Làng nón Gia Thanh thuộc xã Gia Thanh thuộc huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ. Địa danh gắn với di tích khảo cổ Xóm Rền, đã và đang trở thành điểm du lịch hấp dẫn với du khách trong và ngoài nước.
Xóm Rền, thuộc xã Gia Thanh, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ, cách Khu Di tích lịch sử Đền Hùng khoảng 20km. Xóm Rền là địa danh gắn câu chuyện về di cốt người Việt cổ và những di vật đã được tìm thấy. Di chỉ khảo cổ Xóm Rền là một minh chứng về sự tồn tại của một thời kỳ với những giá trị văn hóa - xã hội - lịch sử, một trung tâm chính trị ở giai đoạn đầu thời đại đồng thau, giai đoạn chuẩn bị cho sự hình thành Nhà nước của các Vua Hùng. Công dân Xóm Rền khi ấy không những có kỹ nghệ chế tác đá, làm đồ gốm mà còn có nghề đan lát, dệt vải. Sự hình thành nghề thủ công tại ngôi làng vốn đã có lịch sử và truyền thống lâu đời. Năm 2007 di tích khảo cổ Xóm Rền được Bộ VHTTDL xếp hạnh di tích Quốc gia tại QĐ 12/2007QĐ - BVHTTDL ngày 18/10/2007.
Với địa lý phù hợp, giao thương thuận lợi và sự tài hoa truyền tiếp, lưu giữ nhiều đời, nghề nón lá Gia Thanh gắn bó với cuộc sống người dân nơi đây đem đến một thời trù phú. Cho đến ngày nay những nét văn hóa của Gia Thanh vẫn được giữ gìn qua các thế hệ. Trải qua quá trình hình thành, xây dựng, thay đổi và phát triển hàng nghìn năm, vùng đất xưa kia nay là xã Gia Thanh thuộc huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ mang một diện mạo mới. Với sự kế thừa từ cha ông ngàn năm trước con người Gia Thanh tài hoa, khéo léo vẫn toát lên vẻ cần cù, chịu khó. Nghề làm nón thủ công tại Gia Thanh có lẽ vì thế qua bao nhiêu thăng trầm vẫn lưu truyền và tồn tại đến ngày nay.
Đến làng Rền và dạo quanh làng nghề, du khách sẽ thấy thấp thoáng ở những lũy tre đầu xóm, những gốc cây cổ thụ, hay sân nhà những bà, những mẹ, những chị cùng em miệng cười nói còn tay thoăn thoắt đưa kim. Đó là những hình ảnh quen thuộc của Gia Thanh khi nông nhàn vào trưa hè, hay đêm đông. Người làng Rền vẫn miệt mài chăm chỉ đưa những mũi khâu để hoàn thiện biết bao chiếc nón của mình để tăng thêm thu nhập cho gia đình.
Nguyên liệu lá cọ người dân nhập từ Thanh Hóa hoặc làng Chuông...Để hoàn thiện một chiếc nón trải qua nhiều công đoạn như: tìm chọn nguyên vật liệu, làm vanh, là lá, quay khâu, nức, nhôi, sấy… mỗi công đoạn đề đòi hỏi kinh nghiệm và sự tỉ mỉ.
Một chiếc nón Gia Thanh giá dao động từ 60 nghìn đồng đến 150 nghìn đồng. Nón Gia Thanh nổi tiếng không chỉ ở Phú Thọ mà còn bán buôn, bán lẻ ở các xã lân cận hoặc các tỉnh như Vĩnh Phúc, Yên Bái...
Bà Triệu Thị Nhường trưởng làng nghề nón Gia Thanh chia sẻ: "Trải qua những biến động của thị trường, làng nón Gia Thanh đã đi qua nhiều thăng trầm. Hiện nay, làng nghề chúng tôi còn giữ nguyên được những kĩ thuật của nhiều đời truyền lại. Chúng tôi vừa bảo tồn, vừa truyền dạy cho con cháu cách làm nghề để giữ gìn nét văn hóa này. Nghề nón góp phần không nhỏ trong việc ổn định kinh tế cho nhiều hộ gia đình trong làng. Trong thời gian tới bà con làng nghề mong được các cấp chính quyền quan tâm hơn nữa, đặc biệt hỗ trợ về đầu ra để giá thành được đảm bảo, tạo động lực cho thế hệ trẻ phát triển làng nghề".
Những năm gần đây, làng nghề nón lá Gia Thanh đã trở thành một điểm đến hấp dẫn với du khách trong nước và quốc tế. Việc thực hiện xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch hấp dẫn, du lịch làng nghề gắn với tìm hiểu, trải nghiệm văn hóa địa phương được xác định là một sản phẩm không chỉ thu hút khách du lịch, góp phần nâng cao giá trị kinh tế địa phương mà còn có ý nghĩa gìn giữ, bảo tồn nghề truyền thống và các giá trị văn hóa dân tộc.
Khách quốc tế trải nghiệm du lịch ở làng nghề nón Gia Thanh.
Ông Hồ Văn Quyết - Chủ tịch xã Gia Thanh cho biết : "Phát triển làng nghề là một trong những nhiệm vụ trọng điểm của địa phương. Với những tiềm năng đang có trong thời gian tới địa phương sẽ phối hợp với phòng Nông nghiệp phát triển Nông thôn, Liên minh HTX tỉnh Phú Thọ để phát triển đối với làng nghề nón lá Gia Thanh, phát triển bảo hộ sở hữu trí tuệ nhãn hiệu tập thể nón lá Gia Thanh, xây dựng hồ sơ công bố tiêu chuẩn cho sản phẩm nón lá, hỗ trợ tuyên truyền về nón lá Gia Thanh, thiết kế kệ trưng bày sản phẩm, hỗ trợ truy suất nguồn gốc, hỗ trợ áp dụng hệ thống quản lý chất lượng TCVN ISO 9001: 2015 và phát triển sản phẩm du lịch, dự kiến tháng 10 tham gia OCOP 3,4 sao cấp tỉnh. Để làm tốt công tác bảo tồn văn hóa, trong năm học tới địa phương sẽ đưa làm nón vào chương trình học đối với học sinh trên địa bàn".
Vy Liên