Từ ngày 19 đến 30/7/2010, hai cuộc hội nghị quốc tế về âm nhạc các dân tộc thiểu số sẽ được tổ chức tại Hà Nội và Hạ Long, với sự tham gia của hơn 70 nhà khoa học đến từ 31 quốc gia trên thế giới và 15 nhà nghiên cứu âm nhạc Việt Nam.
Đây là lần đầu tiên Việt Nam đăng cai tổ chức hội nghị quốc tế về âm nhạc các dân tộc thiểu số trên thế giới, do Viện Âm nhạc tổ chức, với sự chủ trì và giám sát của Hội đồng âm nhạc cổ truyền quốc tế (ICTM).
Hai cuộc hội nghị của nhóm nghiên cứu ICTM về “Âm nhạc và các dân tộc thiểu số” và “Âm nhạc dân tộc học ứng dụng” được tổ chức liên tục trong 12 ngày, 76 bản tham luận được trình bày lần lượt trong 30 phiên họp.
|
Người dân Tây Nguyên (Việt Nam) trình diễn đinh Pút - một nhạc cụ độc đáo |
Các tham luận sẽ đề cập những vấn đề về vai trò của âm nhạc các dân tộc thiểu số trong việc duy trì sự bền vững của cộng đồng, những thách thức để tồn tại, nghệ thuật trình diễn và vấn đề bảo tồn, những đối thoại của xã hội, sự ủng hộ của giáo dục…
GS-TS Khoa học Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian cho biết, đây là lần đầu tiên hai hội nghị chuyên đề của hai nhóm nghiên cứu ICTM được tổ chức cùng một lúc và ở một nước nằm ngoài châu Âu. Do đó, hai hội nghị nhận được sự quan tâm của rất nhiều các thành viên thuộc Hội đồng Âm nhạc cổ truyền tại khắp các châu lục.
Điểm nhấn và cũng là nét độc đáo của hội nghị này là sự giao lưu, gặp gỡ của hai nhóm nghiên cứu tại phiên họp chung được tổ chức vào hai ngày 23 và 24/7 tại Hạ Long.
TS. Lê Văn Toàn, Viện trưởng Viện Âm nhạc khẳng định, hội nghị cũng là cơ hội để Việt Nam giới thiệu với bạn bè quốc tế những vẻ đẹp vô giá cũng như những giá trị tiềm năng của âm nhạc cổ truyền Việt Nam.
Đây cũng là dịp để các nhà khoa học Việt Nam, đặc biệt là các nhà nghiên cứu trẻ tiếp cận cách thức làm việc của đồng nghiệp quốc tế trong lĩnh vực âm nhạc cổ truyền.