Liên kết phát triển du lịch biển đảo, sông vùng Đồng bằng Sông Cửu Long
Cập nhật: 02/06/2010
Vừa qua, tại huyện đảo Phú Quốc (Kiên Giang), Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, Ủy ban Nhân dân tỉnh Kiên Giang đã phối hợp tổ chức Hội thảo liên kết phát triển du lịch biển đảo và sông vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

                Chợ nổi Phụng Hiệp
Dự hội thảo có đại diện các bộ, ngành, các nhà khoa học, các doanh nghiệp và Hiệp hội hoạt động ngành du lịch trong và ngoài vùng Đồng bằng sông Cửu Long và một số nước tiểu vùng sông Mê Kông như: Thái Lan, Campuchia, Nhật Bản.

Tại hội thảo, các đại biểu thống nhất đánh giá các nước tiểu vùng sông Mê Kông có tiềm năng du lịch văn hóa phong phú. Đặc biệt với nền văn hóa của các cư dân lâu đời sống ở hai bờ sông Mê Kông, vì thế rất cần thiết kết hợp phát triển tam giác du lịch Việt Nam-Campuchia-Thái Lan.

Các quốc gia tiểu vùng sông Mê Kông có một nguồn tài nguyên phong phú, đa dạng, nhiều khu dự trữ sinh quyển, khu du lịch sinh thái, công trình kiến trúc lịch sử, các loại hình nghệ thuật và văn hóa phi vật thể.

Riêng vùng châu thổ sông Mê Kông tại Việt Nam đã có hơn 120 di tích lịch sử văn hóa, cách mạng được xếp hạng cùng nhiều khu dự trữ sinh quyển được UNESCO công nhận, đánh giá cao. Hàng năm khu vực này thu hút 6,5% lượng khách quốc tế đến Việt Nam.

Tuy nhiên, theo đánh giá, bên cạnh nhiều thành tựu đã đạt được, khu vực này vẫn còn tiềm năng, lợi thế rất lớn nhưng chưa được khai thác hết. Tiến độ phát triển của du lịch Đồng bằng sông Cửu Long vẫn còn hạn chế do hệ thống cơ sở hạ tầng, chất lượng sản phẩm, công tác thị trường, công tác quảng bá, tính chuyên nghiệp của đội ngũ lao động chưa cao.

Vì vậy, tại hội thảo này, các nhà quản lý, các nhà khoa học và doanh nghiệp cùng trao đổi thông tin, quan điểm, chia sẻ kinh nghiệm tổ chức, phối hợp xây dựng và thực hiện chương trình liên kết phát triển du lịch bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và các quốc gia tiểu vùng Mê Kông nói chung.
VietnamPlus