Năm 2023 du lịch Thanh Hóa có sự bứt tốc mạnh mẽ khi đón trên 12,4 triệu lượt khách, tổng thu du lịch ước đạt hơn 24.500 tỷ đồng. Đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ đón khoảng 16 triệu lượt khách và du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Thanh Hóa xác định liên kết với các địa phương là yếu tố quan trọng, quyết định thành công trong phát triển du lịch.
Đầu năm 2024, Hội Du lịch Lữ hành thành phố Thanh Hóa phối hợp với các hội lữ hành các tỉnh, thành phố trong nước tổ chức khảo sát một số địa điểm du lịch đang hút khách tại Thanh Hóa trong thời gian gần đây. Qua việc khảo sát này, các doanh nghiệp du lịch ở địa phương khác có dịp tìm hiểu và biết thêm về sự đa dạng trong các loại hình du lịch ở Thanh Hóa, từ đó có cái nhìn tổng thể và cùng nhau liên kết phát triển du lịch.
Tham gia đoàn khảo sát, ông Tạ Khắc Uyên - Giám đốc công ty Du lịch Nghệ An, Chủ tịch Hội Lữ hành tỉnh Nghệ An cho biết: "Để phát triển du lịch trong 4 mùa, ngoài việc tạo cơ sở vật chất, các sản phẩm du lịch thì các doanh nghiệp, chính quyền phải phối hợp đồng bộ, quảng bá xúc tiến đưa sản phẩm của mình đến mọi miền của Tổ quốc chứ không chỉ là Thanh Hóa và Nghệ An".
Thời gian qua, cùng với đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá du lịch; đầu tư hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật và cơ sở vật chất du lịch; đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực... thì việc kết nối các điểm đến, các thị trường khách được tỉnh Thanh Hóa chú trọng. Bởi, việc liên kết giữa các tỉnh, thành không chỉ giúp quảng bá và thu hút khách; mà còn là cơ hội để tham vấn, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm phát triển du lịch, đặc biệt là các địa phương trọng điểm của du lịch Việt Nam, như Quảng Ninh, Ninh Bình, Đà Nẵng, Quảng Nam hay TP.HCM.
Khu di tích Lam Kinh - một trong những điểm đến hấp dẫn du khách tại Thanh Hoá
Ông Phan Tiến Hải - Phó chủ tịch Hội Du lịch Lữ hành TP.Thanh Hóa cho biết: "Hội lữ hành thành phố thường xuyên tổ chức các cuộc gặp mặt với các hội lữ hành trên toàn quốc để trao đổi, ký kết chương trình phối hợp song phương và đa phương. Cùng với đó còn có các đoàn khách trải nghiệm dịch vụ để quảng bá, tuyên truyền trên mạng xã hội, giới thiệu điểm đến, mời khách du lịch, doanh nghiệp trải nghiệm".
Các mô hình liên kết du lịch vùng như Bắc Trung Bộ; vùng Tây Bắc, vùng Đông Nam Bộ… giúp tìm ra những bài học kinh nghiệm trong công tác quản lý nhà nước; trong khai thác và bảo vệ nguồn tài nguyên du lịch; trong định hướng và tầm nhìn phát triển ngành du lịch; trong xây dựng chính sách thu hút đầu tư, xúc tiến quảng bá, đào tạo nguồn nhân lực... Sự hợp tác này không dừng lại ở cấp tỉnh, mà nó sẽ tạo ra cầu nối để thúc đẩy sự hợp tác giữa địa phương với doanh nghiệp, hay giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp.
Bà Cao Thị Thanh, Phó giám đốc Công ty Vietravel chi nhánh Nghệ An cho rằng: "Nghệ An đã liên kết với Thanh Hóa và các hội lữ hành khác để tăng liên kết 2 bên, mở rộng quan hệ với các đối tác, công ty lữ hành; từ đó cùng nhau phát triển để đưa xứ Thanh và xứ Nghệ lên tầm cao mới về du lịch".
Trình diễn nhạc nước Sầm Sơn diễn ra dịp nghỉ lễ 30/4 – 1/5
Lấy thuận lợi về hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ và nhiều điều kiện tương đồng trong phát triển sản phẩm du lịch, năm 2024 tỉnh Thanh Hoá tiếp tục tập trung đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, liên kết với thị trường trong nước và ngoài nước. Trong đó, tập trung giới thiệu, quảng bá các sản phẩm mới cũng như làm mới và nâng chất lượng các sản phẩm cũ như: nghỉ dưỡng biển, nghỉ dưỡng núi, du lịch MICE, du lịch cộng đồng… Từ đó, tìm kiếm cơ hội hợp tác từ phía các doanh nghiệp cũng như tạo được sản phẩm liên vùng hiệu quả.
Ông Nguyễn Văn Thi, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thanh Hoá cho biết: "Thanh Hoá quan tâm và tạo mọi điều kiện thuận lợi về thủ tục hành chính và tạo hành lang pháp lý để các doanh nghiệp đến. Thanh Hoá cũng đầu tư vốn để đầu tư hạ tầng giao thông để kết nối các điểm du lịch. Hiện nay Thanh Hoá đang có nhiều dự án du lịch lớn, xem Thanh Hoá là điểm đến của nhiều chủ đầu tư. Chúng tôi tiếp tục khẩn trương hỗ trợ nhà đầu tư, hoàn thiện hạ tầng và đạt chất lượng để khách đến với Thanh Hoá nhiều hơn".
Với sự đa dạng về sản phẩm du lịch, sức hấp dẫn của các điểm đến cùng nỗ lực xúc tiến, quảng bá mạnh mẽ; ngành du lịch Thanh Hóa kỳ vọng sẽ thúc đẩy phát triển các chuỗi sản phẩm liên vùng, đặc trưng, hấp dẫn với các địa phương trong cả nước. Hướng tới mục tiêu, Thanh Hoá đón 13,8 triệu lượt khách năm 2024 và khoảng 16 triệu lượt khách năm 2025.
Sỹ Đức - CTV Thúy Lượng