Nói đến xứ Mường không thể không nhắc đến cồng Mường, vật tượng trưng cho sự phồn thịnh về tinh thần lẫn vật chất. Cồng Mường không khi nào vắng mặt trong các lễ hội dân gian của bốn Mường lớn xưa là: Mường Bi, Mường Vang, Mường Thàng, Mường Động ở Hòa Bình với hội cồng chiêng của những người phụ nữ dân tộc Mường.
Vốn là những người hàng ngày chân lấm tay bùn, nhưng trong ngày hội họ mượt mà trong trang phục truyền thống đồng bộ của dân tộc mình với khăn trắng, áo xanh, váy đen nổi bật giữa không gian linh thiêng của đất trời vào xuân.
Sau những nghi lễ cầu mong mùa màng bội thu, nhân khang, vật thịnh, đến phần hội là các đội cồng chiêng đến từ nhiều bản làng khác nhau tạo nên một dàn hòa âm trầm hùng cùng các trò chơi dân gian khác. Mỗi người phụ nữ có một chiếc cồng, tay này xách quai đeo cồng, tay kia cầm dùi gõ có quấn vải đỏ một đầu, gõ vào núm cồng theo nhịp điệu và tiết tấu của bài.
Cồng chiêng biểu diễn theo hai hình thức là dàn hàng ngang đứng đánh tại chỗ hoặc vừa đánh cồng vừa đi theo vòng tròn.
Lễ hội cũng là dịp người Mường ở Cao Phong trở về với cội nguồn của dàn cồng chiêng Mường Thàng, nơi theo thống kê còn lưu giữ tới 2.969 bộ cồng, chiêng ở 13 xã, thị trấn trong huyện.
Theo những cụ cao niên kể lại, Mường Thàng là nơi có mật độ cồng chiêng rất lớn, nhà nào cũng có ít nhất vài ba chiếc, nhiều nhất là một dàn 12 chiếc. Âm nhạc cồng chiêng có mặt trong nhiều sinh hoạt của cộng đồng Mường và được tổ chức đánh theo bài bản nhất định. Trong khung cảnh mường tiên Tây Bắc, âm hưởng ấy lắng đọng vào tâm trí mỗi người đến khó quên.