Nam Ðịnh là vùng đất phát tích của vương triều Trần, một trong những triều đại hưng thịnh bậc nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 1.655 di tích lịch sử văn hóa, trong đó hơn 200 di tích đã được Nhà nước xếp hạng. Quần thể di tích này mang nhiều giá trị lịch sử, văn hóa và kiến trúc và là nguồn tài nguyên du lịch nhân văn hấp dẫn, thu hút đông du khách.
|
Chùa Cổ Lễ |
Hiện tại, trên địa bàn tỉnh Nam Ðịnh đang lưu giữ một quần thể di tích văn hóa thời nhà Trần khá đa dạng và có sức lôi cuốn với du khách như: Phủ Dày, Chùa Cổ Lễ, Chùa Keo Hành Thiện, Cầu Ngói Chùa Lương, Cột cờ Nam Ðịnh... Bên cạnh đó là các di tích lịch sử văn hóa gắn liền với các danh nhân: Trạng nguyên Nguyễn Hiền, Trạng lường Lương Thế Vinh, Nhà thơ trào phúng Tú Xương, Khu lưu niệm cố Tổng Bí thư Trường Chinh, nhà lưu niệm nhà thơ Nguyễn Bính... Tỉnh còn có hơn 70 làng nghề với các ngành nghề và sản phẩm truyền thống. Nhiều làng nghề nổi tiếng như: làng nghề chạm, khảm gỗ La Xuyên, sơn mài Cát Ðằng, đúc đồng Tống Xá (huyện Ý Yên), mây tre đan Vĩnh Hào (huyện Vụ Bản), dệt Cự Trữ, ươm tơ Cổ Chất (huyện Trực Ninh), trồng hoa cây cảnh Vị Khê (huyện Nam Trực)...
|
Lễ hội Phủ Dày |
Ngoài những di sản văn hóa vật thể, Nam Ðịnh còn có vốn văn hóa truyền thống, tín ngưỡng, lễ hội khá phong phú mang đậm bản sắc nền văn minh lúa nước sông Hồng, là nền tảng cho việc hình thành những sản phẩm du lịch văn hóa phi vật thể, với khoảng 100 lễ hội truyền thống được tổ chức hằng năm tại các địa phương, trong đó có 58 lễ hội xuân và 42 lễ hội tổ chức vào dịp thu, đông. Việc tổ chức tốt các lễ hội có quy mô về không gian về thời gian như: Lễ hội Phủ Dày, Lễ hội Ðền Trần, Lễ Khai ấn đầu năm, Hội chợ Viềng mùa xuân... tạo cơ hội thuận lợi cho các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành khai thác phục vụ khách du lịch. Những hoạt động văn hóa truyền thống như: biểu diễn rối nước, hát văn, đi cà kheo, bơi trải, thi bắt vịt, cọ lửa, thổi cơm thi... được tổ chức trong các dịp lễ hội luôn được các nhà lữ hành đặc biệt quan tâm vì tính độc đáo, đặc trưng riêng có của vùng quê Nam Ðịnh, bởi đó chính là những sản phẩm du lịch văn hóa được khách du lịch quốc tế ưa thích nhất.
Trong kho tàng đồ sộ giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể tạo nên nguồn tài nguyên du lịch nhân văn của tỉnh Nam Ðịnh thì giá trị văn hóa lịch sử truyền thống thời nhà Trần đã tạo cho mảnh đất này tiềm năng phát triển loại hình du lịch văn hóa tâm linh vô cùng phong phú. Từng là nơi gia tộc nhà Trần chọn làm nơi cư trú, dấy nghiệp với làng Tức Mặc nổi tiếng là ngôi làng chỉ có một họ Trần, quê hương của các vua Trần, trên mảnh đất Nam Ðịnh đâu đâu cũng mang đậm dấu ấn văn hóa của triều đại này.
|
Đền Trần |
Ngoài quần thể di tích văn hóa nhà Trần tập trung tại khu vực thành phố Nam Ðịnh và huyện Mỹ Lộc còn có hàng trăm di tích gồm đền, phủ, chùa miếu, lăng với các kiểu dáng kiến trúc đa dạng có liên quan đến tục thờ Ðức thánh Trần và các vua quan, hoàng thân quốc thích nhà Trần. Một số di tích tiêu biểu của văn hóa thời nhà Trần tại Nam Ðịnh có khả năng khai thác, phát huy giá trị phục vụ phát triển du lịch, trước hết phải kể đến Khu di tích lịch sử văn hóa triều Trần trải rộng trên phạm vi các phường Lộc Vượng, Lộc Hạ (thành phố Nam Ðịnh) và một số xã Mỹ Thành, Mỹ Phúc, Mỹ Trung của huyện Mỹ Lộc bao gồm 45 di tích gắn với lịch sử vương Triều Trần. Các di tích: Ðền Trần, Chùa Tháp, Ðền Bảo Lộc, Ðền Cao Ðài... có giá trị về lịch sử, văn hóa và nghệ thuật kiến trúc, đã được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử văn hóa. Tại đây còn lưu giữ và trưng bày nhiều hiện vật lịch sử về cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông của quân dân Ðại Việt thế kỷ 13. Xưa kia, nơi đây vốn là hành cung Thiên Trường từng được ví như kinh đô thứ hai thời Trần với các cung điện Trùng Quang, Trùng Hoa (nơi dành cho các Thái Thượng Hoàng và các Vua đương triều ngự), cung Ðệ Nhất, Ðệ Nhị, Ðệ Tam, Ðệ Tứ (dành cho các Thái Hoàng thái hậu, các phi tần tôn nữ ở).
Về với quần thể di tích văn hóa nhà Trần, du khách không những được tham quan chiêm ngưỡng các công trình kiến trúc, các hiện vật có giá trị lịch sử văn hóa mang đậm dấu ấn của một triều đại hưng thịnh trong lịch sử phong kiến Việt Nam mà còn được hòa mình trong không khí lễ hội, tái hiện quá khứ hào hùng và hào khí Ðông A. Những năm qua, thực hiện chủ trương của Ðảng và Nhà nước về việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc, từng bước nâng cao đời sống vật chất tinh thần của nhân dân, nhiều di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn Nam Ðịnh đã được trùng tu, tôn tạo. Nhiều lễ hội truyền thống gắn liền với các nghi lễ tín ngưỡng tâm linh, các hoạt động văn hóa thể thao dân gian được khôi phục và tổ chức dần đi vào nền nếp, thu hút ngày càng đông các tầng lớp nhân dân và du khách trong nước và ngoài nước đến với các địa chỉ du lịch văn hóa của tỉnh. Trong tổng số hơn một triệu lượt khách mỗi năm đến các điểm tham quan du lịch của tỉnh thì lượng người đến với các khu điểm du lịch văn hóa, tham dự các lễ hội chiếm tới hai phần ba, nhất là vào dịp hội chợ Viềng mùa xuân hay Lễ Khai ấn đầu năm tổ chức vào ngày mồng 8 và 14 tháng Giêng.
Ngoài việc trùng tu di tích, ngành du lịch còn thực hiện việc đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, tôn tạo cảnh quan môi trường; nhằm làm tăng tính hấp dẫn của sản phẩm du lịch văn hóa; tổ chức cho các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành nội địa và quốc tế khảo sát các tuyến du lịch kết nối các điểm tham quan du lịch văn hóa với các khu, điểm du lịch tự nhiên, du lịch sinh thái của tỉnh. Trên hành trình đến với các khu du lịch biển Thịnh Long (Quất Lâm) hay khu du lịch sinh thái Vườn quốc gia Xuân Thùy, du khách có thể ghé thăm các di tích lịch sử văn hóa nhà thờ, tham quan các làng nghề truyền thống, làm phong phú thêm chương trình tham quan của du khách.
Tỉnh Nam Ðịnh cũng đang tiếp tục đầu tư nâng cấp chất lượng các sản phẩm du lịch văn hóa vật thể và phi vật thể thông qua việc trùng tu tôn tạo các di tích, cải tạo nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng, tăng cường công tác quản lý, tổ chức các lễ hội, các hoạt động văn hóa thể thao dân gian. Dự án đầu tư phát huy khai thác giá trị văn hóa nhà Trần cũng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2005 trên phạm vi gần 1.000ha với tổng mức vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng đang được triển khai xây dựng. Các lễ hội trong đó có Lễ hội Ðền Trần và đặc biệt là Lễ Khai ấn đầu xuân hằng năm đã và đang được ngành văn hóa, thể thao và du lịch cùng chính quyền, các tổ chức đoàn thể xã hội địa phương tổ chức, đang đi vào nền nếp nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu tham quan du lịch và đời sống tâm linh của các tầng lớp nhân dân và du khách.
Ðể khai thác và phát huy có hiệu quả hơn nữa những giá trị văn hóa hướng tới mục tiêu phát triển du lịch trong không gian vùng đồng bằng sông Hồng, việc kết nối hệ thống các di tích nhà Trần tại Nam Ðịnh trong mối liên hệ với các địa danh thuộc các tỉnh Thái Bình, Ninh Bình, Hà Nam, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thủ đô Hà Nội... đã đang và cần phải được triển khai một cách khoa học thông qua việc xây dựng quy hoạch tổng thể, các kế hoạch, chương trình phát triển các khu, tuyến điểm du lịch mang tính chuyên đề, thực hiện hợp tác tổ chức các sự kiện du lịch văn hóa cấp vùng với chủ đề liên quan đến vương Triều Trần, tuyên truyền quảng bá cho sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng không chỉ của mỗi địa phương mà của cả vùng.