Không chỉ là vùng đất có công nghiệp phát triển mạnh mẽ, Đồng Nai còn sở hữu kho tàng di sản văn hóa độc đáo. Trong đó, nghề luyện kim cổ đã để lại nhiều dấu ấn về trình độ, kỹ thuật, cũng như tinh thần sáng tạo của cộng đồng dân cư Đồng Nai.

Người dân và du khách tham quan triển lãm Nghề luyện kim cổ ở Đồng Nai và tìm hiểu về bảo vật quốc gia Tượng đồng tê tê Long Giao. Ảnh: M.Ny
Việc giới thiệu các hiện vật ở Triển lãm Nghề luyện kim cổ tại Bảo tàng Đồng Nai góp phần giúp người dân và du khách, nhất là thế hệ trẻ, tiếp cận với văn hóa cư dân cổ Đồng Nai, hình thành ý thức bảo tồn và phát huy giá trị di sản.
Tinh hoa của vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai
Vùng đất Đồng Nai từ hàng ngàn năm trước đã chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của nghề luyện kim. Những di tích khảo cổ học tìm thấy tại Long Giao, Suối Chồn, Cái Vạn… đã cho thấy vùng đất này từng là một trung tâm luyện kim có quy mô lớn và kỹ thuật cao, với nhiều công cụ và đồ dùng được đúc bằng đồng thau tinh xảo. Không chỉ sử dụng kỹ thuật đúc để chế tác các công cụ như: rìu, giáo, lao, mũi tên, lục lạc, lưỡi câu…, mà cư dân cổ còn tạo ra những tác phẩm nghệ thuật tinh xảo.
Triển lãm Nghề luyện kim cổ ở Đồng Nai diễn ra từ ngày 11/4 đến ngày 30/5 tại Bảo tàng Đồng Nai mở cửa miễn phí, phục vụ nhu cầu tham quan, tìm hiểu văn hóa lịch sử của các tầng lớp nhân dân trong và ngoài tỉnh.
Trong tác phẩm Nghề luyện kim cổ ở Đồng Nai của tác giả Nguyễn Giang Hải - Huỳnh Văn Tới do Nhà xuất bản Đồng Nai ấn hành cho biết, không gian Đồng Nai của nghề luyện kim và đồng cổ được xác định là một vùng văn hóa rộng lớn thuộc lưu vực hệ thống sông Đồng Nai tương ứng với địa bàn của các tỉnh, thành Đông Nam Bộ hiện nay. Việc phát hiện ngày càng nhiều di tích và di vật khảo cổ liên quan trực tiếp đến nghề luyện kim ở Đồng Nai đã khẳng định sự tồn tại của một nền kỹ nghệ luyện kim đồng thau trong lưu vực sông Đồng Nai ở thiên niên kỷ thứ II-I trước công nguyên.
Hai trong những minh chứng tiêu biểu nhất chính là Tượng đồng tê tê Long Giao được phát hiện cùng địa điểm với bộ sưu tập Qua đồng Long Giao được xem là những di tích điển hình nhất trong các di tích tiền sử - sơ sử ở lưu vực sông Đồng Nai. Trong đó, Tượng đồng tê tê Long Giao là hiện vật gốc, độc bản, độc đáo từ hình thức và kích thước đến kỹ thuật đúc đồng điêu luyện, không chỉ có giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, thể hiện dấu ấn về một trung tâm luyện kim, đúc đồng tại vùng đất Đồng Nai thời đại đồng thau - sơ kỳ sắt, mà còn là hiện tượng độc đáo trong giai đoạn nhà nước sớm ở miền Đông Nam Bộ.
Bên cạnh những di sản còn lại như tượng đồng tê tê Long Giao, Qua đồng Long Giao, nhiều hình ảnh trưng bày trong Triển lãm Nghề luyện kim cổ ở Đồng Nai đã giới thiệu quy trình chế tác, kỹ nghệ luyện kim, đúc đồng. Nhiều hiện vật rèn vũ khí như: quạt lò, bếp, kìm, đe, búa; hay sưu tập nghề thủ công kim hoàn, nghề đúc gang như: cân điện tử, hũ nấu cám vàng, bay làm khuôn, khuôn lưỡi cày…, trong đó có bộ sưu tập dụng cụ nghề kim hoàn của ông Nguyễn Văn Cầu, nguyên Hội trưởng Hội Kim hoàn Đồng Nai. Các hiện vật được tổ chức thành không gian trải nghiệm, góp phần đưa nghề xưa hòa nhịp với hiện tại.
Đồng Nai hiện có 4 hiện vật, nhóm hiện vật được Thủ tướng Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia gồm: bộ sưu tập Qua đồng Long Giao (15 tiêu bản), tượng đồng tê tê Long Giao, tượng thần Vishnu Bình Hòa và bộ sưu tập Đàn đá Bình Đa. Đây là vốn văn hóa vô giá và là niềm tự hào, vinh dự của vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai.
Quảng bá văn hóa cư dân cổ Đồng Nai
Tham gia vào Triển lãm Nghề luyện kim cổ ở Đồng Nai, Phó chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) Di vật, cổ vật Biên Hòa Nguyễn Mộng Điệp chia sẻ, CLB đã giới thiệu nhiều sản phẩm đúc đồng quý giá, được sưu tầm và gìn giữ qua nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau. Những hiện vật này không chỉ thể hiện trình độ kỹ thuật của các nghệ nhân xưa, mà còn phản ánh dòng chảy văn hóa, xã hội của vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai nói riêng, Nam Bộ nói chung.
“Việc đưa các cổ vật đến bảo tàng trưng bày, phục vụ công chúng không chỉ giúp người dân thêm hiểu, thêm yêu di sản quê hương, mà còn là cầu nối quan trọng quảng bá, giáo dục văn hóa và lịch sử địa phương. Thông qua triển lãm, CLB mong muốn kêu gọi cộng đồng cùng chung tay bảo tồn nghề luyện kim truyền thống - vốn là một phần không thể thiếu trong dòng chảy văn hóa Đồng Nai” - ông Điệp nói.
Theo Phó giám đốc Bảo tàng Đồng Nai Nguyễn Văn Minh, việc tổ chức Triển lãm Nghề luyện kim cổ ở Đồng Nai nhằm tuyên truyền, quảng bá đến nhân dân trong và ngoài tỉnh về những thành tựu văn hóa của cư dân cổ Đồng Nai, trong số những thành tựu đó đã từng hiện hữu “một dòng chảy đúc đồng, một nghề luyện kim cổ”. Qua các bảo vật quốc gia và những hình ảnh liên quan giúp người xem có cái nhìn trực quan sinh động, bao quát hơn về các giá trị di sản văn hóa thuộc văn hóa Đồng Nai nói chung và giá trị văn hóa quốc gia vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai nói riêng.
Ly Na