Bạc Liêu không chỉ được biết đến là quê hương bản Dạ cổ hoài lang của nhạc sĩ Cao Văn Lầu, nơi đây còn để lại ấn tượng cho du khách bởi vẻ đẹp lộng lẫy của chùa Xiêm Cán - ngôi chùa Khmer 137 tuổi. Đặc biệt kể từ khi chùa Xiêm Cán được công nhận là “Điểm du lịch tiêu biểu ĐBSCL” (năm 2022), đã tạo thuận lợi để phát triển du lịch cộng đồng, dựa trên kiến trúc nghệ thuật độc đáo của ngôi chùa cùng những giá trị văn hóa bản địa đặc sắc.
Kiến trúc độc đáo và sự lộng lẫy, uy nghi của ngôi chùa Xiêm Cán
Nét đẹp văn hóa trong đời sống tâm linh của đồng bào Khmer
Chùa Xiêm Cán cách trung tâm thành phố Bạc Liêu khoảng 7km về hướng Đông, tại ấp Biển Đông B, xã Vĩnh Thạnh Đông. Ngay từ đằng xa, hình ảnh chùa đã hiện ra trong mắt du khách với màu vàng nổi bật. Bao quanh chùa là hàng rào xây kiên cố với nhiều hoa văn ấn tượng. Trong khuôn viên có rất nhiều cây xanh cao to được trồng ngay hàng thẳng lối.
Dựa theo ghi chép trên bia đá được tạc bằng chữ Khmer cổ ở hai mặt trước và sau đặt bên phải chính điện, thì chùa được khởi công xây dựng năm 1887. Tuy không phải là ngôi chùa Khmer cổ nhất khu vực này, nhưng chùa Xiêm Cán luôn là điểm dừng chân của du khách khi đặt chân đến thành phố Bạc Liêu.
Theo lời của các vị cao niên, sau khi đồng bào Khmer đến đây sinh sống, với khoảng 40 gia đình, lúc đó theo truyền thống tôn sư trọng đạo, người Khmer ở nơi đâu cũng muốn xây dựng ngôi chùa cho cộng đồng mình, thế rồi các vị đi sâu theo đường sông, tới mé biển thì chọn được vị trí phù hợp. Các gia đình người Khmer cùng góp sức, hằng ngày khai phá để lấy cây, đất xây cất chùa…
Cổng vào chùa
Sau hơn hai tháng thi công và hoàn thành, bà con trong phum sóc họp bàn rồi đến mời Pháp sư Thạch Mau (1829-1909); một người am hiểu kinh kệ, tinh thông Phật pháp về làm trụ trì chùa. Pháp sư Thạch Mau trở thành vị trụ trì đầu tiên của chùa Xiêm Cán. Đến nay, ngôi chùa Khmer này đã có 8 đời trụ trì, Thượng tọa Dương Quân là trụ trì đương nhiệm. Chùa cũng đã tiến hành khoảng 3 lần tu bổ lớn, lần đầu tiên sau 16 năm xây dựng thì có một trận bão làm chùa bị sụp đi, lần thứ hai vào năm 1994 và lần gần đây vào 1975.
Chùa Xiêm Cán nói riêng và tất cả các ngôi chùa thuộc hệ thống chùa Khmer Nam Bộ nói chung mang đậm dấu ấn kiến trúc Angkor Khmer – Campuchia. Tuy nhiên, so với những ngôi chùa khác trong cùng hệ thống thì chùa Xiêm Cán có phần nổi trội hơn về quy mô lẫn phong cách nghệ thuật. Chùa là một tổng thể kiến trúc gồm nhiều hạng mục như: tường thành bao quanh, cổng tam quan, chính điện, sala, tháp chuông, cột trụ biểu, khu mộ tháp, nơi nghỉ ngơi của các sư, giảng đường… Tất cả các hạng mục đều thể hiện rõ phong cách Angkor Khmer truyền thống và đều quay về hướng Đông.
Không chỉ là công trình nổi tiếng với phong cách nghệ thuật lẫn kiến trúc độc đáo, chùa Xiêm Cán còn được biết đến là nơi lưu giữ và hình thành nhiều nét đẹp văn hóa trong đời sống tâm linh của đồng bào Khmer. Chùa còn lưu giữ bộ sách Khmer cổ được viết trên lá cây dày đến 70 trang hay giảng đường cổ với những quyển truyện kể dân gian cũ từ thời xưa.
Trình diễn các điệu múa dân gian Khmer tại chùa Xiêm Cán
Cơ hội phát triển du lịch gắn với văn hóa cộng đồng
Theo chuyên gia ngành du lịch, sự kiện công nhận chùa Xiêm Cán là “Điểm du lịch tiêu biểu ĐBSCL” không chỉ làm phong phú thêm sắc màu văn hóa - du lịch của địa phương mà còn tạo động lực, gợi mở cho tỉnh nhiều góc độ khai thác cũng như liên kết sản phẩm này với các điểm trên cùng cung đường. Ngoài chiêm ngưỡng các công trình kiến trúc, tỉnh còn có thể nghiên cứu xây dựng không gian mở để du khách trải nghiệm điệu múa Romvong, cách làm món bánh gừng hay chơi các trò chơi dân gian cùng với đồng bào Khmer. Làm được điều này sẽ giúp chùa tương xứng là điểm du lịch tiêu biểu cấp vùng, cũng như bổ sung cho tỉnh một sản phẩm du lịch cộng đồng thật sự hấp dẫn.
Thượng tọa Dương Quân cho biết, chùa Xiêm Cán có ảnh hướng rất lớn đến tinh thần, đời sống văn hóa và kinh tế của đồng bào dân tộc Khmer. Chùa không chỉ là các nơi để các sư tu học đạo đức, mà còn là Trung tâm văn hóa của đồng bào dân tộc Khmer, cho nên tỉnh Bạc Liêu cũng đã công nhận chùa Xiêm Cán là Di tích văn hóa - lịch sử cấp tỉnh vào năm 2001.
Biểu diễn nhạc ngũ âm trong khuôn viên chùa
“Tất cả những gì đạt được ngày hôm nay là nhờ sự đoàn kết, cùng nhau vun đắp của ba dân tộc Kinh, Khmer và Hoa. Tôi sẽ cùng với đồng bào Phật tử nơi đây gìn giữ và phát triển hơn nữa để xứng đáng là di tích và nơi được công nhận điểm du lịch tiêu biểu của vùng.
Trong kế hoạch sắp tới, chúng tôi sẽ bố trí thêm cây cảnh, trồng nhiều hoa cảnh tạo khuôn viên đẹp hơn. Bên cạnh đó, chùa sẽ vận động Phật tử, đồng bào vệ sinh môi trường cho thật tốt để làm gương mẫu cho dân chúng, đồng bào nơi đây. Đặc biệt, để bảo tồn văn hóa - nghệ thuật Khmer, chùa đã phát triển nhiều mô hình về ca múa cổ điển để trình diễn trong những lễ hội của đồng bào… Chúng tôi cũng mong muốn các đơn vị du lịch xây dựng tour du lịch không chỉ đến Bạc Liêu mà còn nối liền các tỉnh trong khu vực, có kế hoạch phát triển du lịch gắn liền với văn hóa bản địa”, Thượng tọa Dương Quân bày tỏ.
Theo Giám đốc Sở VHTTTTDL tỉnh Bạc Liêu Trần Thị Lan Phương, tỉnh sẽ tiếp tục tuyên truyền giúp người dân nâng cao nhận thức, tư duy về phát triển du lịch cộng đồng gắn với phát huy các giá trị văn hóa Khmer. Bên cạnh đó, khuyến khích sự tham gia của cộng đồng địa phương vào các hoạt động đầu tư để tạo ra các sản phẩm, dịch vụ chất lượng; kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp đầu tư cơ sở hạ tầng dẫn đến các điểm du lịch lân cận nhằm tạo sự liên kết, bổ trợ cho sản phẩm du lịch cộng đồng chùa Xiêm Cán…
Thùy Trang