Với mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành mũi nhọn của tỉnh, đón khoảng 2 triệu khách du lịch vào năm 2030, du lịch Lai Châu đang từng bước bứt phá.
Nhắc đến Lai Châu là nhắc đến vùng đất có khung cảnh thiên nhiên hoang sơ tuyệt đẹp với những đỉnh núi “chỉ nghe tên là muốn khám phá”; những hang động, thác nước hùng vĩ; những cánh đồng, đồi chè bát ngát “chỉ cần giơ máy lên là có ảnh đẹp” và là một trong những địa điểm giàu bản sắc văn hoá.
Sức hút khó cưỡng của du lịch Lai Châu
Với du khách đam mê trekking, những đỉnh núi cao nhất Việt Nam như Putaleng, Pu Si Lung, Ki Quan San (Bạch Mộc Lương Tử), Tả Liên Sơn, Pú Đao hay Pờ Ma Lung… trở thành mục tiêu cần chinh phục. Vượt qua hành trình leo núi vất vả trước khi ngự trị đỉnh cao mang đến cảm giác sung sướng, phấn khích tột cùng của các trekker. Khi ấy, mở ra trước mắt họ là cả đất trời mênh mông, là bức tranh thiên nhiên đẹp nao lòng với những cánh rừng nguyên sinh, thác nước, hang động, những thảm thực vật phong phú đa dạng.
Lai Châu là điểm đến yêu thích của dân mê trekking
Văn hóa đặc trưng của cộng đồng các dân tộc cũng đang là thế mạnh riêng, tạo sức hút du khách trong và ngoài nước đến với tỉnh Lai Châu. Lai Châu có 20 dân tộc cùng sinh sống, mỗi dân tộc lại có những đặc trưng văn hóa, phong tục tập quán riêng độc đáo nhiều màu sắc. Các bản du lịch cộng đồng như bản Sin Suối Hồ, bản Vàng Pheo, bản Sì Thâu Chải, bản Hon, bản Lao Chải...trở thành điểm đến thu hút đông đảo khách du lịch.
Lai Châu thường xuyên tổ chức các sự kiện văn hoá du lịch
Bên cạnh đó, Lai Châu cũng thường xuyên tổ chức các sự kiện văn hoá du lịch để tạo điểm nhấn cho du lịch tỉnh nhà. Tuần lễ Văn hoá - Thể thao và Du lịch được tổ chức hàng năm với rất nhiều hoạt động văn hoá nghệ thuật hấp dẫn như Canaval diễu hành đường phố, các trò chơi dân gian, tổ chức không gian ẩm thực truyền thống các dân tộc…
Cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ kết hợp với đời sống văn hóa phong phú và những món ăn độc lạ, đậm hương vị miền núi của đồng bào dân tộc thiểu số là lợi thế riêng biệt để Lai Châu phát triển du lịch, thu hút du khách trong và ngoài nước.
Tạo đà để “cất cánh”
Lai Châu định hướng phát triển du lịch trở thành lĩnh vực quan trọng trong cơ cấu ngành dịch vụ của tỉnh, huy động nguồn lực đầu tư, phát triển các sản phẩm du lịch có thế mạnh: du lịch trekking leo núi, thể thao mạo hiểm, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa của các dân tộc. Đồng thời ưu tiên phát triển sản phẩm du lịch mới như du lịch nghỉ dưỡng, du lịch chăm sóc sức khỏe…
Các bản du lịch cộng đồng thu hút sự hiếu kì của du khách
Trước mắt, Lai Châu tập trung phát triển 5 điểm du lịch cộng đồng, khai thác phát huy bản sắc văn hoá truyền thống tốt đẹp của các dân tộc, bao gồm: Bản Vàng Pheo (xã Mường So, huyện Phong Thổ) gắn với trải nghiệm văn hóa dân tộc Thái; bản Sin Suối Hồ (xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ) gắn với trải nghiệm văn hóa dân tộc Mông; bản Sì Thâu Chải (xã Hồ Thầu, huyện Tam Đường) gắn với trải nghiệm du lịch Dao; bản San Thàng (xã San Thàng, thành phố Lai Châu) gắn với dân tộc Giáy; bản Thẳm (xã Bản Hon, huyện Tam Đường) gắn với dân tộc Lự. Với sự phát triển các điểm bản du lịch nêu trên đã góp phần tạo động lực, sức hút và nhân rộng ra các bản du lịch khác trên địa bàn tỉnh.
Đi liền với đó, tỉnh Lai Châu cũng chú trọng phát triển các loại hình du lịch: Du lịch cộng đồng gắn với phát huy giá trị di tích lịch sử văn hoá, danh lam thắng cảnh; Xây dựng sản phẩm du lịch sinh thái gắn liền với nông nghiệp; Sản phẩm du lịch chợ phiên vùng cao, Sản phẩm du lịch thể thao mạo hiểm…Để du lịch ngày càng thuận tiện và hấp dẫn, tỉnh cũng tập trung phát triển các dịch vụ lưu trú, kinh doanh lữ hành, vận chuyển, ẩm thực, viễn thông, ngân hàng, vui chơi giải trí…
Chợ đêm San Thàng – “đặc sản” Lai Châu
Lai Châu xây dựng các chợ phiên vùng cao như chợ đêm San Thàng, chợ phiên Sìn Hồ, chợ phiên Sin Suối Hồ, chợ phiên Tà Mung… trở thành trung tâm giao lưu văn hoá, trao đổi sản phẩm du lịch, sản phẩm nông nghiệp Tây Bắc, đáp ứng nhu cầu mua sắm nông sản, đồ thủ công mỹ nghệ, quà tặng, đồ lưu niệm, sản vật địa phương.
Trong thời đại công nghệ số phát triển, Lai Châu đang từng bước ứng dụng công nghệ thông tin nhằm thúc đẩy chuyển đổi số gắn với phát triển du lịch, góp phần quảng bá những hình ảnh chân thực, sinh động nhất về các điểm du lịch cộng đồng của tỉnh Lai Châu đến du khách trong nước và quốc tế...
Với những nỗ lực tổng thể, Lai Châu đang trở thành điểm đến an toàn, hấp dẫn của khách du lịch.