Từ ngày 18 đến 21/12/2009, Hiệp hội du lịch đồng bằng sông Cửu Long đã phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Kiên Giang tổ chức chương trình khảo sát và hội thảo “Liên kết phát triển du lịch đồng bằng – biển đảo” tại thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang.
Tham dự hội thảo có Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Mạnh Cường, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lâm Hoàng Sa, Chủ tịch Hiệp hội du lịch đồng bằng sông Cửu Long Phạm Phước Như và hơn 100 đại biểu đại diện cho các sở văn hóa, thể thao và du lịch của các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long; các công ty du lịch, khách sạn trong và ngoài tỉnh; các sở, ngành liên quan và các cơ quan thông tấn báo chí.
Các đại biểu đã có 2 ngày đi tham quan, khảo sát thực tế một số điểm du lịch tại thành phố Rạch Giá, thị xã Hà Tiên, huyện Kiên Lương và Hòn Đất nhằm đánh giá thực trạng, tiềm năng du lịch biển đảo của Kiên Giang để qua đó làm cơ sở cho việc xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh và các tuyến du lịch giữa các địa phương trong khu vực. Nội dung của hội thảo tập trung vào những vấn đề chính:
- Đánh giá đúng tầm quan trọng của việc liên kết phát triển du lịch giữa các tỉnh trong khu vực ĐBSCL và giữa ĐBSCL với Tp. Hồ Chí Minh. Từ đó liên hệ với thực tế việc liên kết, hợp tác, phát triển giữa các tỉnh, thành phố trong thời gian qua.
- Tăng cường liên doanh, liên kết, khai thác tiềm năng, tạo sản phẩm đặc trưng, chọn lọc và xâu chuỗi lại thành những tour, tuyến chính trong vùng để quảng bá hình ảnh du lịch mỗi địa phương và toàn vùng ĐBSCL.
- Thảo luận, nghiên cứu những kinh nghiệm từ các vùng khác ở trong và ngoài nước, đề xuất các giải pháp thiết thực để vận dụng vào thực tiễn du lịch ĐBSCL. Tạo lập sự gắn kết, cùng phân công trách nhiệm, cùng chia sẻ lợi ích trong khai thác giữa các doanh nghiệp lữ hành, doanh nghiệp vận chuyển, các cơ sở lưu trú và cộng đồng dân cư… để cùng thúc đẩy du lịch giữa đồng bằng với biển đảo.
Tại hội thảo, nhiều ý kiến đóng góp của các đại biểu đã được đưa ra nhằm liên kết du lịch đồng bằng và du lịch biển đảo thành một gói sản phẩm thống nhất, vừa phong phú đa dạng vừa hấp dẫn để chào bán cho các vùng miền khác và du khách quốc tế. Thông qua hội thảo lần này, trên cơ sở chỉ đạo của lãnh đạo ngành Trung ương, ban chỉ đạo Tây Nam Bộ và đóng góp của các đại biểu, ban tổ chức đã ghi nhận và nghiên cứu, đề xuất phương hướng thực hiện hợp tác giữa các cơ quan du lịch, liên kết các doanh nghiệp trong và ngoài khu vực để phát triển sản phẩm du lịch đồng bằng – biển đảo, làm phong phú thêm du lịch từng vùng miền, tạo thêm động lực để du lịch ĐBSCL không chỉ phát triển nhanh mà còn phát triển bền vững.
Thúy Hằng