Là tỉnh đầu tiên có nghị quyết tạo cơ chế hỗ trợ, phát triển di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại nghệ thuật Bài chòi, Quảng Nam đã có những kế hoạch cụ thể, trong đó đặc biệt chú trọng việc truyền dạy di sản này trong trường học, tạo động lực để bảo tồn, lan tỏa niềm tự hào về giá trị di sản bài chòi trong đời sống cộng đồng.
Nghệ nhân Lương Đáng cùng hô bài chòi với các em thiếu nhi ở Hội An
UBND tỉnh Quảng Nam vừa đưa ra kế hoạch để triển khai Nghị quyết số 08 của HĐND về việc quy định nội dung, mức hỗ trợ bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật Bài chòi trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2024-2030.
Theo đó, đặt mục tiêu bảo tồn, phát huy giá trị di sản Bài chòi, chú trọng hỗ trợ truyền dạy thí điểm nghệ thuật Bài chòi tại các trường học, đưa Bài chòi vào hoạt động ngoại khóa, tổ chức ngày hội, giao lưu cho học sinh.
Ông Nguyễn Thanh Hồng, Giám đốc Sở VHTTDL Quảng Nam cho biết, mục tiêu chung của Nghị quyết hỗ trợ Bài chòi hướng đến bảo tồn, phát huy giá trị di sản Bài chòi, đồng thời, thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết của Trung ương, của Tỉnh ủy để xây dựng phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
“Quảng Nam là tỉnh đầu tiên có nghị quyết tạo cơ chế hỗ trợ, phát triển Bài chòi. Đây cũng là động lực tạo sự lan tỏa mạnh mẽ, nâng cao ý thức, niềm tự hào về giá trị di sản bài chòi trong đời sống cộng đồng; động viên, khuyến khích người dân bảo vệ, phát huy và lan tỏa các giá trị di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật Bài chòi.
Góp phần thu hút, huy động mọi nguồn lực phục vụ công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản Bài chòi; xây dựng Bài chòi thành sản phẩm du lịch văn hóa đặc sắc, góp phần phát triển kinh tế, xã hội tỉnh Quảng Nam”, ông Hồng chia sẻ.
Cụ thể, năm 2024 sẽ hỗ trợ truyền dạy thí điểm Bài chòi cho 80 câu lạc bộ, đội, nhóm Bài chòi tại 80 trường tiểu học và trung học cơ sở (THCS) với mức hỗ trợ 20 triệu đồng/CLB/trường/năm; hỗ trợ duy trì hoạt động cho 80 CLB Bài chòi từ năm 2025-2030 nhằm tăng số lượng học sinh được tiếp cận, phổ biến và giáo dục di sản.
Thực hiện kịch bản truyền thanh hô hát Bài chòi cho các trường học bằng cách thu âm giọng hô hát (diễn viên thu âm theo từng cấp học để học sinh dễ nghe, dễ hiểu) và tuyên truyền vào các khung giờ trước khi vào đầu buổi học và lúc tan học để phụ huynh và học sinh đều được nghe.
Việc đưa nghệ thuật Bài chòi vào truyền dạy trong trường học, thu hút đông đảo học sinh tham gia tạo không khí vui tươi phấn khởi, góp phần lan tỏa giá trị nghệ thuật truyền thống trong thế hệ trẻ; đồng thời học sinh có cơ hội được tiếp cận, phổ biến và giáo dục di sản.
Ngoài ra, các cán bộ làm công tác văn hóa các cấp, nghệ nhân, nhạc công đang tham gia sinh hoạt tại các CLB Bài chòi; lực lượng giáo viên thanh nhạc, học sinh tại các trường tiểu học và THCS... được tập huấn bồi dưỡng thực hành bài chòi.
“Nghị quyết hỗ trợ di sản văn hóa phi vật thể Bài chòi được triển khai là hết sức cần thiết, để từ sự đầu tư tương xứng với di sản này, tỉnh và các địa phương có hoạch định bài bản, lâu dài cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị nghệ thuật Bài chòi”, ông Hồng nói.
Trong năm 2024, Quảng Nam sẽ hỗ trợ 40 CLB Bài chòi tại cộng đồng mua sắm trang thiết bị, duy trì hoạt động với mức hỗ trợ 60 triệu đồng/CLB. Số lượng CLB được hỗ trợ theo từng năm. Từ 2024- 2026 sẽ hỗ trợ duy trì hoạt động cho 70-100 CLB Bài chòi tại cộng đồng với mức 9 triệu đồng/năm.
Bên cạnh đó sẽ hỗ trợ truyền dạy, bồi dưỡng, thực hành, trao truyền di sản trong cộng đồng; trong lực lượng đội ngũ diễn viên kế cận Đoàn Ca kịch Quảng Nam, Trung tâm Văn hóa tỉnh, đội ngũ diễn viên ở các trung tâm văn hóa cấp huyện, thị xã, thành phố; chú trọng việc hình thành một lớp nghệ nhân trẻ về hô hát Bài chòi.
Trong các chương trình hội thi, hội diễn, liên hoan nghệ thuật từ cấp xã, phường, thị trấn đến cấp huyện, tỉnh có cơ cấu tiết mục dân ca và hô hát Bài chòi. Mỗi huyện, thị xã, thành phố thành lập một CLB Bài chòi để thực hành, trình diễn và trao truyền nghệ thuật bài chòi,…
Kế hoạch sẽ triển khai tại 18 địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Nam từ năm 2024-2030, chia làm hai giai đoạn từ 2024-2025 và từ 2026-2030. Tổng kinh phí thực hiện khoảng 23,7 tỉ đồng, trong đó ngân sách cấp tỉnh 17,9 tỉ đồng; ngân sách cấp huyện 5,8 tỉ đồng.
Khánh Chi