Góp phần bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô Huế
Cập nhật: 03/12/2024
Kiến trúc và văn hóa của triều đại nhà Nguyễn tại tỉnh Thừa Thiên Huế dần dần "sống dậy" sau thời gian trùng tu, ở đó đã giữ lại không ít kiệt tác của nghệ thuật điêu khắc, chạm trổ kết hợp hài hòa giữa kiến trúc nhân tạo và thiên nhiên. Những công trình nguy nga, tráng lệ đang từ từ được trùng tu, nâng bước cho địa phương hướng tới sự phát triển mới.

Một nghệ nhân tỉ mỉ khắc họa hình tượng linh vật rồng lên một trụ cột bên trong điện Thái Hòa. Tất cả các đường nét đều được nghệ nhân thực hiện một cách chỉn chu với độ chính xác tuyệt đối. Ảnh: Bùi Hữu Cường

Chuốt nhẹ từng nét cọ phủ lên thếp vàng son một thuở của những hoa văn trong điện Thái Hòa, những nghệ nhân xứ Cố đô Huế cần mẫn như cố hết trong tâm khảm mình đánh thức cả sự huy hoàng xưa cũ trên cung điện này. Hơn 3 năm qua, điện Thái Hòa trong Tử cấm thành của kinh thành Huế được trùng tu, đó là sự nỗ lực của các cấp chính quyền từ Trung ương tới địa phương, của các cấp có thẩm quyền cho tới từng nghệ nhân nơi này. Có tới 111 nghệ nhân và thợ lành nghề ở rất nhiều lĩnh vực như sơn thếp, nề ngõa, chạm khắc gỗ... đã liên tục làm việc mỗi ngày 3 ca bằng tất cả tinh hoa và tâm huyết nghề nghiệp để cống hiến cho công việc, trong đó có rất nhiều nghệ nhân, thợ lành nghề là nữ cũng tham gia.

Với lịch sử hình thành hơn 200 năm, điện Thái Hòa là ngôi điện quan trọng nhất trong khu vực Hoàng thành Huế. Điện Thái Hòa là công trình kiến trúc tiêu biểu của di tích Cố đô Huế còn được lưu giữ nguyên vẹn cho đến nay và là nơi đặt ngai vàng, nơi diễn ra các hoạt động lễ nghi triều chính của triều đình nhà Nguyễn trong suốt 143 năm tồn tại. Qua hàng trăm năm tồn tại, trước các tác động của thời gian và khí hậu khắc nghiệt, mặc dù trải qua nhiều lần tu bổ, trùng tu, nhưng điện Thái Hòa vẫn bị xuống cấp nghiêm trọng.

Dự án bảo tồn, tu bổ tổng thể di tích điện Thái Hòa đã được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phê duyệt thực hiện với tổng mức đầu tư hơn 129 tỷ đồng gồm ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương và các nguồn huy động khác. Ngoài quy mô rộng lớn, kiến trúc tráng lệ, trang trí tinh xảo, điểm nổi bật của điện Thái Hòa là hình tượng rồng, biểu tượng của đấng quân vương và là chủ đề chính trong điện. Hình rồng xuất hiện ở nhiều nơi, với nhiều hình thức thể hiện như rồng chầu trên mái, bậc thềm, cột hay chạm khắc ở các cấu kiện gỗ và ngai vàng... Đây được coi là đỉnh cao của nghệ thuật kiến trúc cung đình Huế.

Ông Hồ Hữu Hành, Giám đốc Công ty CP Tu bổ Di tích Huế cho hay, điện Thái Hòa là di tích có giá trị quan trọng nên quá trình hạ giải, trùng tu được tiến hành hết sức cẩn trọng, công phu. Trước khi tháo dỡ, đơn vị thi công cũng đánh dấu vị trí trên từng cấu kiện trước khi hạ giải theo hồ sơ thiết kế được duyệt. Đơn vị trùng tu đã chụp ảnh hiện trạng, đo vẽ, can dập lại hoa văn trang trí trên cột thếp vàng hình rồng, hoa văn trang trí bờ mái, đo vẽ ghi nhận các thông số kỹ thuật của hệ khung gỗ, kết cấu mái...

Quá trình trùng tu, mọi chi tiết đều được tiến hành scan 3D để lưu giữ toàn bộ dữ liệu thu thập được của công trình, sau đó số hóa toàn bộ hình ảnh 3D điện Thái Hòa bằng hình ảnh chân thực để phục vụ công tác trùng tu, lưu trữ, đồng thời, phục vụ du khách trải nghiệm tham quan không gian ảo của công trình này. Đặc biệt, luôn có Hội đồng khoa học gồm các chuyên gia, nhà nghiên cứu hàng đầu của Huế trao đổi, thảo luận các giải pháp thi công để chọn ra phương án tối ưu, hướng đến mục đích cuối cùng là đảm bảo chuẩn xác, tôn vinh giá trị di tích.

Các chi tiết được các nghệ nhân phục hồi theo đúng nguyên bản. Ảnh: Team Di sản Huế

Những cảm xúc của các nghệ nhân đang ngày đêm thi công trùng tu điện Thái Hòa bất kể ngày đêm được dồn hết vào đôi bàn tay và khối óc. Họ muốn dành tất cả tâm huyết của mình để phục dựng lại một trong những di sản tiêu biểu bậc nhất của Huế. Ngày rồi đêm, từng nghệ nhân cần mẫn và cặm cụi, cẩn trọng và nỗ lực để cống hiến mãnh liệt cho công trình ấy. Khối lượng công việc vô cùng khó khăn bởi có nhiều phần là các họa tiết nhỏ, cần độ chính xác cao nên các nghệ nhân phải làm rất tỉ mỉ. Các nghệ nhân nhiều khi chấp nhận làm việc cả ban đêm để kịp hoàn thành công việc. Với mỗi nghệ nhân, đó không chỉ là công việc, mà còn là sứ mệnh thiêng liêng để bảo tồn và phục hồi lại vẻ đẹp cao quý của điện Thái Hòa, giữ lại sự trường tồn cho di tích.

Ông Trương Thế Lực, nghệ nhân trùng tu điện Thái Hòa chia sẻ: “Thời gian qua, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã triển khai dự án với một quy trình thận trọng, khoa học và bài bản nhằm đạt hiệu quả cao nhất trong công tác trùng tu. Với mỗi nghệ nhân xứ Huế, được góp sức vào việc bảo tồn, trùng tu một di sản vô cùng quý giá như thế này là vinh dự to lớn không dễ gì có được. Chính vì thế, chúng tôi nỗ lực hết sức, mang tất cả tinh hoa có được trong nghề để phục vụ công việc”.

Trong hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ, những công trình trong hoàng cung Cố đô Huế đã chịu tổn thất nặng nề, nhiều công trình bị phá hủy hoàn toàn. Tuy nhiên, sau khi UNESCO ra lời kêu gọi cứu vãn di sản Cố đô Huế vào năm 1981, công tác bảo tồn và phục hồi di tích đã được thực hiện một cách cẩn thận, giúp cho Cố đô Huế phục hồi và trở lại với nguyên trạng ban đầu.

Hơn ba thập kỷ sau khi được UNESCO vinh danh, Di sản Huế không ngừng thay đổi, hồi sinh dần trở lại với diện mạo vốn có trong lịch sử và đang vươn mình với sức sống ngày càng mãnh liệt, giúp Thừa Thiên Huế bước ra khỏi sự lãng quên. Sự chuyển mình của khu di sản này với những kết quả vô cùng tích cực sau nhiều dự án đầu tư và tái đầu tư cho công cuộc bảo tồn. Quần thể di tích Cố đô Huế trở thành một trong những khu di tích được bảo tồn hiệu quả cả về mặt cấu trúc cũng như các hạng mục di sản phi vật thể khác.

Hiện nay, Thừa Thiên Huế đang tập trung nguồn lực để xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, xác định xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế. Di sản Huế đối với sự phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt là vai trò nền tảng để xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trong những năm tới. Những cuộc đại trùng tu điện Thái Hòa, hay điện Kiến Trung và nhiều công trình khác càng làm nổi bật lên giá trị của di sản và khẳng định sức mạnh của văn hóa dân tộc ngày càng được bảo tồn, phát huy một cách đúng đắn.

Tiêu Dao

Báo Biên Phòng - bienphong.com.vn - Đăng ngày 02/12/2024