Việc truyền dạy kỹ năng diễn tấu cồng chiêng cho thế hệ trẻ đã và đang được các cấp, ngành liên quan “tiếp sức” bằng nhiều nguồn lực và cách làm đa dạng, phong phú với mục tiêu để mỗi buôn, làng người dân tộc thiểu số tại chỗ có ít nhất một đội chiêng trẻ hoạt động thường xuyên.
Đây là cơ sở vững chắc để thực hiện việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng trên địa bàn Đắk Lắk ngày càng hiệu quả hơn.
Thực tế ấy được thể hiện sinh động qua hoạt động trình diễn cồng chiêng thông qua các sự kiện văn hóa hay tại những tụ điểm sinh hoạt cộng đồng và những khu/điểm du lịch hiện nay trên địa bàn tỉnh.
Tại Liên hoan Văn hóa cồng chiêng Đắk Lắk lần thứ 3 năm 2024 mới đây, trong số gần 600 nghệ nhân, diễn viên tham gia, có hơn 50% nghệ nhân trẻ (từ 12 - 25 tuổi) chứng tỏ được kỹ năng diễn tấu cồng chiêng (knah, aráp, chiêng jôh, ching kram) một cách thành thạo và nhuần nhuyễn.
Theo Nghệ sĩ Ưu tú Vũ Lân, Chủ tịch Hội đồng thẩm định tại liên hoan, điều đó cho thấy việc truyền dạy cồng chiêng cho thế hệ tiếp nối đã mang lại hiệu quả tích cực và ngày càng có sức lan tỏa mạnh mẽ, sâu rộng trong cộng đồng, xã hội.
Đội chiêng trẻ buôn Ky (TP. Buôn Ma Thuột) diễn tấu ching kram tại Liên hoan Văn hóa cồng chiêng Đắk Lắk lần thứ 3 năm 2024.
Được biết, “Đề án Bảo tồn, phát huy văn hóa cồng chiêng Đắk Lắk” được triển khai theo từng giai đoạn từ năm 2007 đến nay, chính quyền địa phương các cấp đã bố trí hàng chục tỷ đồng/giai đoạn nhằm “tiếp sức” cho di sản này với nhiều nội dung, hoạt động đa dạng và phong phú. Theo Phòng Quản lý văn hóa (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch), mục tiêu của các đề án trên là cấp trang phục và hỗ trợ kinh phí cho gần 100 đội chiêng, đội văn nghệ có nhiều đóng góp trong công tác bảo tồn, phát huy văn hóa cồng chiêng; phấn đấu có trên 80% buôn làng đồng bào các dân tộc thiểu số tại chỗ có sinh hoạt cồng chiêng.
Đến nay, mục tiêu đặt ra đã cơ bản đạt được, đặc biệt là việc truyền dạy cồng chiêng cho lớp trẻ thật sự được đẩy mạnh, tạo chuyển biến rõ nét trong nhận thức bảo tồn, phát huy giá trị di sản cồng chiêng trong cộng đồng các dân tộc tại chỗ.
Trong số 609 buôn làng người Êđê, M’nông, J'rai, Xê đăng… hiện có gần 400 đội chiêng trẻ được các nghệ nhân lớn tuổi truyền thụ.
Từ những đội chiêng trẻ được đào tạo bài bản ấy, các bạn trẻ đã không ngừng sáng tạo thêm những âm điệu, tiết tấu mới lạ và hiện đại trong các hoạt động trình diễn vốn di sản tiêu biểu của cha ông, qua đó để nhịp chiêng có sức lan tỏa hơn trong đời sống văn hóa ngày nay. Không ít đội chiêng trẻ đã gặt hái thành công tại các kỳ liên hoan, hội diễn và giao lưu văn hóa cồng chiêng các cấp được tổ chức thường niên, hoặc định kỳ trên địa bàn tỉnh cũng như khu vực miền Trung - Tây Nguyên.
Hơn thế, từ chương trình/đề án bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng đã xuất hiện ngày càng nhiều gương mặt trẻ, đóng vai trò “hạt nhân” tại các buôn làng, góp phần thúc đẩy công cuộc trên thêm hiệu quả và bền vững. Ví như Y Thu Êban (buôn Bông, xã Cư Êbur), Y Típ Byă (buôn Akô Dhông, phường Tân Lợi), Y Buôn Kbuôr (buôn Kô Tam, xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột), Y Yáp Mlô (buôn Tring 2, thị xã Buôn Hồ), Y Hý Bdap (buôn Jun, thị trấn Liên Sơn, huyện Lắk) hay Y Sar A Drơng (buôn T’ria, xã Ea Tul, huyện Cư M’gar)…
không những được coi là linh hồn của đội chiêng trẻ trong buôn làng, mà còn là thủ lĩnh của các nhóm chuyên biểu diễn văn hóa - văn nghệ phục vụ du khách đến tìm hiểu, trải nghiệm vốn di sản của ông cha mình để có thêm thu nhập, cải thiện đời sống cho gia đình.
Dưới góc nhìn của Nghệ sĩ Ưu tú Vũ Lân, những hoạt động văn hóa trên không những góp phần bảo tồn, phát huy giá trị di sản cồng chiêng mà còn là môi trường giúp các em rèn luyện kỹ năng trình diễn để phục vụ cộng đồng tham gia làm du lịch dựa vào vốn văn hóa truyền thống của mình.
Đội chiêng trẻ buôn Kô Tam, xã Ea Tu (TP. Buôn Ma Thuột) thường xuyên duy trì hoạt động để phục vụ du khách. Ảnh: Mai Sao
Đặc biệt trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột, những đội chiêng trẻ ở một số buôn được xem là điểm đến du lịch cộng đồng như: Akô Dhông, Ea Bông, Tơng Jú… đã tạo động lực thúc đẩy mạnh mẽ mô hình phát triển kinh tế du lịch một cách thực chất và hiệu quả. Vốn di sản cồng chiêng kết hợp với dân ca, dân vũ, nhạc cụ truyền thống trong các buôn, làng đã tạo điều kiện, cơ hội cho nhiều bạn trẻ có sinh kế, tăng thêm thu nhập, cải thiện đời sống thông qua hoạt động trình diễn văn hóa - văn nghệ dân gian phục vụ du khách tham quan, tìm hiểu và trải nghiệm.
Theo nhà nghiên cứu văn hóa Tây Nguyên Linh Nga Niê Kdăm, qua các kỳ liên hoan văn hóa cồng chiêng các cấp, nhất là những đội/nhóm chiêng trẻ hiện nay cho thấy họ không những lần lượt nắm giữ, kế thừa vốn di sản quý báu của cha ông để lại, mà còn phát huy giá trị văn hóa ấy như lợi thế nhằm phục vụ đời sống kinh tế cho gia đình và cộng đồng; từ đó có thêm động lực để bảo tồn, phát huy giá trị di sản tiêu biểu này một cách hài hòa và bền vững hơn.
“Hiệu quả mang lại từ âm nhạc cồng chiêng nói riêng và các hoạt động văn hóa - văn nghệ dân gian nói chung đã có sức lan tỏa trong đời sống đương đại nhờ vào sự nỗ lực của lớp trẻ. Vốn di sản ấy đang trở thành tài sản quý báu giúp các em và cộng đồng phát triển kinh tế du lịch, từng bước hội nhập với đời sống hiện đại ngày nay”- Nghệ sĩ Ưu tú Vũ Lân.
Đình Đối