Lễ hội truyền thống của người Kháng và Xinh Mun ở Sơn La
Cập nhật: 15/04/2007
Sơn La vùng đất tươi đẹp, nằm phía Tây Bắc của Tổ quốc, với số dân hơn 90 vạn người, phân bố không đều trên một diện tích rộng 14.055km² , gồm 12 dân tộc anh em cùng chung sống, đó là các dân tộc: Thái, Mông, Mường, Dao, Tày, Kháng, La Ha, Sinh Mun, Khơ Mú, Lào, Hoa, Kinh.

Đến Sơn La, du khách dễ dàng được chứng kiến cách sống đặc trưng của văn hoá nhà sàn, đắm mình trong những điệu múa nón, múa chuông, múa Cống Tốp, Au eo… và các làn điệu dân ca trữ tình đằm thắm, hoà quyện cùng tiếng đàn tính, đàn môi, khèn bè, Pí thiu, Pí ót… Đêm đêm, bên bếp lửa nhà sàn, trong hương vị rượu cần ngây ngất, sẽ được nghe những bản trường ca, tình ca bất hủ, giàu chất sử thi và thấm đẫm tính nhân văn về quá trình tạo mường lập bản, chống giặc ngoại xâm, về tình yêu quê hương đất nước, tình yêu đôi lứa và đạo lý làm người. Sơn La có rất nhiều lễ hội truyền thống. Xin được giới thiệu 2 trong rất nhiều lễ hội truyền thống đặc sắc của một số dân tộc thiểu số Sơn La.

Lễ hội Xen Pang Ả dân tộc Kháng

Dân tộc Kháng là một trong những dân tộc thiểu số cư trú lâu đời ở miền Tây Bắc Việt Nam. Kinh tế chính của đồng bào là nương rẫy, trồng lúa kết hợp với ngô khoai. Ở một số vùng sống ven sông, đồng bào rất giỏi làm thuyền độc mộc. Đan  lát là một nghề phụ khá nổi tiếng của đồng bào Kháng, họ lấy mây tre trên rừng đan các loại gia cụ như hòm, mâm, ghế ngồi, gùi, giỏ rất đẹp và bền.

Đến nay, đồng bào Kháng vẫn còn duy trì được một số lễ nghi nông nghiệp như lễ Xíp Xí (rằm tháng 7); lễ mừng cơm mới. Tuy nhiên tiêu biểu nhất vẫn là Lễ hội Xen Pang ả, do Pa ả (thầy cúng) tổ chức. Trong các bản của đồng bào dân tộc Kháng thường có một Pa ả chuyên làm việc cúng lễ cho dân bản. Pa ả là người thông minh, thuộc nhiều bài cúng và biết cách chữa bệnh thông thường, biết một số ảo thuật và biết nhiều điều mà người khác không biết. Có thể gọi họ là những trí thức dân gian, họ rất có uy tín, được dân bản tin và làm theo.

Lễ hội Xen Pang Ả được tổ chức với quy mô một vùng rộng lớn, gồm nhiều bản, và cứ 2 hay 3 năm được tổ chức một lần vào khoảng từ tháng 10 tới tháng 12. Lễ hội được tổ chức với mục đích mời các "ma nhà", "ma bản", "ma trời" hưởng lễ vật và những người được Pa Ả chữa cho khỏi bệnh (được coi là con nuôi) đến dâng lễ, tạ ơn, đồng thời để Pa Ả cầu chúc cho hồn vía các con nuôi lành mạnh, không hay ốm đau, làm ăn phát tài. Lễ hội Xen Pang Ả ngoài phần lễ cúng cầu xin, còn là nơi nhân dân diễn lại các công việc nương rẫy, thu hái lâm sản trong đời sống thường nhật, thông qua các trò diễn; chơi các trò chơi dân gian; hát đối đáp giao duyên; múa ống, múa khăn.

Xen Pang Ả là ngày hội lớn, vô cùng có ý nghĩa đối với đồng bào dân tộc Kháng. Đây là dịp để mọi người tạ ơn tổ tiên và các thế lực siêu nhiên đã giúp đỡ cho họ có sức khỏe, bản mường yên bình, no ấm. Đây cũng là dịp để cộng đồng người Kháng vui chơi thư giãn, sau những tháng ngày lao động vất vả, một nắng hai sương. Đặc biệt lễ hội còn là dịp để lớp thanh niên chưa vợ chưa chồng tìm hiểu, hẹn hò nên vợ thành chồng, bởi vậy lễ hội Xen Pang Ả còn có ý nghĩa trong việc tái tạo cộng đồng dân tộc.

Lễ hội Mương A Ma dân tộc Xinh Mun

Ở Sơn La, đồng bào Xinh Mun thường cư trú ở vùng rẻo giữa và rẻo cao, cho nên nền kinh tế chủ yếu dựa vào việc canh tác nương rẫy, trồng lúa ngô, hoa màu và chăn nuôi các loại gia súc, gia cầm.

Cũng như nhiều dân tộc khác, đồng bào Xinh Mun theo quan niệm vạn vật hữu linh, họ tin rằng, các cánh rừng, con suối… đều có thần linh cai quản. Do vậy, họ có nhiều nghi lễ nông nghiệp, trong đó nổi bật là lễ hội Mương A Ma (lễ hội cầu mùa).

Lễ hội Mương A Ma thường từ 3- 5 năm tổ chức một lần. Người đứng ra tổ chức, chủ trì lễ hội là những người làm thầy mo trong bản. Lễ hội diễn ra trong 2 ngày, vào khoảng thời gian từ tháng 12 đến tháng 2 âm lịch, khi mùa màng đã thu hoạch xong và năm đó được mùa, lúa ngô đầy nhà và nuôi được nhiều gà, lợn…Lễ hội Mương A Ma được tổ chức trong phạm vi gia đình, nhưng lực lượng tham gia làm công việc chuẩn bị lễ vật, cỗ bàn và đặc biệt là lực lượng tham gia phần hội thì bao gồm cả bản, từ các ông, bà già, thanh niên nam nữ và cả trẻ nhỏ, mọi người đều tham dự lễ hội với tinh thần tự giác, hăng say và nhiệt tình.

Lễ hội Mương A Ma có phần lễ và phần hội rõ ràng. Phần lễ trang nghiêm, thành kính, thầy mo thay mặt dân bản cúng tế các vị thần linh phù hộ cho mưa thuận gió hòa, để lúa sai bông, để ngô mẩy hạt, để lợn gà trâu bò không bị dịch bệnh, sinh sôi đầy chuồng, để con người khỏe mạnh không bị ốm đau, để bản mường mãi mãi hưng thịnh. Khác với không khí trang nghiêm của phần lễ, ở phần hội, trong tiếng trống, tiếng chiêng rộn ràng, trong sự nồng say của men rượu cần, tinh thần của người dân được thăng hoa, mọi lo toan thường nhật phút chốc tan biến, mọi người thả mình theo những điệu múa, trò chơi dân gian rất vui vẻ, diễn tả hiện thực cuộc sống của cộng đồng dân tộc Xinh Mun, mang tính nghệ thuật và giáo dục cao như múa Tăng bu, To luồng, múa kéo thuyền… chơi "to miếng" (đấu võ), chơi "giắc klsù" (bắt tổ ong)...

Lễ hội Mương A Ma là một nét văn hóa tiêu biểu, đặc sắc nhất của đồng bào dân tộc Xinh Mun, là một hình thức sinh hoạt văn hóa tập thể lành mạnh, góp phần tích cực vào việc vun đắp tình đoàn kết cộng đồng, giáo dục truyền thống uống nước nhớ nguồn, tạo ra bầu không khí vui tươi phấn khởi, hướng người dân theo những cái thiện, xa rời cái xấu.

Có thể nói, lễ hội dân gian truyền thống chính là tiếng nói thể hiện ước muốn vươn tới những điều tốt đẹp của đồng bào các dân tộc Sơn La, góp phần làm phong phú thêm kho tàng văn hóa các dân tộc Việt Nam.
VOV