Cấm Sơn, cái tên xã vùng cao này tôi đã nghe rất lâu từ hồi học ở trường với bài thơ “Lên Cấm Sơn” của nhà báo, nhà thơ Thôi Hữu viết từ 1948.
Hồ Cấm Sơn (Lục Ngạn, Bắc Giang).
Tôi vẫn còn nhớ và bị ám ảnh những câu thơ mở đầu buồn bã, hiu hắt: “Tôi lên vùng Cấm Sơn/Đi tìm thăm bộ đội/Đây bốn bề núi, núi/Heo hút vắng tăm người/Đèo cao rồi lũng hẹp/Dăm túp lều chơi vơi…”.
Đã 75 năm rồi. Hôm nay theo một đoàn nghệ thuật tôi mới có dịp lên xã Cấm Sơn của huyện vùng núi Lục Ngạn đây. Dẫu biết rằng, Cấm Sơn cũng như bao vùng quê đất nước sau mấy chục năm đổi mới sẽ khác hoàn toàn ngày xưa nhưng quả thật tôi quá kinh ngạc trước một Cấm Sơn hùng vĩ, trù phú, tươi đẹp thế này. Trập trùng núi. Núi gần núi xa xanh biếc một mầu. Trập trùng cây. Cây ăn quả, cây lấy gỗ uốn lượn vòng vèo trải rộng dài theo triền suối triền núi.
“Sắp tới hồ rồi!”. Cô gái dẫn đường khẽ kêu lên. Vượt qua con đường ngoằn ngoèo dốc núi, xe ô-tô dừng lại trước bến - nơi có cầu gỗ bồng bềnh bắc qua hồ. Một dải nước mênh mông bao quanh những quả núi gần xa. Có cảm giác các quả núi rậm rạp cây cối ấy đột ngột từ dưới nước sừng sững nhô lên.
Nước trong vắt xanh thẳm phập phồng, bồng bềnh trong gió. Chiếc thuyền máy chạy vòng vèo lúc giữa hồ lúc men theo chân núi in bóng những hàng cây, những căn nhà ngói đỏ tươi và cả những đàn dê ngơ ngác từ sườn núi lạ lẫm nhìn xuống. Đàn cò trắng bỗng vụt ra từ đâu đó tung cánh chao đi chao lại giữa khoảng không vắng lặng. Đôi ba chiếc thuyền câu nằm im ven bờ để rồi nhè nhẹ trở ra giữa sóng nước. Thật kỳ thú lúc lúc lại gặp những hàng cây ngập nước, vài cô thiếu nữ mặc áo chàm, tiếng nước chảy thì thầm đâu đó và nghe tiếng chim lảnh lót rộn rã không biết từ nơi nào.
Chiếc ca-nô chở chúng tôi đi qua những con thuyền ngược xuôi trong bài ca lanh lảnh vút cao từ chiếc ra đi ô của ai đó: “Thuyền ta ngược, thuyền ta xuôi, giữa dòng nước bạc nhịp chèo ta bơi… Non xanh nước biếc, khoan nhặt mái chèo…”. Nhạc sĩ Phó Đức Phương đã không nén nổi cảm xúc dào dạt viết nên bài ca “Hồ trên núi” khi ông đến nơi này năm 1971. Chúng tôi gặp những nhân chứng để giải đáp câu ca phiếm chỉ của nhạc sĩ: “Ai đắp đập, ai phá núi cho hồ nước đầy là mặt gương soi”. Một trong những nhân chứng ấy là cụ Giáp Trọng Kiên, 93 tuổi, một thời là Huyện ủy viên, Bí thư Đảng ủy xã Ninh Sơn, nay ở xã Sơn Hải cạnh hồ. Dẫu tuổi thượng thọ nhưng cụ rất minh mẫn, khỏe mạnh, kể chuyện vanh vách về lịch sử hồ. Suốt từ năm 1963 đến 1965, hàng vạn dân công khắp nơi đã tới đây đắp đập ngăn núi. Người dân bốn xã đã chuyển đi chỗ khác để tạo lòng hồ. Hồ Cấm Sơn có diện tích 2.600ha, đến mùa mưa lũ nhiều, nước dâng cao sẽ rộng tới 3.000ha. Chiều dài gần 30km, bề ngang rộng nhất 7km, hẹp nhất 200m, nơi sâu nhất 47m. Hồ này là nguồn cung cấp nước tưới chính sản xuất nông nghiệp cho nhiều xã của Lạng Sơn và Bắc Giang.
Thuyền máy chúng tôi lướt trên sóng nước trong âm thanh ngày càng rộn rã của những du khách vừa tới trên các con thuyền ngược xuôi, trong không gian mờ ảo sương khói mùa thu và cả trong bài ca lúc gần lúc xa vừa cất lên.
Đỗ Nhật Minh