Khi mấy cây dừa được đốn hạ, phần tù (có nơi gọi là củ) hủ dừa mẹ tôi chia cho hàng xóm mỗi nhà một ít ăn lấy thảo. Tù hủ dừa có thể ăn sống, trộn gỏi, nấu canh, xào với tôm, thịt, hoặc sử dụng trong các món kho, hầm và làm nhân bánh xèo.
Mẹ tôi cắt tù hủ dừa thành từng miếng như con cờ, cho thịt gà đã ướp vào nồi nấu với xâm xấp nước dừa. Sau khi thịt gần chín, mẹ đổ thêm nước dừa và cho tiếp tù hủ dừa vào nấu chung. Khi nước trong nồi rút cạn, nêm ít gia vị. Chúng tôi tha hồ thưởng thức từng lát hủ dừa, đảm bảo thịt gà ngon tám, thì lát hủ dừa ngon mười.
Ngày xưa anh em chúng tôi được thưởng thức món gỏi tù hủ dừa là “nhờ” mấy cây dừa già èo uột bị cơn bão dữ làm ngã. Cha thấy chúng tôi háo hức thích ăn món này nên đã bỏ công một buổi để “xẻ thịt” đọt dừa. Mẹ tôi lấy một lon tép khô, rửa sạch, để ráo. Tiếp đến mẹ khử dầu phụng với vài tép tỏi đập dập, khi dầu và tỏi đã dậy mùi thơm, bỏ tép vào khuấy đều, nêm nước mắm, gia vị…
Sau đó đổ tù hủ dừa đã xắt nhỏ vào soong, đảo nhiều lần cho đều, rải đậu phụng rang, rau thơm, ớt xiêm, nước cốt chanh vào. Món gỏi này ăn vừa giòn vừa thơm, mát ngọt, dùng bánh tráng nướng vàng ươm để xúc, nghe thấm đậm hương vị hoa đồng cỏ nội.
Sau này, đời sống người dân quê ngày càng khá lên, gỏi tù hủ dừa không chỉ gói gọn vào “tép sông tép suối” mà cả những nguyên liệu khác như tôm, thịt, mực sữa…
Tiên Sa