Đối với mâm cỗ tết, bên cạnh các loại bánh quen thuộc như: bánh chưng, bánh tét, bánh tro, bánh ú, bánh ít..., một số vùng quê ở Tiên Phước hiện còn giữ tục làm một loại bánh rất độc đáo: bánh gừng.
Bánh gừng truyền thống ở Tiên Phước.
Nói đến bánh gừng, nhiều người nhầm tưởng đây là loại bánh quen thuộc của người Chăm hay xa hơn, là loại bánh gừng đậm chất truyền thống gắn liền với tên vị tu sĩ Gregory của xứ Armenia từ thế kỷ 10. Bánh gừng xứ Tiên có cách làm và hình thức, hương vị đặc biệt.
Bánh gừng ở Tiên Phước cũng được làm từ gạo nếp. Chọn loại nếp hương, còn nguyên hạt. Ngâm nếp 3 ngày với 3 lát củ ráy trắng già đã gọt sạch vỏ, mỗi ngày vuốt nếp và xả nước một lần. Sau đó vớt nếp ra, xay thành bột thật mịn.
Lấy nước củ riềng hòa với rượu trắng theo tỷ lệ 1:1, trộn đều với bột nếp thành hỗn hợp dẻo như bột bánh ít, để nguyên khối bột đó trong khoảng 10 giờ.
Tiếp theo, chia khối bột ra nhiều phần để hấp cách thủy cho chín. Cho bột vào cối quết nhuyễn đến mức cả bột và cối có thể xách lên theo chày. Thao tác quết bột thủ công khá vất vả, đòi hỏi người quết phải thật khỏe.
Sau đó, cán bột thành từng miếng thật mỏng khoảng 2 - 3mm, phơi cho khô giòn. Đem bột đó vào, dùng kéo cắt thành từng thanh nhỏ, mảnh với bề rộng 1,5cm, dài 15 - 20cm theo hình bình hành. Cho tất cả miếng bột đã cắt vào giữa 2 lá ráy to, hoặc thúng lá sầu đông, ủ kín cho chúng dịu mềm lại.
Quan trọng nhất là công đoạn nướng bánh. Bắc nồi đất lên bếp, trong có nhiều hạt sạn vừa và nhỏ thật nóng. Mỗi lần nướng bánh, sắp vào nồi trên lớp sạn khoảng 10 - 15 miếng bột gác chéo và tiếp giáp nhau.
Độ lớn và hình dáng, vẻ đẹp của bánh tùy thuộc vào số lượng thanh bột và kỹ thuật xếp hình, nướng bánh. Bánh nở chừng nào, rưới sạn nóng lên chừng đó cho đến khi chín, độ 30 giây. Để lâu, bánh sẽ cháy, nên cần phải tập trung cao độ khi nướng. Bánh ngon, đẹp là bánh mịn, phồng xốp, thơm, có hình dạng như củ gừng...
Cuối cùng, thắng đường cát trắng đến nước và rang nếp, làm nổ cho hạt đều, đẹp. Dùng cọng chuối tươi đập dập phết nước đường khắp kiểu bánh, chấm nổ. Ngoài ra, các nghệ nhân còn tô hồng ở đầu các nhánh bánh cho giống củ gừng non bằng màu chiết từ lá cẩm.
Để bảo quản bánh nguyên độ giòn xốp và hương thơm dịu nhẹ, người ta sấy khô rồi để trong hộp kín hoặc bao giấy bóng trắng. Cảm giác hồi hộp thích thú khi nướng bánh và thưởng thức vẻ đẹp của bánh gừng khi thành phẩm, chỉ có người trong cuộc mới thấm thía.
Chị Trần Truy, người có tay nghề làm bánh gừng lâu năm ở làng An Sơn (xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước) cho biết: “Làm được quả bánh gừng vừa đẹp vừa ngon không hề đơn giản. Nó đòi hỏi sự kiên trì, chỉn chu, tỉ mỉ và khéo léo ở từng công đoạn. Chính vì thế mà nhiều người ngại học nghề. Tôi sẵn sàng hỗ trợ đào tạo thợ làm bánh với mong ước lưu giữ nghề và món bánh gừng truyền thống”.
Bánh gừng ở xứ Tiên thường được dùng làm lễ vật cho các cô dâu về nhà chồng trong ngày cưới và là món không thể thiếu trong mâm cỗ cúng tổ tiên ngày tết ở nhiều gia đình còn giữ nếp xưa. Loại bánh này tượng trưng cho sự may mắn, niềm hân hoan và khát vọng hạnh phúc.
Bánh gừng xứ Tiên mang vẻ đẹp riêng, vừa ngọt dịu, vừa thơm. Nó là thành quả của sự khéo léo, kỳ công và xúc cảm thăng hoa từ những người nông dân chân chất. Tết cổ truyền, trong mâm cỗ truyền thống, món bánh này góp phần làm đậm đà thêm hương vị ngày xuân.
Nguyễn Thị Diệu Hiền