Triển lãm sưu tập cổ vật của người Đà Nẵng
Cập nhật: 19/06/2023
Triển lãm chuyên đề “Sưu tập cổ vật của người Đà Nẵng lần thứ 3” do Bảo tàng Đà Nẵng tổ chức đã thu hút nhiều cổ vật có niên đại hàng trăm năm được các nhà sưu tập Đà Nẵng hiến tặng.

Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng Huỳnh Đình Quốc Thiện cho biết, phong trào hiến tặng hiện vật cho Bảo tàng Đà Nẵng được phát động từ năm 2012 và mang lại những hiệu quả thiết thực. Với triển lãm lần này, ông Huỳnh Đình Quốc Thiện nhận định: “Điều đặc biệt có thể nhận thấy trong triển lãm lần này là các cổ vật được trưng bày theo từng nhà sưu tập, thể hiện cá tính riêng của chủ nhân. Thông qua cuộc triển lãm, Ban tổ chức mong muốn khơi dậy tinh thần yêu quê hương đất nước, ý thức giữ gìn, bảo tồn các giá trị truyền thống của văn hóa Việt Nam. Qua đó, nâng cao nhận thức về việc bảo tồn, lưu giữ và phát huy những giá trị di sản thông qua các cổ vật”. 

Nhà sưu tập giới thiệu các cổ vật quý tới công chúng tại Bảo tàng Đà Nẵng

Tập trung tại triển lãm, một số nhà sưu tập tư nhân như Thượng tọa Thích Huệ Vinh, nhà sưu tập Bạch Lộc, nhà sưu tập Phạm Phú Khánh, nhà sưu tập Lê Vũ Bảo, nhà sưu tập Trần Văn Nam, nhà sưu tập Lâm Anh Tuấn, nhà sưu tập Huỳnh Văn Mười, nhà sưu tập Trần Ngọc Đào, ông Lâm Tứ Khoa đã chọn nhiều hiện vật trong bộ sưu tập của mình để hiến tặng cho Bảo tàng Đà Nẵng.

Hơn 50 hiện vật tiêu biểu, được chọn lọc từ bộ sưu tập của của các nhà sưu tập cổ vật đã được trưng bày, thưởng lãm. Các cổ vật bao gồm nhiều loại hình, chất liệu khác nhau, có niên đại từ thế kỷ XV đến thời nhà Nguyễn. Tiêu biểu phải kể đến sự hiến tặng của nhà sưu tập Hồ Anh Tuấn với bộ sưu tập đồ gỗ thời nhà Nguyễn cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20; nhà sưu tập Trương Hoài Tuyên với bộ sưu tập gốm Chu Đậu niên đại từ thế kỷ XVI-XVII; nhà sưu tập Phạm Phú Khánh Bộ với bộ sưu tập gốm sứ Trung quốc thế kỷ 18- 19; nhà sưu tập Lê Phước Quang Bộ với bộ sưu tập đèn dầu cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX; nhà sưu tập Đặng Lê Kim Hoà Bộ với bộ sưu tập tiền cổ.

Hiện nay, thành phố Đà Nẵng có  rất nhiều cá nhân có cùng sở thích, đam mê sưu tầm, nghiên cứu cổ vật, có tâm huyết bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc. Với bản tính chất phác, không thích khoa trương, hình thức của người xứ Quảng, họ đã lặng lẽ sưu tầm, góp nhặt hình thành nhiều bộ sưu tập có giá trị cao về văn hóa, lịch sử. Cũng từ đó, có nhiều chi hội như Chi hội Di sản Văn hóa Sông Hàn, Chi hội cổ vật Đà thành trực thuộc Hội Di sản Văn hóa Đà Nẵng đã thành lập để cùng tập hợp, quy tụ các nhà sưu tập tư nhân lại với nhau. 

Hoạt động của những chi hội không chỉ mở ra sân chơi hợp pháp cho các nhà sưu tập mà còn tổ chức được nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa, góp phần không nhỏ trong việc bảo tồn, tôn vinh giá trị của di sản văn hóa tại địa phương. Có thể nói rằng, các nhà sưu tập tư nhân chính là “cánh tay nối dài” góp phần cùng với ngành văn hóa thành phố gìn giữ di sản quý báu mà cha ông đã để lại. 

Những năm gần đây, công tác xã hội hóa các hoạt động bảo tàng ngày càng thu hút sự quan tâm và tham gia của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn thành phố. Nhiều nguồn tài liệu, hiện vật giá trị được các tổ chức, cá nhân hiến tặng đã làm phong phú cho kho cơ sở của bảo tàng, đem đến cho công chúng những giá trị văn hóa, di sản đa dạng về loại hình, nội dung. Từ đó, bảo tàng Đà Nẵng sẽ lưu giữ, khai thác hiệu quả những hiện vật được hiến tặng. Đồng thời, có kế hoạch trưng bày phù hợp với từng thời điểm, đối tượng để phát huy tối đa giá trị di sản.

Minh Châu

Báo Văn hóa - baovanhoa.vn - Đăng ngày 18/06/2023