Theo tục lệ của người Tà Ôi, trong các lễ cưới hỏi truyền thống, người con gái sẽ phải mang theo chiếu sính lễ (chiếu Âmber) để thể hiện tình yêu thương đối với nhà trai. Tùy theo điều kiện kinh tế mà đàng gái có thể đem một hoặc càng nhiều chiếu càng tốt. Phong tục này vẫn được lưu truyền, bởi thế, nghề đan chiếu Âmber vẫn còn lưu giữ cho đến ngày nay…
Để chiếc chiếu được đều và đẹp cần có sự kiên trì, tỉ mỉ và óc sáng tạo
Giữ nghề truyền thống
Tôi tìm đến làng A Sáp, xã Hồng Thượng, huyện A Lưới, nơi được coi là cội nguồn của những chiếc chiếu Âmber. Gọi nơi đây là nguồn cội bởi theo những người già trong làng, từ xa xưa, cứ hễ là con gái Tà Ôi thì ai cũng biết đan loại chiếu sính lễ này để đem về nhà chồng trong những dịp cưới xin. Từ đó, đan chiếu cũng trở thành nghề, tuy không đem lại giá trị kinh tế cao nhưng cũng giúp người Tà Ôi kiếm thêm thu nhập, nuôi con cái ăn học thành người. Trải qua biết bao thế hệ, nghề đan chiếu vẫn được lưu giữ đến tận bây giờ.
Nguyên liệu chính làm nên chiếc chiếu Âmber là lá a’anh chác (hay còn gọi là lá dứa dại). Loại cây này trước đây mọc rất nhiều ở những cánh rừng xã Hồng Thái. Chúng thường mọc ven khu vực đầm lầy hoặc sỏi đá. Đặc điểm dễ nhận biết là chúng có nhiều gai sắc nhọn. Nếu hái không cẩn thận sẽ dễ bị cứa vào tay, chân gây xước và chảy máu.
Theo lời kể của cụ bà Kăn Hoan, 80 tuổi, xã Hồng Thượng: “Trước đây, con trai mẹ chỉ mất một giờ đi bộ vào rừng là đã hái được lá a’anh chác. Nhưng ngày nay, loại lá này ngày càng trở nên khan hiếm bởi rất nhiều người đến tìm hái khiến cây không kịp mọc. Có khi đi cả ngày mà chẳng thể nào kiếm được, phải đi chục ngày trời thì may ra mới có”. Bởi thế, nhiều người thường phải đi tìm lá vào mùa hè để tích trữ quanh năm. “Nếu tìm được nơi a’anh chác mọc nhiều, có thể mang về cả mấy bó lớn. May mắn kiếm được lá dài từ 2-3m thì chiếu đan ra sẽ rất đều và đẹp”, bà Hoan kể thêm.
Khó khăn là thế nhưng ngày ngày, bà Kăn Hoan dù tuổi đã cao nhưng vẫn miệt mài, tỉ mẩn ngồi đan từng sợi chiếu. “Lỡ nhận đơn hàng người ta đặt, phải đan chứ! Vừa kiếm thêm được ít đồng mà vừa vui vì giữ được nghề truyền thống…”.
Mỗi tấm chiếu Âmber tùy theo yêu cầu của người đặt, tùy kích cỡ (rộng từ 1,2 – 1,6m; dài 2m), cũng như tùy theo độ hiếm của lá a’anh chác mà có giá dao động từ 700.000 đồng đến 2 triệu đồng/chiếc. Ngoài đan chiếu, lá a’anh chác còn được sử dụng để đan gối với ruột hoặc một số sản phẩm lưu niệm theo yêu cầu của khách hàng. Theo một số nghệ nhân cho biết, đồng bào Tà Ôi đang tìm cách đưa cây a’anh chác từ rừng sâu về trồng gần khu dân cư để dễ dàng thu hoạch, thuận tiện hơn trong việc đan chiếu.
Để không thất truyền
Hơn 60 năm theo nghề và giữ nghề, cụ bà Kăn Hoan cho biết, bà đã truyền nghề cho hàng chục cô gái Tà Ôi trong làng. Hễ ai muốn học, bà đều nhiệt tình chỉ dạy. Từ công đoạn phơi lá, tước lá đến cách đan... Chỉ mong ai cũng có cái nghề để ổn định cuộc sống. Tuy vậy, rất ít ai học nghề mà gắn bó với nghề lâu dài. Có người thì học được vài tuần là bỏ, có người đã biết đan, đan được vài ba tháng phải bỏ vì không kiên trì được.
Năm 16 tuổi theo mẹ học đan chiếu. Đến nay, bà Hoan đã đan được hàng trăm chiếc chiếu lớn bé với nhiều họa tiết khác nhau. “Nghề này không đòi hỏi sự cầu kỳ nhưng phải thật tỉ mỉ, khéo léo và kiên nhẫn thì mới cho ra sản phẩm đều và đẹp. Ấy vậy mà giá bán một chiếc chiếu cũng chỉ ở mức trung bình. Vì vậy mà người trẻ ngày nay ít ai theo nghề”, bà Hoan cho hay.
Từng được cụ Hoan truyền nghề, bà Viên Thị Thanh Loan, 44 tuổi cho biết: “Khó khăn nhất là giai đoạn mới tập đan. Chỉ cần lơ đễnh là đan nhầm ngay nên phải tháo đi tháo lại để chỉnh sửa”. Để hoàn tất một chiếc chiếu phải mất cả tuần, có khi cả nửa tháng mới xong. Khi đã thành thạo, chỉ cần 3 đến 4 ngày là hoàn thiện một chiếc chiếu. Khi đơn đặt hàng nhiều, bà Loan đan chiếu từ sáng tới tận chiều. “Nhiều khi đan say mê mà quên cả ăn cơm”, bà Loan cười nói.
Nói về nỗi lo thất truyền, bà Loan chia sẻ: “Để tìm được một người trẻ theo nghề là rất khó bởi bây giờ, xã hội ngày càng phát triển, có rất nhiều nghề để các cháu lựa chọn. Hơn nữa, để có được những họa tiết độc đáo, riêng biệt trên chiếc chiếu, ngoài khéo léo, kiên trì thì phải có thêm sự sáng tạo nên chẳng mấy ai thiết tha với nghề là vậy”.
Nghề đan chiếu Âmber (ân chacq, a lơhq), là nghề truyền thống đã có từ lâu đời, được đồng bào các dân tộc thiểu số huyện A Lưới lưu giữ và trao truyền lại cho thế hệ trẻ. Hiện nay, trên toàn huyện có nhiều hộ gia đình, nghệ nhân thực hành đan chiếu. Tuy nhiên, nguồn nguyên liệu gặp nhiều khó khăn vì phụ thuộc hoàn toàn từ tự nhiên nên hạn chế về số lượng sản phẩm.
Theo bà Lê Thị Thêm, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện A Lưới, để bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa tiêu biểu, huyện đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/HU, ngày 8 tháng 10 năm 2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện (Khóa XII) về “Bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số huyện A Lưới giai đoạn 2021-2025 tầm nhìn đến năm 2030”; Đề án số 08/ĐA-UBND, ngày 8/7/2021 của UBND huyện về “Bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số huyện A Lưới giai đoạn 2021- 2025 tầm nhìn đến năm 2030”.
Hiện nay, nghề đan chiếu Âmber đang từng bước trở thành một sản phẩm du lịch đặc sắc mang nét văn hóa đặc trưng của vùng đất và con người A Lưới. Tại các làng du lịch cộng đồng trên địa bàn huyện nghề đan chiếu được đưa vào khai thác, thu hút đông đảo du khách đến trải nghiệm, nghiên cứu văn hóa…
Bài, ảnh: Châu Thái