Hiện nay, tỉnh Đồng Tháp có 357 sản phẩm được công nhận sản phẩm thuộc Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đạt 3 sao, 4 sao và 1 sản phẩm đạt 5 sao là hạt sen sấy của Công ty Nam Huy Đồng Tháp; trong đó, tỉnh Đồng Tháp có trên 50 sản phẩm OCOP có nguồn gốc từ sen.
Trưng bày sản phẩm làm từ sen. Ảnh: Nguyễn Văn Trí – TTXVN
Ông Đặng Văn Đông - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu rau quả cho biết, tỉnh Đồng Tháp là địa phương có điều kiện thuận lợi cho cây sen phát triển. Thời gian qua, nhiều mô hình trồng sen mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân với lợi nhuận cao gấp 3 - 4 lần so với trồng lúa. Ngoài ra, Đồng Tháp còn khéo léo gia tăng giá trị cây sen thông qua phát triển các sản phẩm dịch vụ du lịch từ sen và phát triển sản phẩm OCOP. Đến nay, tỉnh có khoảng 50 sản phẩm OCOP có nguồn gốc từ sen.
Ông Đinh Công Phủ – Phó Chủ tịch UBND huyện Tháp Mười cho biết, huyện đang phát huy thế mạnh cây sen kết hợp sản xuất nông nghiệp, phát triển du lịch gắn với cây sen. Huyện có 19 sản phẩm từ cây sen đạt OCOP. Dự án mô hình phát triển sản phẩm OCOP từ sen trên địa bàn huyện Tháp Mười, đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt và đang thực hiện.
Qua đó, sẽ giúp ngành hàng sen phát triển đa dạng, nâng cao chất lượng các sản phẩm từ sen; hình thành các liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm; phát triển các sản phẩm OCOP từ sen kết hợp du lịch sinh thái, ẩm thực sen, xây dựng hình ảnh đặc trưng của huyện Tháp Mười với biểu tượng sen. Huyện Tháp Mười ngày càng đa dạng, việc sản xuất sen hiện nay không chỉ dừng lại ở bán sen tươi, mà chuyển dần sang sơ chế, chế biến để nâng cao giá trị của cây sen, có nhiều sản phẩm đạt chứng nhận OCOP như: Trà hoa sen, trà tim sen, trà lá sen, hạt sen tươi, hạt sen sấy.
Điển hình như Dược sĩ Ngô Khánh Huy, Giám đốc Công ty TNHH Khánh Thu ở thị trấn Mỹ An, huyện Tháp Mười khởi nghiệp thành công với sản phẩm trà lá sen. sản phẩm trà lá sen mang tên Hà Diệp Liên. Bên cạnh sản phẩm trà lá sen đặc trưng, anh Huy còn nghiên cứu, chế biến nhiều sản phẩm khác từ sen như: trà hoa sen, nhang sen, rượu sen, thực phẩm chức năng từ sen.... hàng năm thu lãi hàng trăm triệu đồng.
Hay như sản phẩm OCOP từ sen của Hợp tác xã (HTX) Sen Việt ở thành phố Cao Lãnh, nhiều năm qua đã góp phần đưa cây sen và các sản phẩm từ sen của tỉnh Đồng Tháp gia tăng giá trị. Người dân và thành viên HTX đã bước đầu có thêm nguồn thu nhập ổn định từ cây sen tính ra cao hơn trồng lúa từ 2-3 lần. HTX tập trung vào sản xuất 3 sản phẩm chủ lực như “trà tâm sen Tâm An”, “trà lá sen Thanh An” và sản phẩm bột sữa sen của HTX đã đạt chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh. Hiện những sản phẩm từ sen được tiêu thụ mạnh ở trong nước.
Ông Lê Trung Hải, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y dược Hà Nội cho biết, các sản phẩm sen với nhiều giá trị quý được nghiên cứu chế biến sâu, chiết xuất, bào chế, đánh giá tác dụng, hiện đại hóa sản phẩm, ứng dụng điều trị bệnh và giúp nâng cao chăm sóc sức khoẻ.
Vừa qua, tỉnh Đồng Tháp xác lập kỷ lục thế giới 200 món ăn chế biến từ sen, với mục đích tôn vinh hoa sen, phát huy giá trị văn hóa – kinh tế cho các sản phẩm chế biến từ cây sen Đồng Tháp, thúc đẩy phát triển ngành nông nghiệp trồng sen gắn với phát triển du lịch và tạo dựng hình ảnh địa phương; xây dựng sản phẩm đặc thù đạt OCOP, thu hút du khách đến tham quan du lịch Đồng Tháp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Mục tiêu phát triển ngành hàng sen tỉnh Đồng Tháp phát triển vùng sản xuất nguyên liệu sen tập trung đến năm 2025 với 1.350 ha, sản lượng ước đạt 1.148 tấn, năng suất trung bình đạt 8,5 tấn/ha. Vùng trồng sen Đồng Tháp đạt hiệu quả, chất lượng, an toàn, có giá trị gia tăng cao, đáp ứng nhu cầu thị trường đảm bảo vệ sinh thực phẩm, bền vững, nâng cao chuỗi giá trị cây sen, trở thành đặc sản nổi tiếng ở vùng đất Sen hồng.
Nguyễn Văn Trí