Tuyên Quang là tỉnh miền núi, giàu truyền thống lịch sử, văn hóa lâu đời, nơi diễn ra nhiều sự kiện lịch sử trọng đại của cách mạng, dân tộc. Với 658 di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh, 425 di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc, tỉnh Tuyên Quang xác định văn hóa là nguồn lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Phụ nữ Dao ở Tuyên Quang trong trang phục truyền thống.
Với vị thế chiến lược quan trọng trong suốt chiều dài dựng nước và giữ nước của dân tộc, tỉnh Tuyên Quang được ví như một bảo tàng cách mạng của cả nước, là kho tư liệu vô giá của lịch sử Đảng và cách mạng Việt Nam.
Trong lịch sử đấu tranh, bảo vệ và xây dựng đất nước, tỉnh Tuyên Quang vinh dự được Trung ương Đảng và Bác Hồ chọn làm “Thủ đô Khu giải phóng”, lãnh đạo thành công cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945; “Thủ đô kháng chiến” lãnh đạo thành công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
Hiện nay, tỉnh có 658 di tích lịch sử-văn hóa và danh lam thắng cảnh (474 di tích lịch sử, 127 di tích văn hóa, 57 danh lam thắng cảnh), có 182 di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia, 259 di tích được xếp hạng cấp tỉnh.
Tỉnh có ba di tích và danh thắng đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt, gồm: Khu di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào, huyện Sơn Dương; Khu di tích quốc gia đặc biệt Kim Bình, huyện Chiêm Hóa; Khu danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Na Hang-Lâm Bình.
Trong những năm gần đây, tỉnh đã đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu giá trị lịch sử quan trọng, ý nghĩa to lớn của Khu di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào, Khu di tích quốc gia đặc biệt Kim Bình. Đó là những địa chỉ đỏ, phục vụ hiệu quả công tác giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng của dân tộc gắn với phát triển du lịch.
Đây là tiền đề quan trọng để Tuyên Quang tập trung nguồn lực bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa, tạo nền tảng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh.
Để công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa, chuyển hóa thành nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội bền vững, tỉnh xác định một số giải pháp cụ thể như quán triệt, thực hiện nghiêm túc quan điểm “Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội”; coi trọng việc bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa gắn với phát triển kinh tế - xã hội bền vững, nhất là phát triển du lịch, để văn hóa vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh trong tình hình mới; nâng cao ý thức, tạo sự gắn bó mật thiết của người dân trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của dân tộc gắn với phát triển du lịch, tạo ra lợi ích kinh tế và quảng bá hình ảnh địa phương.
Bên cạnh đó, tỉnh chủ trương tiếp tục phát triển phong trào văn nghệ quần chúng, trọng tâm là tổ chức các hoạt động diễn xướng, dân ca, liên hoan hát dân ca, hát then, hát cọi, trình diễn trang phục trong nhà trường và ở cơ sở; chú trọng khai thác, khôi phục một số lễ hội truyền thống, sưu tầm các bài dân ca, các điệu dân vũ, trò chơi dân gian, bài thuốc, món ăn đặc sắc, khôi phục các làng nghề truyền thống của đồng bào các dân tộc; tổ chức các lớp truyền dạy học tiếng dân tộc thiểu số, hát dân ca, dân vũ, các nghề thủ công truyền thống cho thế hệ trẻ…
Trong thời gian qua, tỉnh tập trung chỉ đạo tăng cường liên kết với các địa phương trong vùng để nâng cao hiệu quả trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa. Tổ chức đăng cai và tham gia Chương trình du lịch qua những miền di sản Việt Bắc, Ngày hội văn hóa các dân tộc vùng Đông Bắc, Ngày hội văn hóa dân tộc H’Mông, Dao, Sán Chay toàn quốc, Liên hoan hát then, đàn tính toàn quốc...
Xây dựng và tổ chức thường niên Lễ hội Thành Tuyên tiến tới mang thương hiệu quốc tế gắn với liên hoan di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, nhằm thu hút khách du lịch, quảng bá truyền thống văn hóa các dân tộc.
Cùng với đó, tỉnh tiếp tục bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị các di tích lịch sử cách mạng; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số trong xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý, bảo tồn, khai thác, phát huy giá trị các di tích lịch sử, các di sản văn hóa, tạo thành sản phẩm du lịch văn hóa hấp dẫn, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Ngoài những giải pháp trên, tỉnh khuyến khích, hỗ trợ các cá nhân tham gia bảo vệ di tích; các nghệ nhân, chủ thể văn hóa, là những người đang nắm giữ bảo tồn và truyền dạy các giá trị di sản văn hóa.
Cùng với đầu tư của Nhà nước, tỉnh coi trọng xây dựng các cơ chế, chính sách, tăng cường sự tham gia, huy động nguồn lực xã hội để đầu tư, xây dựng, nâng cao chất lượng các thiết chế văn hóa, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng giao thông, nhất là các tuyến đường liên kết vùng, hạ tầng du lịch... tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời là điều kiện để tăng cường kết nối, giao lưu, hợp tác, phát triển văn hóa nói chung, bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa nói riêng; đồng thời, gắn kết chặt chẽ việc phát triển du lịch với bảo tồn và phát huy các giá trị tài nguyên thiên nhiên, di sản văn hóa, lịch sử và bản sắc văn hóa các dân tộc; tiếp tục nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch hiện có, trọng tâm là sản phẩm du lịch lịch sử, nghỉ dưỡng, lễ hội, sinh thái, cộng đồng...
Theo đại diện lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang, địa phương phấn đấu đến năm 2025, xây dựng Khu di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào đáp ứng các tiêu chí Khu du lịch quốc gia; Khu du lịch suối khoáng Mỹ Lâm là khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái cao cấp; xây dựng, phát triển Lễ hội Thành Tuyên là sản phẩm du lịch đặc trưng, mang thương hiệu cấp quốc gia, tiến tới thương hiệu quốc tế; xây dựng Khu danh thắng quốc gia đặc biệt Na Hang - Lâm Bình trở thành trung tâm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch khám phá có thương hiệu cấp quốc gia.
Mỗi huyện, thành phố xây dựng ít nhất một làng văn hóa đặc trưng gắn với phát triển du lịch; xây dựng từ một đến hai sản phẩm du lịch đặc trưng, hấp dẫn, thu hút khách du lịch; tập trung xây dựng một làng văn hóa dân tộc cấp tỉnh để bảo tồn, giới thiệu lịch sử quê hương cách mạng và giá trị văn hóa của các dân tộc trong tỉnh, là sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh; phấn đấu đón hơn ba triệu lượt khách du lịch; tổng doanh thu từ du lịch đạt hơn 4.800 tỷ đồng; đóng góp cho GRDP từ 6% trở lên; tạo việc làm trực tiếp trong lĩnh vực du lịch cho hơn 25.000 lao động…
Bài và ảnh: Hải Chung