Sau gần 2 năm “bắt tay” liên kết phát triển du lịch giữa TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và vùng kinh tế trọng điểm miền Trung giai đoạn 2023 - 2024, các hoạt động của nhóm liên kết đã góp phần quan trọng tạo đà phát triển du lịch ở các địa phương.
Đó là nhận định chung của các đại biểu tham dự Hội nghị trực tuyến sơ kết Diễn đàn liên kết phát triển du lịch giữa TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và vùng kinh tế trọng điểm miền Trung giai đoạn 2023 - 2024, diễn ra chiều 31/7, do Sở Du lịch Bình Định chủ trì tại đầu cầu TP Quy Nhơn với vai trò Tổ trưởng tổ công tác nhóm liên kết.
Khai thác hiệu quả tài nguyên từng địa phương
Liên kết phát triển du lịch giữa TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và vùng kinh tế trọng điểm miền Trung (gồm các tỉnh, thành: Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định) đã kết nối ngành du lịch, DN, nhà đầu tư các địa phương với nhau, nhất là hai vùng kinh tế lớn ở hai đầu Bắc - Nam với miền Trung, tạo sức bật mới cho hoạt động du lịch.
Đoàn famtrip vùng kinh tế trọng điểm miền Trung trong chuyến khảo sát du lịch tại Bình Định. Ảnh: Đoàn famtrip cung cấp
Hoạt động liên kết phát triển du lịch trong giai đoạn 2023 - 2024 nhận được sự quan tâm từ lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các cơ quan chuyên môn của các địa phương, cũng như của các hiệp hội du lịch, DN 7 tỉnh, thành phố trong công tác phối hợp triển khai các hoạt động quản lý nhà nước về du lịch; phát triển nguồn nhân lực du lịch; phát triển sản phẩm du lịch; quảng bá xúc tiến du lịch. Qua đó, khai thác hiệu quả giá trị tài nguyên du lịch của từng địa phương trong nhóm liên kết, góp phần quan trọng làm tăng tỷ lệ khách du lịch, tăng chi tiêu và thời gian lưu trú của du khách cho từng địa phương và trong vùng liên kết…
Theo đại diện Phòng Truyền thông, Sở Du lịch Hà Nội, để thắt chặt thêm mối liên kết giữa ngành du lịch các địa phương trong nhóm cũng như các DN, nên thường xuyên tổ chức các hội nghị kết nối. Ngoài xây dựng sản phẩm du lịch dựa trên thế mạnh từng địa phương, từng vùng, cần chú trọng xây dựng combo du lịch nội địa, chính sách ưu đãi để kích cầu hút khách đến với các địa phương; xây dựng thêm các sản phẩm du lịch thông minh, thương hiệu du lịch xanh, sản phẩm du lịch gắn với đường sắt, đường hàng không... để tạo sự hấp dẫn, mới mẻ.
Gắn kết hơn nữa để phát triển
Thời gian qua, các tỉnh, thành trong nhóm liên kết đã tích cực tham gia các sự kiện được tổ chức thường niên do các địa phương đăng cai tổ chức, như: Hội chợ du lịch Quốc tế VITM Hà Nội; Hội chợ du lịch quốc tế ITE Hồ Chí Minh; Ngày hội Du lịch TP Hồ Chí Minh; Hội chợ Du lịch VITM Đà Nẵng, Diễn đàn Phát triển đường bay châu Á Đà Nẵng, Lễ hội văn hóa ẩm thực ba miền Bắc - Trung - Nam; Ngày hội Văn hóa các dân tộc miền Trung lần thứ IV tại Bình Định; Lễ hội ẩm thực văn hóa Bình Định…
Từ tháng 9/2022 đến tháng 7/2024, tổng lượt khách tham quan và lưu trú du lịch của 7 tỉnh, thành trong nhóm liên kết đạt trên 100 triệu lượt khách; thu nhập xã hội từ du lịch ước đạt 516,5 nghìn tỷ đồng.
Tính riêng 6 tháng đầu năm 2024, tổng lượt khách tham quan, lưu trú du lịch của 7 tỉnh, thành ước đạt hơn 30 triệu lượt khách; thu nhập xã hội từ du lịch ước đạt trên 177 nghìn tỷ đồng, góp phần phát triển KT-XH của cả vùng nói riêng, cả nước nói chung.
|
Ông Huỳnh Cao Nhất, Phó Giám đốc Sở Du lịch Bình Định, cho biết: “Nhóm liên kết đã hỗ trợ tỉnh Bình Định thực hiện nhiều hoạt động, như: Hội nghị quảng bá, xúc tiến du lịch giữa Bình Định và TP TP Hồ Chí Minh, giữa Bình Định và TP Hà Nội năm 2023, 2024; Sở Du lịch Bình Định phối hợp với Sở Du lịch TP Hà Nội và Thừa Thiên Huế tổ chức trưng bày, triển lãm ảnh du lịch Quy Nhơn - Bình Định tại Văn miếu Quốc Tử Giám và tại TP Huế; phối hợp hỗ trợ tổ chức các hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch, đón các đoàn famtrip, presstrip đến khảo sát du lịch… góp phần thúc đẩy du lịch của tỉnh phát triển”.
TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã tích cực hỗ trợ giới thiệu du lịch các địa phương vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Ông Lê Trương Hiền Hòa, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh, cho hay: “Với vai trò cầu nối, chúng tôi “bắt tay” với vùng kinh tế trọng điểm miền Trung tiếp tục xây dựng sản phẩm du lịch khai thác thế mạnh đặc trưng từng địa phương, từng vùng, hướng tới xây dựng thương hiệu du lịch xanh, sản phẩm du lịch thông minh, sản phẩm du lịch liên kết vùng với giá cả hợp lý để cùng hướng tới phát triển chung, bền vững”.
Để cùng thực hiện đồng bộ, hiệu quả công tác liên kết phát triển du lịch, các địa phương sẽ tăng cường chia sẻ thông tin, đóng góp sáng kiến trong quản lý du lịch, xúc tiến quảng bá du lịch; tổ chức các chương trình famtrip, presstrip kết nối giữa TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh với các tỉnh, thành phố trong nhóm liên kết; hỗ trợ các DN du lịch triển khai các tour, xây dựng sản phẩm du lịch xanh, du lịch liên vùng, sản phẩm du lịch xanh mang tính dài hạn; nâng cao chất lượng sản phẩm, nhân lực phục vụ; ứng dụng công nghệ thông tin quảng bá du lịch...
Đoàn Ngọc Nhuận