Cháng, cậu bé sẽ làm "xế ôm" đưa tôi vào Hang Táu (Mộc Châu, Sơn La), mới 16 tuổi, có khuôn mặt ửng hồng, và chân tay mảnh khảnh đến nỗi tôi không tưởng tượng được cậu sẽ điều khiển chiếc xe ra sao để vượt qua được con đường đầy bùn đất, sỏi đá trước mặt.
Với vẻ đẹp hoang sơ, Hang Táu được dân phượt đặt cho biệt danh "Làng nguyên thủy".
Nhưng rồi, như một tay đua thực thụ, cậu đưa tôi vượt một loạt những khúc cua gấp và ghềnh đá dăm, với một tốc độ làm bạn rợn tóc gáy, trên "con" Wave cũng còm cõi y như cậu, với đôi bánh mỏng dính. Tôi ngồi cứng người, thậm chí hơi hoảng sợ vì những gì đang trải qua. Chỉ cần cậu bé này lơi tay lái và xe trật bánh, nhẹ thì bạn sẽ gãy chân tay, còn nặng thì... không dám tưởng tượng tiếp.
Các gốc đào rừng, hoa mận cứ loang loáng trôi qua, bị bỏ lại phía sau như trong một cuốn phim, và Hang Táu hiện ra trước mặt, là một dải xanh bát ngát giữa lòng núi. Từ trung tâm Mộc Châu đến chân dốc, ô-tô của chúng tôi đã vượt khoảng 20 cây số, nhưng quãng đường đẹp nhất chính là sau tay lái của chiếc xe máy ọp ẹp đi từ dưới dốc vào bản. Bên trong, mọi thứ làm chúng tôi bùng nổ. Nó đẹp hùng vĩ và vẫn còn hoang sơ, gần giống với tưởng tượng trong đầu tôi khi nghe đến biệt danh dân phượt đặt cho nó: Làng nguyên thủy.
Trèo lên một ngôi nhà sàn, ngồi nhờ chiếc bàn gỗ của một chị người H’Mông, mượn bếp lửa pha một ấm nước sôi uống cà-phê, nhìn thẳng ra vệt cỏ mịn màng trải dài trước mắt, tôi lập tức chìm vào một khoảnh khắc rất cô đọng: Chỉ hiện tại là có giá trị.
Có hai loại trải nghiệm cái đẹp. Một là ta thưởng thức chúng với tư cách chủ thể, như là ngắm một bức tranh, hay một cô gái. Ta vẫn làm chủ được bản thân. Thứ hai là chính chúng biến ta thành khách thể, khi vẻ đẹp gây choáng ngợp và xâm lấn tâm hồn ta chỉ trong chớp mắt.
Tôi quên đi mọi vấn đề cá nhân, và những lo lắng vẩn vơ. Nắng vàng nhanh chóng lan ra khắp thung lũng như một dòng suối khổng lồ, chỉ trong chốc lát đã đổ đầy hạnh phúc lên khuôn mặt của tất cả mọi người trong buổi chiều hôm ấy. Lũ trẻ trong bản đá bóng ở một bãi đất trống và cười nắc nẻ. Dưới những tán cây, từng tốp du khách khoan khoái ngồi sưởi ấm.
Nhưng rồi tất cả như sực tỉnh vì tiếng... nhạc sàn phát ra từ một bộ loa "khủng" nằm ở bãi đất ngay giữa thung lũng. Nó đâm xuyên qua sự thanh bình chậm rãi đang diễn ra, một cách dứt khoát. Hóa ra, có một chiếc xe bán tải "ngoan cố" đã cố vượt qua đoạn đường đầy bùn đất, sỏi đá để chở nó vào đây, đặt âm thanh chát chúa ấy vào trung tâm, và một tốp du khách bắt đầu nhảy múa trên nền nhạc kích động ấy.
Bất giác, tôi tự rà soát lại trí nhớ, xem điều gì đã khiến mình vào đến đây. Có lẽ là một bài báo nào đó ca ngợi Hang Táu đến hết lời? Có thể là một chùm ảnh tuyệt đẹp trong một nhóm du lịch trên mạng xã hội? Hay một lời rủ rê bâng quơ nào đó của bạn bè?
Nhưng dù thế nào, động lực để hầu hết những du khách như tôi tìm thăm nơi này cũng chỉ bắt đầu từ sự tò mò thuần túy, chứ không phải là sự ngưỡng vọng với thiên nhiên hay điều gì đặc biệt. Các bức ảnh và bài đăng chỉ lột tả được một mẩu tí hon của vẻ đẹp Hang Táu.
Chúng ta vào đây với tất cả cung cách lẫn sự tiện lợi mang theo từ đô thị, sẵn sàng làm kinh động yên bình thường nhật. Hôm ấy, tôi chứng kiến thêm một đoàn mô-tô phân khối lớn gầm rú tiến vào, sau khi chiếc bán tải đã mang vào đây một bộ loa đủ để phổ cập nhạc sàn khắp hang cùng ngõ hẻm.
Rời khỏi Hang Táu, tôi đâm ra phân vân. Vừa muốn viết một bài kêu gọi mọi người hãy đến đây, để được chìm vào một trải nghiệm hiếm có với cái đẹp tự nhiên, vừa muốn ghìm lại. Hóa ra, chính con đường gập ghềnh đầy sỏi đá dẫn vào Hang Táu đang đóng vai trò một ranh giới quan trọng, giữ cho thung lũng này một không gian tương đối nguyên sơ, vào thời điểm nó đã trở nên rất nổi tiếng.
Trên đường ra, tôi hỏi Cháng về công ăn việc làm. Cậu kể đây là chuyến thứ bảy trong hôm nay, một ngày cao điểm. Cứ mỗi cuốc "khứ hồi", các "xế" như cậu bỏ túi 150 nghìn đồng. "Thế nếu sau này người ta làm đường cho ô-tô vào thì sao?" - tôi hỏi. "Thì cháu lại quay về làm nương thôi" - Cháng cười.
Nghe xong, tự nhiên tôi có một mong muốn ngược đời, rằng đừng có ai cố sửa con đường "đau khổ" này. Nó là một cái phanh để các thị dân hiểu rằng đôi khi, chúng ta không thể đặt sự tiện lợi lên trên mọi thứ, đặc biệt là trước thiên nhiên.
Phạm An