Tây Thiên - đến với Mẫu, về với Phật
Cập nhật: 30/03/2010
Hàng năm, vào giữa tháng 2 âm lịch, tại xã Đại Đình, huyện Tam Đảo (Vĩnh Phúc) long trọng tổ chức lễ hội Tây Thiên truyền thống.

Lễ hội năm 2010 được tổ chức trong ba ngày, bắt đầu từ ngày 28/3 (13/2 âm lịch) với phần tế lễ và nhiều trò chơi dân gian như: thi hát dân ca của người dân tộc thiểu số Sán Dìu, thi nấu cơm, thi hú đáo, làm bánh chưng, bánh dày, kéo co, chọi gà...

Tây Thiên là nơi thờ Quốc mẫu Lăng Thị Tiêu, người được Hùng Chiêu Vương thứ 7 lập làm Chính Vương Phi, có công giúp vua dẹp giặc, mở mang bờ cõi, thống nhất giang sơn, dạy dân trồng lúa, giữ lửa trong buổi bình minh của dân tộc.

Xong công việc, bà lại trở về quê hương tại thôn Đông Lộ, xã Đại Đình, huyện Tam Đảo ngày nay, rồi “hóa” tại đây.

Bao đời nay, các triều đại từ Đinh, Lý, Trần, Lê đều sắc phong bà là Tam Đảo Sơn Trụ Quốc Mẫu Tối Linh Đại Vương, hàng năm cử các quan đại thần lên cúng tế. Tưởng nhớ công đức của bà, nhân dân trong vùng lập đền thờ để hương khói hàng ngày.

Đền thờ Quốc Mẫu Tây Thiên nằm trên đỉnh núi Thạch Bàn, thuộc dãy Tam Đảo, có 5 đền lớn được xây vào thế kỷ 16-17, cách khu nghỉ mát Tam Đảo 15km đường núi. Nơi đây cũng vừa xây dựng Thiền Viện Trúc Lâm lớn nhất cả nước, cùng với cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ vẫn còn giữ vẻ đẹp nguyên sơ.

Theo nhiều tư liệu nghiên cứu, Tây Thiên còn là chốn tổ Phật giáo Việt Nam. Vào năm 2.300 trước Công Nguyên, nơi đây đã có chùa “Tây Thiển cổ tự.”

Năm 2.450 trước Công Nguyên, một lần Vua Hùng Vương thứ 7 lên núi Tam Đảo cầu tiên đã thấy ở đây có chùa thờ Phật.

Ngày nay Tây Thiên vẫn còn lưu giữ được ba ngôi mộ cổ ghi danh hiệu các thiền sư: Giác Linh Ngã, Võng Sơn Thiền Sư, Cúc Khê Thiền sư.

Xác định đây chính là cái nôi của phật giáo, Giáo hội Phật Giáo Việt Nam đã khởi công xây dựng Thiền Viện Trúc Lâm trên nền chùa Thiên Ân cổ với tổng số vốn đầu tư 30 tỷ đồng, có diện tích rộng 4,5ha, rừng ngoại vi rộng 50ha.

Khi xây dựng thiền viện, các nhà khoa học còn tìm thấy hàng ngàn hiện vật có niên hiệu từ thời Lý, Trần, Lê, Mạc, Nguyễn và các di chỉ khảo cổ về Phật giáo minh chứng rõ thêm về chốn tổ Phật giáo.

Ngày ngày thiền viện đón hàng trăm phật tử, du khách trong và ngoài nước hành hương về “cội nguồn Phật giáo Việt Nam," thắp hương khấn Phật và thưởng ngoạn cảnh đẹp của núi rừng Tây Thiên.

Năm 1991, Tây Thiên đã vinh dự được nhà nước xếp hạng là khu di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh quốc gia.

Tỉnh Vĩnh Phúc đã quy hoạch Tây Thiên thành khu du lịch trọng điểm của tỉnh và đầu tư hàng trăm tỷ đồng xây dựng nhiều công trình phục vụ du khách bốn phương về tham quan.
VietnamPlus