường Thi, phố Bà Triệu, Lê Hoàn và dọc đường Đình Hương... Mỗi bát cháo lươn có giá giao động từ 25.000 đến 35.000 đồng.
Nhật Vũ