Nằm trong chương trình Festival trái cây Việt Nam lần thứ nhất, tối ngày 20/4/2010 ,tại thị trấn Cái Bè (Tiền Giang) một lễ hội đặc trưng của đồng bằng sông Cửu Long đã khai mạc, đó là lễ hội chợ nổi Cái Bè với chủ đề “Tiền Giang mở hội sông hóa rồng cho cây lành trái ngọt”.
Với khoảng 500 diễn viên đã tham gia tái hiện lại cảnh mua bán, họp chợ trái cây và sản vật trên sông, hò đối đáp, ca cổ trên sông, đám cưới miệt vườn sông nước Cái Bè. Lễ hội đã thu hút hàng nghìn lượt người dân trong nước và du khách nước ngoài tham dự.
Lễ hội chợ nổi Cái Bè diễn ra trong 3 ngày, từ 21 - 23/4/2010, mang đậm sắc thái dân gian và hội tụ văn hóa sông nước của ba miền. Du khách đến chợ nổi đã được thương hồ tiếp đón ân cần với trái cây ăn miễn phí và mua về với giá rẻ hơn bán ở chợ. Trên hết, du khách được đắm mình trong không khí lễ hội với nhiều hoạt động văn hóa phong phú. Sân khấu được thiết kế trên sông cùng với những chiếc ghe bầu đặc trưng của vùng sông nước miền Tây. Các nam thanh nữ tú thực hiện các tiết mục hò đối đáp, hát vọng cổ... phục vụ du khách đến tham quan. Chợ nổi trên sông quy tụ hàng trăm ghe bán trái cây, nhu yếu phẩm và ẩm thực. Trong đêm 22/4/2010, du khách sẽ được thưởng thức các tiết mục văn hóa dân gian vùng sông nước của ba miền, đó là Quan họ Bắc Ninh, hò Huế, hò Nghệ Tĩnh và hò Nam bộ. Đêm bế mạc là chương trình đậm nét của vọng cổ miền Tây. Những câu hò điệu lý trên sông tại chợ nổi là một cách quảng bá hiệu quả của du lịch sông nước Cửu Long, nét văn hóa sống hài hòa với thiên nhiên của cư dân bản địa đến với du khách năm châu.
Được biết, chợ nổi vàm Cái Bè ra đời khá sớm so với các chợ nổi ở đồng bằng sông Cửu Long. Đến nay, chợ trên sông vàm Cái Bè đã trên 200 năm tuổi. Nằm ở vị trí giáp ranh giữa 3 tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long và Bến Tre, chợ nổi Cái Bè thu hút nhiều thương nhân, du khách đến đây trao đổi, mua bán đủ loại hàng hóa từ trái cây đến các nhu yếu phẩm, hình thành và duy trì nét văn hóa giao thương độc đáo của vùng sông nước.