Cà Mau: Sông Ông Ðốc - Ðịa danh huyền thoại
Cập nhật: 03/06/2024
Sông Ông Ðốc là địa danh gắn liền với thời khẩn hoang, mở đất của tiền nhân ở Cà Mau. Trong lịch sử hình thành và phát triển của vùng đất địa đầu cực Nam Tổ quốc, sông Ông Ðốc luôn có vai trò, vị trí hết sức quan trọng; là nhân chứng xuyên suốt của nhiều biến thiên thời cuộc trọng đại. Ðôi nét phác hoạ về địa danh sông Ông Ðốc từ các nguồn tư liệu lịch sử - giai thoại để trân quý hơn công lao, ký thác của người đi trước; để hiểu thêm và yêu thêm quê hương Cà Mau.

Về vị trí địa lý, sông Ông Ðốc bắt nguồn từ ngã ba sông Cái Tàu và Sông Trẹm (hay còn gọi là sông Trèm Trẹm) chảy về hướng Tây, đổ ra vịnh Thái Lan tại cửa biển Ông Ðốc. Ðịa bạ triều Nguyễn dưới thời Minh Mạng (1836) có nhắc tới hàng loạt cửa biển trọng yếu ở Cà Mau: Bồ Ðề, Tam Giang, Hiệp Phố (Bảy Háp), Hoàng Giang (cửa Ông Ðốc). Theo mô tả, trong 3 chợ lớn nhất của tỉnh Hà Tiên (Cà Mau lúc này thuộc huyện Long Xuyên, tỉnh Hà Tiên) thì có chợ Hoàng Giang.

Trong cuốn “Cà Mau xưa” của tác giả Huỳnh Minh và Nghê Văn Lương, sông Ông Ðốc có tên gọi là Khoa Giang. Về tên gọi "sông Ông Ðốc", cuốn sách nêu trên dẫn lời thuật lại của ông Tri phủ Trần Văn Từ rằng, khi Gia Long từ vàm sông Cái Tàu theo sông Khoa Giang để đi về hướng đảo Thổ Châu, sang Xiêm La cầu viện thì bị quân Tây Sơn truy bức rất rát: “Ông Ðô đốc thuỷ binh Nguyễn Văn Vàng (ăn theo họ vua) bèn tâu với vua xin ngài cởi hoàng bào ra cho ông mặc, đặng ở lại phía sau cản trở quân giặc. Nhờ đó, Gia Long bình an vô sự, còn ông Ðô đốc Vàng bị quân Tây Sơn giết, thây chìm lịm dưới sông sâu”.

Sông Ông Ðốc. Ảnh: Minh Tấn

Giai thoại về Ðô đốc Nguyễn Văn Vàng liều mình cứu vua từ đó được dân gian truyền tụng, ca ngợi thành tên gọi sông Ông Ðốc, dù chính sử không ghi lại cặn kẽ nhưng đến nay là giả thuyết thuyết phục nhất về sự hình thành địa danh này. Ở Cà Mau, có thể điểm qua nhiều địa danh khác gắn với thời “Gia Long bôn tẩu” như: Ao Kho (TP Cà Mau), Ao Vua (huyện Cái Nước), Ðền Công Chúa (huyện U Minh), Chắc Băng (huyện Thới Bình)... cùng với những giai thoại dân gian liên quan.

Về sau này, địa danh sông Ông Ðốc được giản lược và trở thành tên gọi hành chính với cửa biển Sông Ðốc, chợ Sông Ðốc, thị trấn Sông Ðốc (thuộc huyện Trần Văn Thời). Ven 2 bờ tả hữu sông Ông Ðốc là những địa danh gợi nhớ, gợi thương của xứ sở như: Cái Tàu, Rạch Giếng, Rạch Cui, Rạch Ráng hay Xóm Sở, Cán Dù, Nỗng Kè, Ông Tự, Tham Trơi...

Trong giai đoạn kháng chiến chống thực dân, đế quốc, sông Ông Ðốc là nơi diễn ra nhiều trận đánh lớn với chiến công vang dội của quân và dân ta. Ðặc biệt, sự kiện tập kết 200 ngày đêm lịch sử tại Cà Mau sau chiến thắng Ðiện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” năm 1954 được coi là mốc son chói lọi, dấu ấn không thể nào phai đã diễn ra trên dòng sông huyền thoại. Khi ấy, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Bí thư Tỉnh uỷ Bạc Liêu, đã mô tả: “Người ta gọi vàm sông Ông Ðốc là Thủ đô của Nam Bộ, nhộn nhịp lắm, đông vui lắm”.

Tại thị trấn Sông Ðốc, cư dân bao đời nay sinh sống bằng nghề biển còn có tín ngưỡng thờ Cá Ông “Nam Hải Ðại tướng quân” với Lễ hội Nghinh Ông đặc sắc diễn ra vào các ngày 14, 15 và 16 tháng 2 âm lịch hằng năm.

Lễ hội Nghinh Ông. Ảnh: Nhật Minh

Hiện nay, cửa biển Sông Ðốc là một trong những cửa biển trọng yếu của Cà Mau gắn với mục tiêu hướng biển, bám biển, làm giàu từ kinh tế biển và nhiệm vụ bảo vệ toàn vẹn chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Thị trấn Sông Ðốc được quy hoạch là một trong những cực đô thị động lực phát triển của tỉnh Cà Mau. Cùng với đó, với trục giao thông Ðông - Tây nối cửa biển Sông Ðốc với cửa biển Gành Hào đã mở ra cơ hội, xung lực phát triển mới cho toàn tuyến. Mới đây nhất, cầu sông Ông Ðốc đã chính thức khánh thành với niềm vui rộn rã, xoá thế đò giang cách trở, tạo điều kiện cho sự vươn lên mạnh mẽ của thị trấn phố biển.

Sông Ông Ðốc, địa danh huyền thoại lắng đọng bao lớp trầm tích thời gian, biến thiên lịch sử, mãi mãi là niềm tự hào, là máu thịt của đất và người Cà Mau trong quá khứ, hiện tại và tương lai./.

Hải Nguyên

Báo Cà Mau - baocamau.com.vn - Ngày đăng 31/05/2024